Xưa kia, phải lên vùng núi xa xôi mới gặp sắc hoa yêu kiều và hoang dã ấy. Giờ đây, hoa ban đã thành người thân với phố phường. Những phố dài ướt mưa, những cung đường hoe nắng, phơi phới, lấp loáng những vạt, những vồng áo giao mùa đỏm dáng.
Lần đầu tôi thấy hoa ban là ở con đường mang dấu ấn của Tây Bắc giữa lòng Thủ đô. Ban dập dìu suốt mấy ngả đường, xôn xao tụ hội như ở vương quốc của mình, chập chồng bên nhau như mang cả hơi thở núi rừng trong từng gân lá, cuống hoa. Để mỗi tháng ba, khi quãng rừng nho nhỏ ấy bung nở, kéo theo dòng người hiếu kỳ, háo hức, say mê.
Phố có bao loài hoa, mùa nào cũng thật nhiều hương sắc nhưng ban lạ lẫm và duyên dáng, mong manh mà rắn rỏi, ấn tượng đến lạ kỳ! Khi ánh mắt của người phố chạm vào nụ hoa hàm tiếu hay cánh hoa đã bung nở tận độ, rồi đến những xác cánh đã lìa cành rụng lả tả dưới chân…, phải chăng như vừa được làm chuyến chu du từ núi về với đồng bằng? Và có lúc không khỏi mơ hồ tự hỏi mình đang ở đâu? Như thấy mênh mang câu chuyện về nguồn gốc hoa ban.
Rằng ngày xửa ngày xưa, ở bản nọ, có chàng trai yêu cô gái tên Ban. Những trắc trở của mối tình thiêng liêng, trong trắng và kết thúc là cái chết thương tâm của cô gái xinh đẹp, dịu hiền, son sắt. Số phận trớ trêu để lại cho đời một loài hoa như mang cả linh hồn của đá và tiếng vọng núi rừng. Khi về với phố, hoa lá có ngác ngơ? Âm vang và hồn đất có rơi rớt nơi nào? Bởi rồi mỗi mùa, tôi lại bắt gặp nhiều hơn những dáng, những hàng ban ở rất nhiều ngả đường, con phố khác. Hóa ra, ban là loài cây dễ trồng, dễ sống. Hóa ra, đó không chỉ là hồn vóc lâm sơn. Phố đã choàng lên ban một diện mạo mới.
Ban về với phố, ở cùng bụi phố, bầu bạn với những loài cây gốc gác nơi đây. Cũng lặng lẽ những mùa trổ lá, xanh cây, trầm ngâm nhìn dòng người xuôi ngược, dỏng tai nghe tiếng còi xe mỗi sớm chiều. Dường như đã quên đi vẻ thâm u, khoáng đạt của đại ngàn, tiếng róc rách của suối, tiếng chim gù mỗi sớm, tiếng ong vồn vã mỗi chiều. Ai đó vô tâm, đi qua những hàng ban bên bờ hồ, gốc ban nơi cơ quan, công sở có từng nghĩ đó là cây bàng, cây sấu, cây cơm nguội?
Phải đợi cạn xuân - cuối tháng hai, đầu tháng ba mới vỡ òa, thảng thốt khi thấy một vầng hoa, cả trời hoa. Hóa ra, tạo vật luôn bền bỉ, chung tình. Chỉ có con người là lơ đãng. Và vẫn là tạo vật, tưởng mong manh mà thật mạnh mẽ. Bị bứt khỏi nơi chốn cội rễ mà vẫn vươn dáng đón nắng, tắm gió, ngạo nghễ an nhiên. Cỏ cây sống hết mình với đời cây cỏ, con người há chẳng rung động hay sao?
Rồi theo tháng năm tôi còn gặp nhiều, nhiều nữa sắc hoa ban trên những cung đường đồng bằng hao hao nắng gió. Và lạ lùng chưa, tôi nhận thấy mùa ban thật dài. Qua đoạn giao mùa, qua nắng nhạt, mưa bay, mơn trớn rét… đến tận khi mùa hạ lừng khừng đâu đó, vẫn thấy màu hoa thơ thới trên những tán, vạt xôn xao. Màu ban tím, ban trắng hay ban đỏ, sắc nào cũng rưng rưng, mãnh liệt.
Như một vòng tuần hoàn đi rồi trở lại. Dịch bệnh không làm tan được những nụ hoa vừa kiêu sa vừa dân dã. Bụi phố không làm vẩn được sắc hoa trong trẻo như tinh túy của đất trời.
Kìa, những cánh ban đang cười trong gió - những cánh hoa của mùa về trong phố, lao xao!