20 năm qua, có một khu chợ tạm mọc ven đê sông Hồng đoạn qua xã Văn Khê (huyện Mê Linh). Dù vi phạm quy định, tuy nhiên, việc giải tỏa không dễ, trong khi phương án xây dựng chợ mới vẫn còn bỏ ngỏ.
Trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chợ ven đê xã Văn Khê là một trong những khu chợ đông đúc nhất của vùng. Hoạt động tại khu chợ diễn ra cả ngày, nhưng thời điểm đông đúc nhất là buổi sáng. Mặt hàng buôn bán tại khu chợ đa dạng, từ lương thực, thực phẩm cho đến hàng may mặc, thiết bị gia đình.
Đáng chú ý khi khu chợ này tiêu thụ một lượng rất lớn mặt hàng tươi sống. Trung bình mỗi ngày, tại khu chợ tiêu thụ khoảng 200 - 300 con lợn và hàng trăm gia cầm các loại. Tiểu thương có thời điểm đứng tràn trên đê, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông.
Khu chợ họp ven đê sông Hồng tại xã Văn Khê. Ảnh: Trọng Tùng. |
|
Dù vị trí họp chợ của người dân là không đúng so với quy định của Luật Đê điều hiện hành, tuy nhiên việc giải tỏa khu chợ hiện rất khó khăn. Sở dĩ vậy là bởi khu chợ mọc lên tự phát từ hơn 20 năm trước. Cùng với đó, nhu cầu buôn bán kinh doanh của các hộ dân là có thật. Nếu không có khu chợ này, đời sống của một bộ phận mới người dân, bao gồm cả các tiểu thương trong vùng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo tìm hiểu, từ năm 2006, UBND xã Văn Khê đã có văn bản trình UBND huyện Mê Linh (ngày đó vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) về đề xuất xây dựng chợ trên quỹ đất thuộc thôn Khê Ngoại. Tuy nhiên đến năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao phần đất dự kiến xây dựng chợ cho một số hộ gia đình phát triển kinh tế nên khu chợ chưa thể triển khai theo kế hoạch trước đó.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Văn Khê Lưu Văn Quân cho biết, sau khi sáp nhập về với Hà Nội, UBND xã tiếp tục có văn bản đề nghị UBND huyện Mê Linh về đề xuất xây dựng chợ mới thay thế khu chợ nằm ven đê sông Hồng. Tuy nhiên, giai đoạn này, trên địa bàn xã lại không còn quỹ đất để đầu tư xây dựng.
“Vừa qua, UBND xã đã rà soát, xem xét việc bố trí quỹ đất tại khu vực ao ở thôn Khê Ngoại. Hiện, địa phương đang xây dựng tờ trình đề nghị UBND huyện Mê Linh xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư chợ. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để địa phương tiến thêm một bước trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao…” - ông Quân cho biết thêm.
Liên quan đến công tác quản lý chợ tạm hiện hành, đại diện UBND xã Văn Khê cho biết đã cắt cử riêng một cán bộ và lực lượng công an thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tiểu thương buôn bán, kinh doanh bảo đảm quy định pháp luật. Đặc biệt là không để ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và an toàn phòng, chống thiên tai.