Linh Trang và cát thiền dấu chân

TSKH. Nguyễn Thành Hưởng| 11/05/2022 15:12

Linh Trang và cát thiền dấu chân
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vừa có bài thơ hay, nhiều cảm xúc:
LINH TRANG TRẮNG

Bông linh trang bên triền cát
duỗi dài vô tận
thảng thốt & bần thần
bỏ mặc cuộc người hun hút sau lưng
anh đếm

một hai ba
cánh linh trang thanh mảnh
viền môi trắng ngỏ cùng anh về miền đất huyền bí
cơn bão thổi khô mùa hè
dự cảm mạch ngầm
khát bỏng

hãy nở hết hoa ơi
bím tóc mảnh dẻ
nở đến kiệt cùng dòng máu thiên di
anh rong ruổi trên đường chật hẹp
người hành khách muộn trễ

một hai ba
ôi linh trang linh trang linh trang
loài hoa siêu thực
anh phác thảo từng giây
từng giây ngắn ngủi
nén lại giờ khắc gặp gỡ
tháo sợi dây buộc chặt cõi đời

linh trang
cát thiền dấu chân.
            (thơ Hoàng Vũ Thuật)

Bài thơ vừa đủ, cảm tả thọ tưởng bông hoa nơi triền cát được kết thức bằng câu thơ “cát thiền dấu chân”! Là nghệ thuật thể nhập hay chỉ dấu cho con đường của tỉnh thức? Một kết thúc cho những khởi đầu: từ thi cảm đến thi tưởng, từ thi hành đến thi thức, để rồi “bông linh trang nơi triền cát” như một hạnh ngộ “tháo sợi dây buộc chặt cõi đời”. Con đường nào rồi cũng đến thành Rome. Giọt nước nào cũng về với đại dương. Con chữ nào cũng là hiện tướng của tâm thức. Và thân phận nào chẳng thuộc về pháp giới.

Thế gian thành hình cùng muôn lối thiên di. Từng tích tắc làm trôi dạt "cuộc người", hiện tại thường bị bức tử trong kiếm tìm, nhiều khi là vô vọng, cho đến kiệt cùng. Hóa ra khi dừng lại, cái cần tìm lại ngay trước mắt ta. Kẻ cùng bần tha hương đã thấy “ngọc báu nơi chéo áo của chính mình” (Kinh Pháp Hoa). Cái hiện tại thâm diệu không dễ nắm bắt, không thể đo đếm. Tri giác được hiển bày là một phép lạ tháo bỏ vô thường mà ta vẫn nghe, vẫn đọc.  

Cuộc lữ thiên di đã được cát nhận biết. Cái lặng yên đã thấy cái chuyển dịch. Cái nhỏ bé đã chứa đựng cái vô cùng. Ngay khi nhận biết “cái như là”, sự thật đã hiển lộ. Bông trang từ rày là linh trang, bông hoa từ nay là diệu hoa, là liên hoa diệu bảo bung nở. Thiền ngộ chói ngời lúc kiệt cùng của nỗ lực tinh tấn trong niềm tin của tín căn. Và hoa kia, cũng như người, tánh linh vẫn tồn hiện trong vạn vật là vậy. Dấu chân có dịu nhẹ trên cát, đi trên cát, hay dẫm lên cát, đạp trên cát, cũng có sao. Tất cả đều không sai biệt, không hề chi khi cát đã nhận ra. Cát cũng như đất, bình đẵng trong pháp, "tâm sa như địa" (tâm của cát như đất): nhẫn nại, vô ngôn, bao dung và tận hiến.

Nơi triền cát phận người, khổ đau đã nuôi dưỡng hạnh phúc, phiền não đã dung chứa hạt bồ đề để nhân loại trân quý giá trị “cuộc người”. Vì thế, khi chợt thấy “bông linh trang bên triền cát”, người đã “thảng thốt & bần thần” với chính mình trong phút giây thực tại, để rồi “bỏ mặc cuộc người hun hút sau lưng”. Người “bỏ mặc” chứ không phải “quên” – diệu dụng là từ nhận biết và hóa nhập của tri kiến. Người vẫn đây nhưng người đã khác. Cái hoát nhiên trực ngộ đã hiển bày.

Khi vườn tâm đã rạng thì hoa tâm theo nhau khai nụ. Sau cái “thảng thốt & bần thần”, thi nhân đếm. Trong từng cái đếm, những huyền bí đã được tỏ ngỏ:

“một hai ba/ cánh linh trang thanh mảnh/ viền môi trắng ngỏ cùng anh về miền đất huyền bí”.
Đem tâm về với thân, đem cái ta về thực tại, “một hai ba”, “một hai ba”, những câu thơ đậm vị thiền hay chính là thiền trong phép quán tức hơi thở làm ta nhớ đến những câu thơ của bậc Thi tiên Bùi Giáng:

“Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu/
Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa/
Gọi tên là một hai ba/
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”.

Từ phép đếm “một hai ba” chỉ cho vạn vật danh sắc vô thường sinh diệt, đến phép đếm sổ tức, là phép thiền quán hơi thở giúp một hành giả có thể quay về với bản thể chân như để nhận biết thực tại, liễu ngộ “miền đất huyền bí”, đạt đến an lạc và giải thoát.

Đây, thi nhân reo gọi, thi nhân đặt tên, thi nhân đếm, thi nhân tưởng,…và “linh trang” trở thành siêu thực. Khi “bỏ mặc cuộc người” không một phép đo, một so bì nặng nhẹ, dài ngắn, được mất, có không,…thì triền cát quê hương đã là tịnh độ. Cõi tâm tràn đầy tình thương và ngạt ngào hương nhụy. Thi nhân reo hay bạch tịnh thức reo "ôi, linh trang, linh trang, linh trang". Thực tại đã được nhận biết, không chút “nghi tâm”, không thể nghĩ bàn.

Nhưng thi nhân vẫn biết người vẫn còn nơi triền cát với “dự cảm mạch ngầm nóng bỏng”. Có lẽ thế nên thi nhân thôi thúc “hãy nở hết hoa ơi/ …nở đến kiệt cùng dòng máu thiên di”. Rồi thi nhân vội vã: “anh phác thảo từng giây/ từng giây ngắn ngủi”. Trong trường cuộc thiên di mà “anh rong ruổi trên đường chật hẹp/ người hành khách muộn trễ” đã có được nhân duyên để thấy bông linh trang nơi triền cát và thọ cảm hạnh phúc chưa từng. Thực tại trong thời khắc được tâm thức ghi nhận và phác thảo, liên tục, liên tục, “từng giây/ từng giây ngắn ngủi”. Sự tinh tấn chú tâm không ngơi nghỉ ấy là gì ngoài thiền? và ngoài thiền, làm sao “nén lại giờ khắc gặp gỡ” kia đây!

Nhưng làm sao nắm giữ được thời gian. Hiện tại nào trong dòng chảy vô tận của thời gian: Thiên niên kỷ hiện tại; thế kỷ hiện tại; thập kỷ hiên tại; kim niên hiện tại; rồi  tháng, tuần, ngày hiện tại cho dến giờ khắc hiện tại. Thảy đều chẳng còn là hiện tại. Chúng sinh mống nghĩ đã là qua. Hiện tại nào đây? một giây, một ngày hay trăm năm, ngàn năm? Sẽ chẳng có hiện tại nào trong hệ quy chiếu thời gian. Nhưng trong kiệt tận bế tắc vô vọng đó, nơi câu hỏi chính là câu trả lời, là hiện tại ôm chứa, hiện tại tỉnh thức, hiện tại của cái thấy biết như là, hiện tại của "cát thiền dấu chân". Cái giờ khắc ngàn năm, trăm năm hoặc lâu hơn thế nếu ta biết vũ trụ thành hình chỉ trong tích tắc của vụ nổ lớn (big bang) với thời gian nhỏ hơn hàng triệu l
ần một giây với kích cỡ nhỏ hơn hàng triệu lần một hạt cát được đo bằng đơn vị planck.

Phút giây đó, từ cảm thọ đến tri kiến chân thật đã “tháo sợi dây buộc chặt cõi đời” và “cuộc người” đã giải thoát.
Ngay lúc này, bông linh trang đã nở.
linh trang,
cát,
người,
đã là một.
Tất cả đã nhận ra nhau, khi “cát thiền dấu chân"!
(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khán giả Thủ đô hào hứng đón xem vở chèo cổ "Trinh Nguyên" do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng
    Tối 19/5, tại Rạp Đại Nam, đông đảo khán giả Thủ đô đã đến xem buổi tổng duyệt vở chèo cổ "Trinh Nguyên". Vở chèo được dàn dựng công phu từ sự tôn kính nghề và sự tâm huyết với chèo cổ của NSND Trần Quốc Chiêm.
  • Đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”.
  • Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức (1939 – 2022) giúp người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đầu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.
  • Giải Vật Dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng 2025: Lan tỏa tinh thần thượng võ “vùng đất hai vua”
    Thông tin UBND thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) vừa cho biết, địa phương sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, Liên đoàn Vật Việt Nam tổ chức Giải Vật Dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ IV năm 2025. Giải vật dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 25/5 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Sơn Tây, phố Phan Chu Trinh, phường Ngô Quyền.
  • Tây Hồ: Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại hai phường Quảng An và Yên Phụ
    Trong không khí tháng Năm đầy ý nghĩa – thời điểm cả nước hướng về kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2025), hai phường Quảng An và Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã tổ chức chương trình khám, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên vào các ngày 19 và 20/5/2025.
Đừng bỏ lỡ
Linh Trang và cát thiền dấu chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO