Sự kiện & Bình luận

Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội 2023 truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống

Trung Kiên 13/10/2023 08:22

Chung khảo Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội – năm 2023 (cụm 2) đã diễn ra vào chiều và tối ngày 12/10 tại Nhà hát Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội). Những trích đoạn, tiểu phẩm trong buổi diễn này có tác dụng như một "liều thuốc chữa lành", mang đến cho khán giả nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, tình yêu thương.

Trước đó Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, tối 11/10, Chung khảo Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội – năm 2023 (cụm 1 gồm quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ và Thanh Trì) đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội (quận Hà Đông), để lại ấn tượng khó phai với khán giả.

pht_5132.jpg
BTC trao cờ lưu niệm cho 6 đơn vị cụm 2 tham gia Chung khảo Liên hoan chiều ngày 12/10.

Tiếp nối mạch nguồn này, Chung khảo Liên hoan cụm 2 được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức trên mảnh đất giàu truyền thống Đan Phượng. Tham gia biểu diễn tại cụm 2 là các diễn viên không chuyên đến từ 12 địa phương trên địa bàn Thủ đô. Đó là những hạt nhân văn nghệ đến từ các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm; huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất, Đông Anh và Thị xã Sơn Tây. Bám sát chủ đề của Liên hoan, 12 đơn vị biểu diễn tại cụm 2 đã mang tới cho người xem những cảm xúc đặc biệt có tác dụng như “liều thuốc chữa lành”.

pht_5106.jpg
Cảnh trong vở kịch ngắn Bài học đắt giá của quận Thanh Xuân.

Người xem không kìm được nước mắt khi đoàn diễn viên quận Thanh Xuân dựng vở kịch ngắn Bài học đắt giá, kể về đời sống trong khu dân cư và chung cư. Vì một phút chủ quan trong lúc nấu ăn, hỏa hoạn đã xảy ra trong một gia đình. Cảnh người già trẻ nhỏ hoảng hốt tháo chạy khỏi giặc lửa, tiếng kêu cứu thất thanh, người giao hàng mặt mũi lấm lem cứu được em nhỏ trong đám cháy, các y bác sĩ nỗ lực cứu người, Cảnh sát PCCC&CNCH làm nhiệm vụ được lồng âm thanh, ánh sáng dồn dập… khiến nhiều khán giả đưa tay lau nước mắt.

Bài học đắt giá mượn câu chuyện có thật tại quận Thanh Xuân vừa qua nhưng không để gợi lại ký ức buồn, mà để lan tỏa thông điệp: mỗi gia đình, cá nhân, tổ chức hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Nếu sơ suất nhỏ để xảy ra cháy thì có thể chúng ta phải trả một cái giá rất đắt, đó chính là mạng sống của người thân và đồng loại.

pht_4592.jpg
Trích đoạn Cây cau của quận Hoàng Mai.

Trích đoạn Cây cau của quận Hoàng Mai có tính thời sự cao. Chỉ vì một cây cau mà những người hàng xóm tìm đủ mọi cách để nhà này lấn đất nhà kia, con cái bị ngăn cản tìm hiểu để nên duyên vợ chồng. Một cây cau khiến những ông bố bà mẹ trở nên tham lam, ích kỷ khiến tình làng nghĩa xóm sứt mẻ, xung đột ngày càng cao và những đứa trẻ là nạn nhân của sự việc.

Nhưng khi nhìn nhận lại, chính tình người đã khiến những ông bố bà mẹ thay đổi ý nghĩ về việc dịch chuyển cây cau để lấn đất. Tất cả nhận ra chỉ có tình người, tình hàng xóm, sự yêu thương đùm bọc, sống chan hòa… mới là giá trị đích thực, cao hơn tất cả các loại vật chất và nó là liều thuốc chữa lành mọi sự tổn thương trong hành động, tính ích kỷ của mỗi cá nhân.

pht_4930.jpg
Ngôi nhà hạnh phúc (quận Ba Đình).

Quận Ba Đình lấy nước mắt người xem qua kịch ngắn Ngôi nhà hạnh phúc, kể về những người cao tuổi sống trong khu dưỡng lão chuẩn bị đón Tết. Họ cứ ngỡ con cái ngoài kia vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi, mua quà gửi vào nhưng thực tế tất cả đều do anh bảo vệ của khu dưỡng lão làm. Khi sự việc được phát hiện, những người làm cha làm mẹ ở tuổi xưa nay hiếm đớn đau tột cùng, anh bảo vệ cũng chỉ biết nói lời xin lỗi. Nhưng khi biết anh bảo vệ giả con viết thư, tặng quà như một cách anh này báo hiếu cha mẹ, các ông bà trong khu dưỡng lão gạt đi tất cả, coi anh bảo vệ như con. Từ sự bi kịch, chuyện trong Ngôi nhà hạnh phúc trở về hạnh phúc đúng nghĩa, mọi người hân hoan cùng đón Tết đã về.

pht_5354.jpg
Giấc mơ được làm người của đoàn không chuyên quận Cầu Giấy.

Giấc mơ được làm người của các diễn viên không chuyên quận Cầu Giấy cũng là tác phẩm sân khấu chạm vào cảm xúc khán giả. Người mẹ già cùng con trai cả làm thầy giáo chết lặng khi biết con, em tham gia đường dây buôn bán ma túy và bị công an truy nã. Nhưng dù đau đớn đến nhường nào, người mẹ già trong nước mắt dàn giụa đã ngăn không để đứa con trai bé bỏng tự tử, khuyên con ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Người mẹ hứa sẽ đợi đứa con sa ngã trở về và tin rằng con trai sinh ra trong gia đình có truyền thống, sẽ cải tạo tốt để có ngày được đoàn tụ với mẹ, với anh và làm lại cuộc đời.

pht_5664.jpg
Trách nhiệm không của riêng ai tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội.

Quận Long Biên và Thị xã Sơn Tây lại đưa ra việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử do UNBD Thành phố Hà Nội vào trong các tác phẩm sân khấu không chuyên tại Liên hoan lần này. Trách nhiệm không của riêng ai của quận Long Biên là thông điệp gửi tới các cán bộ công chức cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quy chế về văn hóa công sở, giao tiếp, làm việc với nhân dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm. Nếu để xảy ra sai sót khi tiếp dân thì cán bộ phải nghiêm túc nhận khuyết điểm, thực hiện tự phê bình và rút kinh nghiệm.

pht_4634.jpg
Hoa vàng trên cỏ xanh của các diễn viên không chuyên Thị xã Sơn Tây góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, lan tỏa Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Trong khi đó, Hoa vàng trên cỏ xanh của Thị xã Sơn Tây, các diễn viên không chuyên khéo léo quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch ở địa phương này. Cùng đó, Hoa vàng trên cỏ xanh truyền đi thông điệp người dân không nên gây “ô nhiễm tiếng ồn” bằng cách mở nhạc to tại công viên, không vứt rác bừa bãi ở các điểm công cộng, khu di tích… Qua phần biểu diễn của mình, các diễn viên không chuyên Thị xã Sơn Tây đã góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại.

pht_5041.jpg
Một cảnh trong Tìm về một bài thơ (huyện Đông Anh).
pht_5422.jpg
Tin mừng nơi đảo xa (quận Bắc Từ Liêm).

Âm hưởng anh hùng ca, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần bất khuất, sáng tạo của con người Việt Nam lại được thể hiện qua hoạt cảnh chèo Tìm về một bài thơ (huyện Đông Anh), Tin mừng nơi đảo xa (quận Bắc Từ Liêm). Nếu Tìm về một bài thơ đưa người xem về với bản làng Tây Nguyên đại ngàn, hòa vào dòng thời gian của cả ký ức và hiện tại từ những người lính năm xưa đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập, thì Tin mừng nơi đảo xa lại là sự bền bỉ, can trường và thông minh của những người lính đảo. Những người lính Hải quân không chỉ ngày đêm canh gác, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, họ còn có thể tự tay… đỡ đẻ cho cả những người phụ nữ khi đứng trước cuộc "vượt cạn" giữa nơi đảo xa chỉ có tiếng sóng, nắng và gió.

pht_5599.jpg
Nước mắt người viễn khứ kể về danh nhân Đào Duy Từ.

Một trong những điều đáng mừng nữa, qua cụm số 2 cũng như cụm số 1, Chung khảo Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội – năm 2023 có nhiều tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống. Huyện Quốc Oai ghi dấu với vở tuồng Nước mắt người viễn khứ kể về danh nhân Đào Duy Từ có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Ông cũng là vị tiên tổ có công phát triển môn nghệ thuật hát tuồng, vì thế trước khi qua đời, Đào Duy Từ khẩn cầu nhà vua hãy gìn giữ, truyền dạy tuồng đến muôn đời sau.

pht_5718.jpg
Trích đoạn tuồng kinh điển Cõng vợ đi xem hội do các diễn viên không chuyên quận Hoàn Kiếm biểu diễn.

Các diễn viên không chuyên Quận Hoàn Kiếm làm nhiều người phải nhắc nhớ khi đem đến Liên hoan trích đoạn tuồng kinh điển Cõng vợ đi xem hội với nét duyên dáng của các diễn viên, nội dung có nhiều mảng miếng, thoại tạo tiếng cười cho khán giả. Đem đến những phút giây thư giãn cũng như phút lắng lòng còn có trích đoạn chèo Chuyện tình làng Vũ Đại của các nghệ sĩ không chuyên của huyện Đan Phượng và Việc làng (trích từ vở chèo Quan âm Thị Kính) do đoàn huyện Thạch Thất dàn dựng.

pht_5228.jpg
Chí Phèo, Thị Nở trong Chuyện tình làng Vũ Đại (huyện Đan Phượng).
pht_4776.jpg
Nhiều tiếng cười chua chát với trích đoạn chèo Việc làng. (huyện Thạch Thất)

Chuyện tình làng Vũ Đại đã đưa nhân vật Chí Phèo, Thị Nở trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao bước lên sân khấu. Ở đó, bằng tình yêu chân thành, sự thấu hiểu và vô tư, Chí Phèo đã kết duyên cùng Thị Nở - người phụ nữ mà Chí Phèo thấy xinh đẹp nhất. Họ đã đến bên nhau, cùng mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, con gái đẹp như Nở, còn con trai lại mang vẻ “soái ca” của Chí Phèo.

Đối với Việc làng, tiếng cười chua chát được thể hiện qua nét diễn duyên dáng của các diễn viên không chuyên, kết hợp câu chuyện “chính quyền làng xã”, các nhân vật mẹ Đốp, Xã trưởng... điều tra Thị Màu từ đâu mà chửa, ai là chủ nhân của đứa trẻ Thị Màu đang thai nghén./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội 2023 truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO