“ Mẫu hệ” nền văn hóa đặc trưng của người Êđê

H Nuel Wing| 23/04/2018 10:21

Khi nói đến Tây Nguyên - miền đất cao nguyên hùng vĩ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh những chú voi ngạo nghễ, những ngôi nhà sàn trải dài, những ché rượu cần say men, những con người có làn da nâu rám nắng đầy vẻ khỏe khoắn sống. Vùng đất giữa núi rừng đại ngàn ấy là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số như Êđê, Gia Rai, Ba Na, Cơ Ho, Xơ Đăng, Mnông trong đó dân tộc Êđê có một nét văn hóa khác biệt mà thể hiện rõ nét nhất là chế độ “mẫu hệ”.

Đã từ rất lâu, người Êđê có mặt ở khắp miền trung Tây Nguyên, nguồn gốc dân tộc xuất phát từ nhóm Mã Lai, và được in dấu qua các trang sử thi, qua các bài hát “Khan” “Ây Rây”, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình dân gian.Vùng đất nổi tiếng bởi vẻ đẹp đặc trưng của miền cao nguyên và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nổi bật nhất là văn hóa phong tục tập quán “mẫu hệ” của người Êđê. “Mẫu hệ” khác với các dân tộc còn lại, khi người con trai sẽ phải đi lấy vợ, thì người con gái Êđê theo “mẫu hệ” sẽ rước người con trai về nhà ở “rể”. Con cái sau này hiển nhiên sẽ mang họ mẹ. 

“ Mẫu hệ” nền văn hóa đặc trưng của người Êđê
Bé gái Êđê vui trò chuyện cùng già làng Y Thim Byă (buôn Ea bông, xã Cư Ea Buar, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) 
Theo truyền thống từ xa xưa, người Êđê quan niệm người con gái là người có thể sản sinh ra những đứa con, thiên chức làm mẹ cao cả ấy chỉ có người con gái mới làm được. Bởi vậy, người phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Họ là chủ nhân của những bếp lửa, là người nấu cơm nước hằng ngày cho cả gia đình. Cũng bởi thế, người Êđê tin rằng, lửa sẽ xua tan đi bao điều không tốt lành và đem đến những điều may mắn, hạnh phúc, bếp lửa đồng thời là linh hồn của người phụ nữ. Họ cũng gắn liền với hình ảnh bến nước và con thuyền, qua những chiếc gùi đong đưa trên lưng của người phụ nữ. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, đời sống của người Êđê đã khác trước, tiến bộ và hội nhập, nhưng bếp lửa, bến nước và con thuyền hay những chiếc gùi vẫn là phương tiện vận chuyển khó có thể thay thế của họ. Tất cả đã, đang và sẽ còn gắn bó thân thiết với cuộc sống của đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây. Nó sống mãi cùng thời gian, từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai cùng những người phụ nữ. Mọi thứ đều thể hiện truyền thống riêng biệt của dân tộc.

Già làng Y Thim Byă (buôn Ea bông, xã Cư Ea Buar, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ: “Chế độ “mẫu hệ” của người Êđê thể hiện cụ thể trong cuộc sống hôn nhân, thông qua Lễ hỏi chồng (Buh Kông), Lễ thỏa thuận (Bi kuôl), Lễ cưới (Kbih ung mô)... Khác với các dân tộc còn lại khi người con trai phải cưới vợ, thì người phụ nữ Êđê theo mẫu hệ sẽ đi lấy chồng. Người con trai sẽ ở rể bên nhà gái. Thừa kế tài sản thuộc về nữ, bên nhà gái cưới chồng cho con, con sinh ra mang họ mẹ.”

Có lẽ nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi người con trai Êđê liệu có được coi trọng khi mà quyền làm chủ hôn nhân thuộc về người phụ nữ. Đó cũng chính là cách hiểu sai lệch của phần đông số người khi nói về mẫu hệ - một chế độ mà người mẹ, người phụ nữ nắm quyền. Hoặc hiểu theo lối siêu hình: mẫu hệ tức là trái ngược với phụ hệ, nếu chế độ phụ hệ dành hết mọi quyền lực cho người cha, cho nam giới thì trong chế độ mẫu hệ người mẹ và nữ giới nói chung nắm quyền cai quản gia đình, xã hội.

“ Mẫu hệ” nền văn hóa đặc trưng của người Êđê
Phụ nữ Êđê giã gạo trên nhà sàn.
“Trong gia đình người Êđê, người chồng sẽ là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình trong đối ngoại và xử lý công việc khi có việc xảy ra trong dòng họ mẹ mình như ma chay, cưới hỏi...” Bà H Don Hwing tâm sự.

Bởi ít ai biết rằng trong gia đình mẫu hệ, tuy phụ nữ là người có quyền lực cao nhất nhưng người đàn ông cũng đóng một vai trò nhất định. Như trong sử thi Dam Săn chẳng hạn. Khi Dam Săn làm tù trưởng nhân dân, vợ đã không thể hiện quyền lực ra bên ngoài, cho dù vợ là dòng tù trưởng. Điều khiển cuộc chiến tranh và điều khiển ngoài cộng đồng thì Dam Săn đứng ra điều khiển, chứ không phải người phụ nữ. Song, dù cho chế độ mẫu hệ hay phụ hệ người Êđê đều coi trọng con người, sự sống tồn tại không có quyền lực nào mạnh hơn tình yêu của họ.

Trong quá trình chung sống của chế độ mẫu hệ. Nếu chẳng may, cô vợ bị mất thì nhà vợ hoặc dòng họ nhà vợ tìm một người phụ nữ khác trong dòng họ nhà vợ để kết hôn với người đàn ông đó. Người Kinh gọi là tục “nối dây”. Người Êđê gọi là tục “chuê nuê”. Tục nối dây của người Êđê xét ở một khía cạnh nào đó có tính nhân văn bởi không hề ép buộc mà dựa trên tinh thần tự nguyện. 

Tuy nhiên, với sự hội nhập và phát triển của cuộc sống xã hội, chế độ mẫu hệ Êđê cũng đang có những biến đổi khá sâu sắc. Tục “nối dây” dần mờ nhạt và hiện tại không còn nữa do tiếp biến và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc đan xen, giao thương phát triển mạnh mẽ giữa các vùng miền.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, chế độ “mẫu hệ” còn ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hoa văn trang trí, trang phục thổ cẩm của người Êđê nơi đây. Trong các buôn làng người Êđê, không khó để bắt gặp những ngôi nhà sàn trải dài như những con thuyền. Nhà sàn dài của người Êđê biểu hiện sự tôn vinh cho chế độ mẫu hệ của họ, nó không chỉ là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình, mà còn thể hiện nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Êđê nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Họ quan niệm mặt trời là của thế giới thần linh, biểu tượng được đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất trên mái nhà dài, mặt trăng là sự bí ẩn thiêng liêng, quyền lực của người phụ nữ, biểu tượng được đặt trên cây nêu tượng trưng cho sự huyền bí, đặt ở cầu thang có bầu vú cách điệu là đặc trưng cho quyền lực mẫu hệ ở gia đình. Bởi vậy, cầu thang cái (phải) nhà dài thường được trang trí bằng hình trăng khuyết và hình hai bầu ngực. Ngôi nhà sàn dài còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên, vì ngôi nhà được xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng. Đặc biệt, theo quan niệm của người Êđê, ngôi nhà sàn dài còn là sự thể hiện phong cách, nếp sống, sự giàu sang, đẳng cấp của gia đình đó trong cộng đồng.

Chế độ “mẫu hệ” với những nét văn hóa đặc trưng mà ít ai biết đến ấy giờ đây vẫn luôn được đồng bào người Êđê bảo tồn, lưu giữ và duy trì. Nét văn hóa ấy không chỉ góp phần tạo nên sự đa sắc màu trong công cuộc hội nhập mà còn thể hiện sự riêng biệt và độc đáo của các dân tộc ở vùng đất đầy nắng gió, lễ nghi, phong tục và lễ hội. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Cuộc hành quân đặc biệt
    Tháng 4 mang theo sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, gợi lên trong tôi bao ký ức không thể nào quên về người cha thân yêu nay đã đi xa. Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi cả nước sục sôi khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn, Xưởng phim truyện Việt Nam nhanh chóng cử các nghệ sĩ tinh nhuệ chia thành bốn nhóm gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
  • Hôm nay 21/4, thí sinh đăng ký dự thi, tốt nghiệp THPT
    Hôm nay, 21/4, thí sinh trên cả nước bắt đầu chính thức đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT trên Hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian đăng ký dự thi kết thúc vào lúc 17 giờ ngày 28/4.
  • Huyện Thanh Oai dự kiến có 4 xã sau sắp xếp đơn vị hành chính
    Với tinh thần khẩn trương thực hiện chủ trương, Nghị quyết và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, huyện Thanh Oai đã tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tiến độ.
Đừng bỏ lỡ
“ Mẫu hệ” nền văn hóa đặc trưng của người Êđê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO