Lưu Bình - Dương Lễ

Truyện ngắn của Đặng Hồng Nam| 26/05/2017 09:03

Lưu Bình con Lưu Văn Bản ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc. Nhà Bản mấy đời theo đòi nho học nhưng không ai đỗ đạt, đến đời Bản, năm sáu mươi hai tuổi mới đỗ Hương Cống, đi thi Hội hai lần không đỗ. Triều đình xét thấy Bản tuổi tác đã già, sức khỏe yếu nên chưa biết tuyển dụng chức gì. Năm sáu mươi chín tuổi Bản chết, đỗ đạt tuy có nhưng chưa một ngày làm quan. Bình là con trai độc nhất của Bản. Khi Bản chết, Bình mới được hai mươi tuổi. Sở dĩ Bản có con muộn như thế là vì lúc trẻ nguyện khi nào thi đỗ mới lấy vợ

Lưu Bình - Dương Lễ
Minh họa của Vũ Thái Bình


Lấy một cô gái trong làng, hiền lành, nết na, con một nhà không giàu có nhưng cũng không đến nỗi đói nghèo. Lấy vợ một năm thì đẻ con, bỏ một khoa thi, khoa thi sau lại đi thi thì đỗ. Người ta bảo: “Giá ông Bản lấy vợ từ hồi còn trẻ thì có khi đường khoa cử sẽ hanh thông hơn cũng nên”. Trước khi chết Bản dặn con : “Nợ đèn sách bố trả chưa xong, con cố công làm nốt cho bố”. Bình cúi đầu vâng lời.

Bình dáng người nhỏ nhắn, hơi thấp chứ không cao lòng khòng như bố, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, thông minh sáng dạ hơn hẳn những đứa trẻ con cùng trang lứa, học đâu nhớ đấy, nhiều người đoán về sau tất sẽ làm nên.

Mãn tang bố xong, bà mẹ theo lời khuyên của họ hàng và những người trong làng đi hỏi vợ cho Bình.

Ở làng bên có ông chánh tổng Trương sinh được năm cô con gái. Hai cô đầu đã thành gia thất, cô thứ ba tên là Nguyệt, người xinh xắn giỏi giang hơn hai cô chị, lại vừa cùng trang lứa với Bình. Mẹ Bình nhờ người đánh tiếng rồi đến hỏi. Ông Trương thuận gả luôn.

Ông Trương thuận gả ngay con cho Bình vì ông tính: “Nhà Bình chẳng gì cũng là nhà sĩ hoạn, mấy đời theo nghiệp khoa cử đến đời bố Bình mới bắt đầu được, chắc đến đời Bình thì phát”. Ông cũng nghe người nọ người kia đồn về sự học hành giỏi giang của Bình.

Khi Nguyệt chào bố mẹ để sang bên nhà chồng, ông Trương dặn : “Ở nhà là quyền ở cha, lấy chồng là quyền ở chồng. Chăm lo hầu hạ chồng, giúp chồng làm nên sự nghiệp là cái đạo của người đàn bà”. Nguyệt cúi đầu vâng lời.

Nguyệt cũng chẳng phải là sắc nước hương trời nhưng cũng là một cô gái đẹp trong vùng. Dáng người cân đối, da trắng mịn, má đỏ hồng hồng. Nguyệt về nhà Bình trong suốt mấy năm đem hết sức mình ra làm tròn bổn phận, chẳng bao giờ lỗi đạo dâu con, chồng vợ. Mặc dầu mẹ Bình là người khó tính lúc nào cũng bắt na bắt nẹt con dâu nhưng trong nhà chẳng bao giờ xảy ra chuyện to tiếng.

Nguyệt sinh ra trong một gia đình tuy không nhiều chữ nhưng cũng có nền nếp. Gia đình cô có của ăn và một chút của để. So với chúng bạn trong làng, chị em cô được mặc lành mặc đẹp hơn, được ăn no, được biết nhiều miếng ngon hơn. Cha cô là người giỏi, đầy đủ quyền uy trong nhà và trong hành tổng. Tuổi thơ cô bình lặng trôi qua.

Bước chuyển từ cuộc sống trong gia đình sang cuộc sống nhà chồng của cô cũng hết sức yên bình. Cô thấy sự sắp đặt của cha cô là hợp lý, nhưng cô cũng không mấy háo hức về tương lai, không mơ tưởng nhiều về cái viễn cảnh một bước lên bà mà nhiều người đã vẽ ra cho cô. Cô đã biết sẽ phải làm gì ở chốn buồng the, sẽ phải làm gì khi cư xử với bà mẹ chồng.

Chồng cô là một người say mê đèn sách. Ngoài sự mơ tưởng đến công danh, giàu sang phú quí, mà anh ta luôn tin chắc là mình sẽ đạt được; anh ta còn có một sự sùng kính tuyệt đối với mỗi trang sách, câu chữ mà anh ta học. Thế nên không chỉ lúc cầm sách, viết chữ mà ngay cả những khi đi đứng, nói năng trong nhà hay ngoài làng anh ta đều thể hiện mình là một  bậc chính nhân, quân tử. Với vợ, anh ta vừa thể hiện sự gần gũi thân mật cần thiết, vừa giữ khoảng cách bằng sự trang trọng, nhã nhặn.

Vợ chồng ăn ở với nhau hai, ba năm vẫn chưa có con. Vợ chồng Bình đều không hiểu tại sao. Bà mẹ Bình thì luôn tỏ ra sốt ruột. Bà lặng lẽ đi xem bói. Thấy bói bảo:

- Phúc lộc nhà bà chưa đến vận.

Bà găm câu nói đó vào trong lòng, không hề kể với ai.

Nghe nói quan Nghè họ Đỗ ở phủ Thường Tín là người hay chữ, học trò khắp nơi đến học rất đông, Bình xin mẹ cho đến theo học ở trường của quan Nghè họ Đỗ.

Trường học của quan Nghè họ Đỗ có hơn một trăm học trò, tất cả đều đến để luyện bài thi. Bình đến theo học hơn một năm thì trở thành một người giỏi trội. Trong các buổi bình văn, đám học trò xúm xít lại nghe và tấm tắc khen văn Bình. Các bài văn của Bình thường được phê Ưu, Bình, rất ít khi bị Thứ.

Một người nữa tên là Dương Lễ cũng là người giỏi nhất nhì trong đám môn sinh. Văn của anh ta thô và chắc. Bài của anh ta khi được Ưu, khi Bình, khi Thứ, nhiều khi còn bị Liệt nữa, học trò có người phục anh ta có trí nhớ tốt, tầm nhìn khoáng đạt nhưng có người lại chê anh ta lôm côm, bát nháo, thày chấm không tinh mới cho anh ta điểm tốt.

Năm ấy là năm Dậu, đến kì thi vua mở sáu năm một lần. Mùa hè, quan Nghè Đỗ bảo đám học trò:

-  Có bao nhiêu chữ thày dạy các anh cả rồi. Bây giờ các anh về nhà chuẩn bị, mấy tháng nữa mà đi thi.

Thày gọi riêng Bình ra bảo:

- Anh cố lấy cho thày cái Tiến sĩ.

Thày lại gọi riêng Lễ ra và bảo:

- Anh cũng cố lấy cho thày cái Tiến sĩ.

Tuy là bảo riêng nhưng lời thày nói với ai như nào cuối cùng đám học trò tất cả đều biết. Sau hôm ấy, học trò tản mát mỗi người một ngả. Bình vì có vợ và mẹ già nên vội vã khăn gói về quê ngay, Lễ thì còn nấn ná định đi nơi này nơi khác đã. Khi chia tay, Bình mời Lễ nếu có tiện thì ghé qua chơi nhà Bình. Lễ nhận lời.

Dương Lễ quê ở tỉnh Đông, gia đình vốn nhiều đời làm nghề chài lưới, đến đời bố Lễ thì giàu có lên vì sắm được gần một chục chiếc thuyền buôn, tậu được gần trăm  mẫu ruộng đất ở cùng ven biển. Bố Lễ là Dương Văn Mộc, nghĩ: “Mình mất bao nhiêu công sức mới được một ít của nả như thế này, đến đời con cháu mình chắc gì đã giữ được. Vả lại, có tiền muộn bạc ức cũng chỉ là thằng dân. Đời không gì sướng hơn là được làm quan. Lúc nào cũng được ăn trên ngồi trốc, mùa màng thất bát chẳng phải lo”. Muốn làm quan thì tất phải học. Ông ta không tiếc tiền của cho con học. Dương Văn Mộc có ba con trai và hai gái, Lễ là con trai đầu.

Bình về nhà được chừng nửa tháng thì Lễ sau khi đi thăm thú một vài nơi trong vùng cũng tìm tới. Lễ  hơn Bình mấy tuổi, dáng người khỏe mạnh, da hơi ngăm đen, ăn nói mạnh bạo, giọng nói oang oang. Ở trường, Bình và Lễ không thân nhau lắm nhưng cũng là chỗ giao hữu thân tình, thỉnh thoảng hai người vẫn trao đổi với nhau về văn bài. Bình hơn Lễ ở sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ; Lễ hơn Bình ở sự hiểu biết nhiều, tư duy khoáng hoạt. Hai bên đều có lòng nể trọng nhau và cũng muốn học hỏi của nhau.

Nhà Bình mái rạ, tường đất, ba gian hai chái, cửa trước treo mành, nền nhà đất, chỉ có hè bó gạch và một khoảng sân nhỏ trước cửa nhà lát gạch, tiếp đến là chum nước, cây cau, tiếp nữa là cái ao nhỏ. Rậu rào thưa, cổng bằng rào tre sơ sài.

Lễ ở chơi nhà Bình ba ngày. Vợ chồng Bình đón tiếp Lễ hết sức chu đáo. Bữa ăn nào cũng có rượu, mặc dù đồ nhắm không có mấy, toàn những thứ sẵn của nhà: gà bắt trên sân, cá đánh dưới ao. Bình không uống được rượu, mỗi bữa một chén nhỏ mặt đã đỏ phừng phừng. Lễ uống năm bảy chén chẳng hề say. Uống rượu vào, Lễ nói chuyện vui rang rang, có khi còn đọc thơ nữa, làm cho bà mẹ Bình và vợ Bình cũng phải dỏng tai lên nghe. Về chuyện thi cử sắp tới, Lễ bảo nếu đỗ được là cái tốt, không đỗ được thì lại làm nghề đánh cá của tổ tiên. Lễ nói câu : “Tiến vi quan, đạt vi ngư” làm cho cả nhà Bình đều phải phì cười.

Lúc mới đến nhà Bình, lần đầu tiên trông thấy Nguyệt, Lễ giật mình vì vẻ đẹp hấp dẫn của cô ta, anh ta thoáng ngờ ngợ như đã từng gặp nàng ở đâu rồi. Anh ta nhìn chằm chằm vào Nguyệt trong giây lát, Nguyệt cũng lúng túng và hơi đỏ mặt. Suốt mấy ngày ở nhà Bình, anh ta như ở trong một nhà thân quen đã lâu. Dời nhà Bình, Lễ về luôn quê nhà. Anh ta có cảm giác như có một đôi mắt nào đó dõi theo từ rất xa.

Kỳ thi Hương, Lưu Bình thi ở trường Kinh Bắc, Dương Lễ thi ở trường Hải Dương. Lưu Bình qua được tam trường, đến kỳ thi văn sách anh bị trượt. Không thấy tên mình trên bảng hổ, anh ta lịm người đi. Anh ta cố tìm xem có tên mình trong danh sách những người phạm húy hay không. Cũng không có nốt. Anh ta phát quẫn, uống rượu và đi lang thang hết nơi này đến nơi nọ...

Dương Lễ qua thi Hương, qua thi Hội và vào thi Đình. Năm ấy nhà vua lấy mười lăm tiến sĩ, Dương Lễ đứng thứ mười ba, được vua ban mũ áo, vinh quy về làng, mũ lọng nghênh ngang. Tên tuổi nổi lên như cồn.

Sau hơn một tháng lang thang, Lưu Bình bình tĩnh trở lại, có đủ can đảm để trở về quê hương. Về đến nhà, anh ta được biết vợ anh ta bỏ nhà ra đi đã mười hôm. Giận mình phận thấp, giận tình đời đen bạc, anh ta lại bỏ nhà ra đi những mong nhảy xuống sông mà chết cho rồi. Đã mấy lần ra tới bờ sông vắng, nước chảy cuồn cuộn, chỉ cần nhảy lên một cái là đủ kết thúc cuộc đời, thế nhưng mỗi lần như thế dường như lại có một cái gì đó ngăn cản anh ta, anh ta đứng nhìn dòng sông một lúc rồi quay ngược trở lại. Sau cùng anh ta nhớ ra là có một người bạn đồng học thuở nhỏ hiện đang tu ở một chùa nào đó vùng Lâm Thao. Anh ta tìm đến ngôi chùa có người bạn đồng học cũ.

Dương Lễ sau khi đỗ Tiến sĩ thì được bổ làm tri phủ Vĩnh Lộc. Khi Lễ đến nhậm chức, thuộc hạ, nha lại và hào lý trong vùng bày tiệc và mang đồ mừng đến tấp nập suốt năm ngày. Đến cuối ngày thứ năm, quan tri phủ vừa trở về tư phòng thì có người đàn bà đến xin gặp. Người đàn bà ấy quỳ xuống, dập đầu xuống đất bên cạnh chân Dương Lễ mà nói:

- Kẻ hèn mọn này không mong muốn gì hơn là được làm người hầu hạ cho quan lớn.

Dương Lễ nhìn người đàn bà thấy đẹp mê hồn, ban đầu còn ngờ ngợ, sau hỏi lại mới biết rằng đó là Nguyệt, người vợ của Lưu Bình.

Dương Lễ đỡ Nguyệt đứng dậy, sai quân lính sắp xếp chỗ để Nguyệt nghỉ ngơi, hầu hạ Nguyệt như là người nhà của quan tri phủ.

Nguyệt nói với Lễ:

- Tôi là kẻ phụ bạc chồng, không biết quan lớn có khinh tôi không?

Lễ nói:

- Tôi như một người đánh cá đang đi giữa dòng sông bỗng nhiên có một viên ngọc rơi vào giữa khoang thuyền mình vậy. Chỉ e rằng phúc này tôi không đáng được hưởng.

Nguyệt bảo:

- Nếu quả quan lớn coi tôi là ngọc thì ngọc vào tay ai người đó được.

Hai người cử hành hôn lễ. Dương Lễ đổi tên Nguyệt ra là Châu Long. Hai người sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, sinh được bốn con, hai trai, hai gái.

Lại nói về Lưu Bình. Ở chùa Thanh Lâm được mấy năm thì thấy mình không có căn tu, nhớ mẹ già, nhớ quê hương, Lưu Bình bèn xin chùa cho về. Lần về đến quê thì mẹ già đã chết từ lâu, ruộng vườn đã về tay người khác, chỉ còn túp nhà tranh đã mục nát. Nghĩ mình trở về chùa Thanh Lâm không tiện mà đi làm thuê làm mướn thì sức vóc không có, việc đan lát, đồng áng vốn chẳng biết gì. Năm ấy lại là năm có kỳ thi Ân khoa, họ hàng, làng xóm khuyên anh ta nên đi thi lần nữa, được thì ra làm quan thỏa nguyện khi xưa, không được thì về làng mở lớp dạy học cho con trẻ, giàu sang thì không đến nhưng cũng đủ ăn, đủ sống. Anh ta thấy cũng chẳng có cách nào hơn nên đành nghe theo.

Lưu Bình ôn lại những bài học khi xưa, nhớ lại lần lần những lời thày giảng. Anh ta đi thi với một cõi lòng băng giá, không hề tin tưởng ở tương lai.

Qua nhất trường, tam trường, rồi trúng cách trong kỳ thi Hương cống, anh ta cũng không lấy làm mừng. Thi Hội, thi Đình, anh ta đỗ thứ ba trong hàng Tiến sĩ, khi ấy anh ta mới chợt bừng tỉnh, và thấy mình như đang bay trong một giấc mơ tràn đầy ánh sáng.

Lưu Bình được giao giữ chức cấp sự trung bộ Lại. Cũng vừa dịp ấy Dương Lễ được triệu về kinh làm quan nội các.

Có người biết được Châu Long vợ Dương Lễ vốn là vợ của Lưu Bình, xui Lưu Bình kiện Dương Lễ nhưng Lưu Bình không cho đó là phải. Hai người đều biết tin về nhau. Thỉnh thoảng gặp nhau trong triều họ thường lấy lễ mà cư xử với nhau, không tỏ ra thân mật mà cũng không có chút gì là thù oán.

* * *

Câu chuyện lan ra trong dân gian, mỗi người kể một khác. Lúc bấy giờ có đám con hát đang lưu diễn ở kinh thành Thăng Long, nghe chuyện như vậy bèn tính dựng một tích trò để kiếm tiền thiên hạ. Bác hơ Chất là người lớn tuổi và là người khôn ngoan nhất trong bọn họ liền bảo:

- Bạn bè phụ nhau, tranh cướp vợ của nhau xưa nay thiếu gì. Phải kể cái tích. Nào cổ kim chưa từng có mới có nhiều người xem, xem mãi không chán được.

Bọn con hát cho là phải. Thế là họ cùng nhau bày ra tích trò Lưu Bình – Dương Lễ như ta  biết đến tận bây giờ.

(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Phở bò Việt Nam là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới
    Phở bò được nhiều khách quốc tế biết đến nhất trong ẩm thực Việt Nam, nằm trong top 20 món soup ngon hàng đầu thế giới do CNN chọn.
  • Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê tại đê Hữu Đáy, huyện Quốc Oai
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở mái đê.
Đừng bỏ lỡ
Lưu Bình - Dương Lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO