Trong đó, có thể nhắc đến những cây bông gạo cổ thụ nằm ngay ngã năm Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn - Cửa Nam. Ở vị trí trung tâm này, đi theo hướng nào cũng thấy cây bông gạo đang nở bung những chùm quả bông trắng ngà.
Tại đầu Ô Quan Chưởng, giáp với đường Trần Nhật Duật, hai bên đường là 2 cây bông gạo sừng sững như người lính canh cho cửa ô thêm thanh mát, cho những bước chân qua bình yên. Gần ngay đó, trên phố Trần Nhật Duật, ngược về đường Yên Phụ là một cây bông gạo cổ thụ; xuôi về Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một cây bông gạo khác mọc ngay lối đi từ Hàng Tre ra đê Trần Nhật Duật.
Tại bùng binh giao thông nút phía nam cầu Chương Dương, ai đi từ Long Biên vào nội thành, từ bến Nứa cũ về, hoặc xuôi theo dốc cầu xuống mạn Hàng Mắm là sẽ được đi dưới bóng cây bông gạo. Gần xuống dốc cầu rẽ vào Hàng Mắm vài bước chân, và quá lên tới ngã tư giáp với Hàng Tre cũng bắt gặp thêm một cây bông gạo nữa. Phố Lò Rèn là nơi có nhiều cây bông gạo nằm ngay ngã tư giáp với Hàng Đồng…
Người xưa cho rằng sợi cây hoa gạo trắng là chất bông tự nhiên, tốt và quý nên gọi là cát bối, cát bối miên, cát bối mộc miên… Còn trong niềm tin hồn hậu của người Việt, cây gạo bến nước tượng trưng cho tín nghĩa nên cũng dễ hiểu vì sao cây gạo lừng lững thường hay được trồng đầu làng, trồng bên bến nước như để những người con xa xứ trông về. Cây bông gạo hình như cũng nằm trong tín điều đó nên cũng thường được trồng ở mỗi giao lộ trong phố cũ, làng xưa, dẫu chỉ còn tên gọi hôm nay, nơi dọc những con đê đất cũ của Hà Nội từ phố Yên Phụ kéo lên tận đầu phố Tràng Tiền... vừa lạ vừa thân quen.