Càng cận kề ngày Rằm tháng Tám, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc lại xuất hiện ở khắp nơi. Nếu những đứa trẻ ngày xưa miệt mài ngồi làm đèn lồng đèn khung tre giấy kiếng, thì thế hệ sau lại mê mẩn trước dàn lồng đèn điện tử đủ kiểu dáng treo đầy nơi các cửa hàng. Nhưng dù có cải tiến bao nhiêu, những chiếc lồng đèn vẫn là thứ gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào vào mỗi dịp Trung thu.
Lạ mắt hơn nữa, những chiếc lồng đèn do chị Đoàn Thị Thành (38 tuổi, ngụ Bình Phước) làm mô phỏng sinh động những nhân vật hoạt hình, con thú, ít ai nghĩ chúng đều được chị tỉ mẩn làm bằng tay, với vật liệu chính là những sợi... len!
Ban đầu chỉ định làm cho 2 con gái chơi, chị Thành không ngờ chiếc lồng đèn của mình lại được nhiều người thích thú |
Với các vật liệu đơn giản là len, keo sữa, bong bóng, vải nỉ, những chiếc lồng đèn ra đời |
Thành phẩm sinh động và bắt mắt |
“Trước kia mình làm kế toán, từ hồi sinh đôi 2 bé gái thì ở nhà chăm sóc chúng luôn! Vốn mê đồ handmade (tự làm tại nhà - PV) , mình quyết định làm túi xách, nón,… mở bán online. Ở nhà tù túng, tối ngày lục đục cắt, khâu, mày mò sáng tạo vậy mà đỡ căng thẳng hơn nhiều! Trung thu năm rồi mình mới làm thử những chiếc lồng đèn này cho con chơi, vì thấy lồng đèn điện tử bằng nhựa giờ đẹp nhưng xuất xứ không rõ ràng, không biết có an toàn hay không”, chị Thành cho biết.
Sau khi xem các bài viết hướng dẫn cơ bản trên mạng, chị mày mò làm thử và sáng tạo thêm. Chẳng ngờ khi đăng tải những bức ảnh về chiếc lồng đèn của con trên mạng xã hội, bạn bè, người thân cứ đòi mua tới tấp. Thế là chị làm số lượng lớn để bán luôn!
Những chiếc lồng đèn đặc biệt vì phần khung được làm bằng những sợi len siêu mềm mại và mỏng manh. Qua bàn tay của người làm mà tạo thành khung lồng đèn vững chắc với những hình thù bắt mắt.
Chị Thành giải thích quy trình: “Đầu tiên, mình sử dụng bong bóng để cố định khung. Thổi bong bóng lên vừa phải, sau đó trộn len với keo sữa và cứ thế quấn dần lên thân bong bóng. Quấn xong thì phơi khô và sấy cứng, rồi chích nổ bong bóng lấy ra. Phần khung bằng len lúc này sẽ rất cứng cáp, tùy cho mình tạo hình thêm. Các chi tiết còn lại như mắt, mũi, miệng, tai,… của con vật được làm bằng vải nỉ”.
Nghe khá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng. Chị Thành cho biết, 90% khung lồng đèn thời gian đầu chị làm đều bị thất bại. Phải trầy trật mãi, chị mới tìm được công thức chung phù hợp như chu vi bóng thổi lên vừa vặn nhất là 45 cm, tỷ lệ pha keo và nước cũng phải chuẩn,…
Phơi bóng sau khi quấn len xong |
Chị Thành cho biết khi làm lồng đèn phải chú ý: chu vi bóng vừa phải, sấy bóng đủ thời gian,... |
Trong lúc chờ bóng quấn len khô, người làm sẽ cắt những miếng vải nỉ thành tạo hình mình mong muốn |
Cuối cùng gắn với tim đèn là có ngay một sản phẩm độc đáo |
“Sau khi quấn len xong, nhiều người treo lên phơi liền là bóng sẽ bị xì hơi và móp mép không đúng “form” nữa. Quấn xong cứ để ráo tự nhiên 3 – 4 tiếng rồi hãy treo lên. Mọi người cũng nghĩ treo dưới nắng gắt sẽ mau khô, nhưng thực ra bóng cao su rất dễ hỏng. Chỉ cần phơi trong mát, dù lâu hơn chút từ 8 – 10 tiếng. Nhân thời gian đó thì mình sắp xếp đi làm các chi tiết còn lại”, chị Thành tiết lộ.
Phơi bóng xong lại đến công đoạn sấy, mỗi lần sấy đồng loạt 10 – 15 quả. Sau 1 – 2 tiếng thì sợi len khô cứng lại, phần keo dính với bóng sẽ dễ bong. Nếu sấy xong mà bóng không tróc thì chị Thành cũng có cách “trị”, vì chỉ cần rửa sơ bóng qua nước, mọi thứ sẽ lại như ý!
Nếu Trung thu năm ngoái, chị Thành chỉ làm được khoảng 20 mẫu lồng đèn, thì năm nay chị đã sáng tạo được thêm 10 mẫu mới. Tất cả đều là những con thú rất dễ thương như heo, cá, gà, thỏ và những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như thủy thủ mặt trăng, mèo kitty, pikachu,… Chị cũng có thể làm theo yêu cầu khách, nhưng phải thử qua nhiều lần mới có thể tạo nên hình dáng mô phỏng giống nhất.
Những chiếc lồng đèn sáng rực trong đêm tối, sẵn sàng cho những đứa trẻ rước đèn đêm Trung thu |
Mỗi chiếc lồng đèn như vậy mất khoảng 24 tiếng để hoàn thành, nhưng được chị Thành bán lẻ chỉ 80.000 đồng/cái.
“Năm ngoái mình chỉ bán có 300 cái, năm nay chưa đến ngày Trung Thu mà mình đã hết 800 cái rồi. Do còn phải chăm con và công việc nhà nên mình không làm nhiều hơn được. Hôm qua mình đã “chốt sổ” rồi nhưng mọi người vẫn cứ nhắn tin đặt tiếp, thấy cũng vui lắm. Không chỉ tốt cho trẻ con với những vật liệu an toàn mà còn cho chúng hứng thú với những món đồ tự làm, giúp chúng phát huy tính sáng tạo hơn”, chị Thành chia sẻ.