Mơ về tấm áo cánh nâu

Phạm Ngọc Tâm Dung | 26/05/2021 08:35

Mơ về tấm áo cánh nâu
Tôi đã đi miên man lặng lẽ khi qua những cánh đồng vừa quen vừa lạ, thật gần gũi mà cũng thật xa xôi. Những con cào cào châu chấu biết múa hát. Những bắp ngô mẩy hạt hớn hở chào mời níu áo nâu tôi. Tôi nhìn một bông hoa nhỏ long lanh biết nói tiếng người, rồi chính bông hoa đó lại hóa thành chiếc áo dãi nâu mẹ may cho tôi thuở bé… 

Đón mẹ đi chợ về, ngoài gạo, bánh trái mẹ còn đưa cho tôi một tấm vải mộc màu trắng ngà ngà. Tôi ôm riết lấy tấm vải mới tinh, hít hà. Mùi hồ thơm tho như hơi thở vương mùi sữa của em bé. Mẹ bảo vải này để may áo cho con! Tôi nhắm mắt tưởng tượng ra tấm áo nâu sẫm tím lịm sột soạt khi mặc khoe hàng xóm. Bà tôi mừng lắm. Mùa đông sắp đến nơi mà đàn cháu chưa có áo ấm. Đứa bé mặc thừa của đứa nhớn cũng cộc thếch, cộc thác cả rồi. Bà cười rồi vội vàng đem tấm vải còn thơm mùi hồ ra cầu ao đá giặt và ra sức đập cho mềm sợi để ngày hôm sau còn nhuộm nâu. Củ nâu được cha tôi và cậu Bảo chở từ rừng về to bằng quả bưởi, vỏ sù sì. Trong ruột đỏ au là nâu đỏ để nhuộm những "nước" đầu tiên tạo màu. Loại củ khác là nâu nhựa ruột màu vàng đậm để "chiết" sau cùng cho bền màu. Vải nhuộm xong được căng ra bốn cọc tre ở nơi dại nắng. Cứ như thế, tầm vài chục hôm, ngày nào bà cũng nhuộm nhuộm, phơi phơi dưới trời nắng thu, cho đến khi tấm vải ăn màu, săn lại và trở nên khô cứng như tấm mo cau, đượm mùi thơm ấm áp của nâu. Bà đem ngâm nước vo gạo vài ba ngày cho sợi vải mềm mại là có thể đem may áo. Vải nâu cũng được chia làm nhiều kiểu thức cho phù hợp "thời trang". Để may cho bé gái hay các cô gái rượu, các bà mẹ chỉ nhuộm nguyên nâu đỏ dăm bảy "nước". Khi đó, vải còn mềm mại có màu đỏ tươi, người ta gọi là "nâu non".

Vải may áo cho đám con trai hay các chàng thợ cày thì phải nhuộm kỹ, cốt sao cho màu trầm nam tính và cũng cho nó bền bỉ để mà dãi nắng dầm mưa. Vải để may quần cho phụ nữ hay xống, váy đụp cho người già thì phải là màu đen. Bà đem tấm vải đã "chiết" nhiều lần nâu nhựa, lấy một ôm lá sòi, nấu thành nước đặc màu nâu và nhuộm, phơi dăm bảy nắng. Khi tấm vải trở thành màu nâu xám thì lấy bùn ao (càng hẩu càng tốt) mà nhuộm lại. Nhuộm rồi cứ để cả bùn mà phơi khô. Sau dăm bảy ngày, chất nâu rừng già, chất lá sòi bờ ao, chất bùn đất quê đã làm cho tấm vải có màu đen bóng, nuột nà cho chiếc quần làm nên vẻ đẹp mộc mạc mà duyên thầm của người đàn bà quê tôi. Tôi thường nghe mẹ, rồi nghe thím tôi hát ru em câu: 

- Đêm qua ta mất cành sòi 
Sáng mai trông thấy 
một người quần thâm 

- Quần thâm ta nhuộm 
bùn ao 

Cành sòi mình mất hôm nao 
mặc mình

Khi đó tôi chỉ hiểu rằng lời ca dạy người ta nhuộm vải. Vâng! Đến bây giờ ngẫm sâu, mới thấy, dầu cất lên từ bùn đất, nâu sồng nhưng sự gắn bó cũng đủ chất lãng mạn, để tâm hồn người ta bay bổng với tình yêu. Thì ra đây còn là lời hát đối đáp giao duyên nam nữ tỏ tình trong ngày hội làng hay khi đi làm cùng một cánh đồng! 

Sau này khi vào học khoa văn trường sư phạm để làm cô giáo, tôi lại thấy thêm  yêu biết bao tấm áo nâu giản dị đã đi vào tục ngữ, ca dao và cả thơ hiện đại. 

- Áo nâu ai mặc nên xinh
Cho duyên em lịch, 
cho tình anh say

- Ơ này cô mặc áo nâu
Đầu đội nón lá đi đâu 
vội vàng

Áo nâu là áo của người nhà quê làm nông nghiệp. Với nam giới thì có cả quần nâu  nữa thành một “bộ” nâu.

Lênh đênh bè ngổ bè dừa
Quần nâu áo vá đâu vừa 
thì chơi

Với thiếu nữ thôn làng, quần đen, áo nâu non cũng đủ duyên dáng làm say mê người khác giới:

- Em là con gái đồng chiêm
Lấy dao cắt cỏ lấy liềm 
bổ cau
Quần màu đen, áo màu nâu
Cái thắt lưng láng đứng đâu 
cũng giòn

Màu nâu là màu phổ biến khi mà các loại thuốc nhuộm hóa học chưa thịnh hành như bây giờ. Hầu như xưa người dân Việt ai cũng từng có một tấm áo nâu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng ca ngợi dân ta:

Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu 
nhuộm bùn
 (Bài ca Hắc Hải)

Nhà thơ Tố Hữu khi viết về Bác Hồ kính yêu, cũng chọn hình ảnh Người mặc  áo nâu:
Bác Hồ đó chiếc áo nâu 
giản dị
Màu quê hương bền bỉ 
đậm đà
(Sáng tháng năm)

Và:
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi 
lạ thường
                             (Việt Bắc)
Ơi những tấm áo nâu đã ấp ôm ta từ ngày xưa ấy. Tấm áo mà cha ta và cậu Bảo đã chở củ nâu từ tận nơi rừng già xa lạ miền Tây Bắc về để nhuộm. Tấm áo mẹ ta đã đổi bao nhiêu tôm cá và thật nhiều mồ hôi để mua vải. Tấm áo mà bà ta đã giặt, đã nhuộm ngày nắng đêm sương, gửi tình yêu thương vào trong từng sợi vải dọc ngang. Và bao câu hát người xưa đã thêu dệt ngọt ngào vào tấm áo, vào  tâm hồn ta chất quê hương xứ sở... Ta có được mùa hè một áo cánh nâu non. Mùa đông giá rét mấy thì cũng chỉ có hai áo cánh nâu mặc chồng khít lên nhau. Ấm áp khi còn bé thơ và ấm lâu cả một kiếp người.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Mơ về tấm áo cánh nâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO