Mơ về tấm áo cánh nâu

Truyện - Ngày đăng : 08:35, 26/05/2021

Mơ về tấm áo cánh nâu
Tôi đã đi miên man lặng lẽ khi qua những cánh đồng vừa quen vừa lạ, thật gần gũi mà cũng thật xa xôi. Những con cào cào châu chấu biết múa hát. Những bắp ngô mẩy hạt hớn hở chào mời níu áo nâu tôi. Tôi nhìn một bông hoa nhỏ long lanh biết nói tiếng người, rồi chính bông hoa đó lại hóa thành chiếc áo dãi nâu mẹ may cho tôi thuở bé… 

Đón mẹ đi chợ về, ngoài gạo, bánh trái mẹ còn đưa cho tôi một tấm vải mộc màu trắng ngà ngà. Tôi ôm riết lấy tấm vải mới tinh, hít hà. Mùi hồ thơm tho như hơi thở vương mùi sữa của em bé. Mẹ bảo vải này để may áo cho con! Tôi nhắm mắt tưởng tượng ra tấm áo nâu sẫm tím lịm sột soạt khi mặc khoe hàng xóm. Bà tôi mừng lắm. Mùa đông sắp đến nơi mà đàn cháu chưa có áo ấm. Đứa bé mặc thừa của đứa nhớn cũng cộc thếch, cộc thác cả rồi. Bà cười rồi vội vàng đem tấm vải còn thơm mùi hồ ra cầu ao đá giặt và ra sức đập cho mềm sợi để ngày hôm sau còn nhuộm nâu. Củ nâu được cha tôi và cậu Bảo chở từ rừng về to bằng quả bưởi, vỏ sù sì. Trong ruột đỏ au là nâu đỏ để nhuộm những "nước" đầu tiên tạo màu. Loại củ khác là nâu nhựa ruột màu vàng đậm để "chiết" sau cùng cho bền màu. Vải nhuộm xong được căng ra bốn cọc tre ở nơi dại nắng. Cứ như thế, tầm vài chục hôm, ngày nào bà cũng nhuộm nhuộm, phơi phơi dưới trời nắng thu, cho đến khi tấm vải ăn màu, săn lại và trở nên khô cứng như tấm mo cau, đượm mùi thơm ấm áp của nâu. Bà đem ngâm nước vo gạo vài ba ngày cho sợi vải mềm mại là có thể đem may áo. Vải nâu cũng được chia làm nhiều kiểu thức cho phù hợp "thời trang". Để may cho bé gái hay các cô gái rượu, các bà mẹ chỉ nhuộm nguyên nâu đỏ dăm bảy "nước". Khi đó, vải còn mềm mại có màu đỏ tươi, người ta gọi là "nâu non".

Vải may áo cho đám con trai hay các chàng thợ cày thì phải nhuộm kỹ, cốt sao cho màu trầm nam tính và cũng cho nó bền bỉ để mà dãi nắng dầm mưa. Vải để may quần cho phụ nữ hay xống, váy đụp cho người già thì phải là màu đen. Bà đem tấm vải đã "chiết" nhiều lần nâu nhựa, lấy một ôm lá sòi, nấu thành nước đặc màu nâu và nhuộm, phơi dăm bảy nắng. Khi tấm vải trở thành màu nâu xám thì lấy bùn ao (càng hẩu càng tốt) mà nhuộm lại. Nhuộm rồi cứ để cả bùn mà phơi khô. Sau dăm bảy ngày, chất nâu rừng già, chất lá sòi bờ ao, chất bùn đất quê đã làm cho tấm vải có màu đen bóng, nuột nà cho chiếc quần làm nên vẻ đẹp mộc mạc mà duyên thầm của người đàn bà quê tôi. Tôi thường nghe mẹ, rồi nghe thím tôi hát ru em câu: 

- Đêm qua ta mất cành sòi 
Sáng mai trông thấy 
một người quần thâm 

- Quần thâm ta nhuộm 
bùn ao 

Cành sòi mình mất hôm nao 
mặc mình

Khi đó tôi chỉ hiểu rằng lời ca dạy người ta nhuộm vải. Vâng! Đến bây giờ ngẫm sâu, mới thấy, dầu cất lên từ bùn đất, nâu sồng nhưng sự gắn bó cũng đủ chất lãng mạn, để tâm hồn người ta bay bổng với tình yêu. Thì ra đây còn là lời hát đối đáp giao duyên nam nữ tỏ tình trong ngày hội làng hay khi đi làm cùng một cánh đồng! 

Sau này khi vào học khoa văn trường sư phạm để làm cô giáo, tôi lại thấy thêm  yêu biết bao tấm áo nâu giản dị đã đi vào tục ngữ, ca dao và cả thơ hiện đại. 

- Áo nâu ai mặc nên xinh
Cho duyên em lịch, 
cho tình anh say

- Ơ này cô mặc áo nâu
Đầu đội nón lá đi đâu 
vội vàng

Áo nâu là áo của người nhà quê làm nông nghiệp. Với nam giới thì có cả quần nâu  nữa thành một “bộ” nâu.

Lênh đênh bè ngổ bè dừa
Quần nâu áo vá đâu vừa 
thì chơi

Với thiếu nữ thôn làng, quần đen, áo nâu non cũng đủ duyên dáng làm say mê người khác giới:

- Em là con gái đồng chiêm
Lấy dao cắt cỏ lấy liềm 
bổ cau
Quần màu đen, áo màu nâu
Cái thắt lưng láng đứng đâu 
cũng giòn

Màu nâu là màu phổ biến khi mà các loại thuốc nhuộm hóa học chưa thịnh hành như bây giờ. Hầu như xưa người dân Việt ai cũng từng có một tấm áo nâu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng ca ngợi dân ta:

Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu 
nhuộm bùn
 (Bài ca Hắc Hải)

Nhà thơ Tố Hữu khi viết về Bác Hồ kính yêu, cũng chọn hình ảnh Người mặc  áo nâu:
Bác Hồ đó chiếc áo nâu 
giản dị
Màu quê hương bền bỉ 
đậm đà
(Sáng tháng năm)

Và:
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi 
lạ thường
                             (Việt Bắc)
Ơi những tấm áo nâu đã ấp ôm ta từ ngày xưa ấy. Tấm áo mà cha ta và cậu Bảo đã chở củ nâu từ tận nơi rừng già xa lạ miền Tây Bắc về để nhuộm. Tấm áo mẹ ta đã đổi bao nhiêu tôm cá và thật nhiều mồ hôi để mua vải. Tấm áo mà bà ta đã giặt, đã nhuộm ngày nắng đêm sương, gửi tình yêu thương vào trong từng sợi vải dọc ngang. Và bao câu hát người xưa đã thêu dệt ngọt ngào vào tấm áo, vào  tâm hồn ta chất quê hương xứ sở... Ta có được mùa hè một áo cánh nâu non. Mùa đông giá rét mấy thì cũng chỉ có hai áo cánh nâu mặc chồng khít lên nhau. Ấm áp khi còn bé thơ và ấm lâu cả một kiếp người.

Phạm Ngọc Tâm Dung