Lễ hội truyền thống Hà Nội: trao truyền những giá trị bản sắc văn hoá của dân tộc
Từ ngày 15-16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023 đã làm việc với các địa phương có tổ chức lễ hội truyền thống dịp này như: quận Tây Hồ với Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ (phường Bưởi), huyện Gia Lâm với Hội Gióng (xã Phù Đổng) và huyện Thường Tín với Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên).
Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ”
Phát biểu tại buổi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, bên cạnh những nghi thức, nghi lễ truyền thống, các lễ hội trên địa bàn Thành phố cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, có mục miêu phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ năm nay có điểm nhấn khác biệt so với các năm khác, đó là sự kiện công bố Quyết định đưa “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ” phường Bưởi, quận Tây Hồ vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Do vậy, bà Trần Thị Vân Anh mong muốn rằng, Lễ hội đền Đồng Cổ tổ chức thành công hứa hẹn sẽ nâng tầm trở thành sự kiện điểm của Thành phố chứ không chỉ dừng lại ở quy mô cấp quận như hiện nay; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá và quảng bá điểm đến du lịch là các di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ. “Các nghi lễ, nghi thức, kịch bản… của lễ kỷ niệm 995 năm Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ và công bố Quyết định đưa “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ” vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cần được Ban tổ chức đặc biệt lưu tâm xây dựng cụ thể, chi tiết để đảm bảo lễ hội diễn ra trang nghiêm, đúng thuần phong mỹ tục”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá của cha ông; khẳng định bản sắc văn hoá về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Theo kế hoạch, Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ và công bố Quyết định đưa “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ” phường Bưởi, quận Tây Hồ vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia sẽ diễn ra trong 02 ngày 21-22/5 (nhằm ngày 3-4/4 âm lịch).
Hội Gióng - "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào ngày 16/11/2010.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Người Hà Nội tại Hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cho thấy, công tác quản lý, triển khai các hoạt động liên quan đến lễ hội được chính quyền, địa phương và Ban quản lý di tích đền Phù Đổng chuẩn bị chuyên nghiệp, kỹ lưỡng.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, Hội Gióng xã Phù Đổng năm nay sẽ tổ chức quy mô hội lệ trong 03 ngày, từ 25/5 – 27/5 (tức ngày 7-8/4 âm lịch). Chương trình khai mạc sẽ diễn ra vào 20h tối ngày 27/5/2023 tại sân khấu ngoài trời khu vực đền Thượng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 100 lễ hội, trong đó Hội Gióng là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, lễ là hội lớn nhất, quy mô nhất. UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn huyện ngay từ đầu năm 2023. Riêng với Hội Gióng, huyện kết hợp với các hoạt động khác như: xã Phù Đổng đón quyết định xã Nông thôn mới kiểu mẫu và Tuần lễ du lịch Phù Đổng (từ ngày 4-10/4 âm lịch) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại của Hội Gióng. Bên cạnh đó, các công tác an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, phòng chống hiện tượng mê tín, dị đoan… được Ban tổ chức phân công cho từng lực lượng chịu trách nhiệm cụ thể.
“Một trong những điểm nhấn của lễ hội năm nay là UBND huyện chỉ đạo lực lượng công an bố trí rất nhiều máy thổi nồng độ cồn tại khu vực diễn ra lễ hội, trong các tuyến đường làng … nhằm hạn chế tối đa tiêu cực do sử dụng rượu, bia gây ra; đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương yên tâm, thoải mái, hoan hỉ khi về dự lễ hội”, bà Phùng Thị Hoài Hương cho biết thêm.
Hội Gióng ở Đền Phù Đổng là một "Kịch trường dân gian" rộng lớn với các vai diễn, đạo cụ, trang phục, nghi thức đều mang tính biểu tượng nghệ thuật độc đáo và đặc sắc, tích hợp hàng loạt các giá trị văn hóa tiêu biểu, tạo nên sức hấp dẫn cho lễ hội. Điển hình là vai các "ông Hiệu" (Hiệu Cờ - tượng trưng Thánh Gióng, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ); hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng, đội quân chính quy; Phường "Ải Lao", "Làng áo đỏ","Làng áo đen" và 28 Cô tướng tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của nhà Ân…
Lễ hội Gióng nổi lên như một lễ hội đặc biệt trong số hơn 7.000 lễ hội dân gian ở nước ta và được ví như "một bảo tàng văn hóa, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa- tín ngưỡng”. Giá trị nổi bật của Hội Gióng thể hiện ở chỗ, là một hiện tượng văn hóa được bảo tồn, lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Hội Gióng còn có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và Gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Hội Gióng của UBND huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng và Ban quản lý di tích đền Phù Đổng. Ông Bùi Minh Hoàng cho biết, Thành phố cũng như cơ quan thường trực là Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội rất coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương trên địa bàn Thành phố, trong đó có Hội Gióng tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Thánh Gióng là một trong 4 vị Thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt Bắc bộ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thánh Gióng trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện những phẩm chất và hành động của người anh hùng làng Gióng chống ngoại xâm, người bảo vệ cho mùa màng, người mang mưa gió thuận hòa đến các làng quê… Hội Gióng có ý nghĩa lớn về tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Do đó, UBND huyện cũng như các đơn vị liên quan cần vừa chuẩn bị chi tiết, cụ thể, chuyên môn hoá từng khâu, từng vị trí, từng hoạt động của lễ hội, vừa đảm bảo lễ hội diễn ra đúng theo quy định của Thành phố đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát huy giá trị to lớn của “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” của Hội Gióng.
Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh thông tin thêm, đến nay chính quyền và nhân dân xã Phù Đổng đã sẵn sàng cho ngày lễ hội. Lễ Hội Gióng năm nay có điều đặc biệt hơn các năm khác đó chính là sự kiện xã Phù Đổng chính thức đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là niềm vinh dự, cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để xã Phù Đổng tiếp tục gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống quý báu của cha ông để lại; tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị Lễ hội Gióng tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; đồng thời phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cảnh quan, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Tuyên truyền Quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong dịp này chính là hướng tới xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trong thới gian tới.
Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá trường tồn của “Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung”
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố do Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và Gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng làm Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, xã Tự Nhiên là trung tâm, là nơi khởi thảo đầu tiên của Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Lễ hội là nét văn hoá đặc sắc, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và nhân dân vùng ven sông Hồng, xã Tự Nhiên nói riêng. Mặc dù Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một lễ hội của xã nhưng mang tính chất liên vùng trên địa bàn huyện Thường Tín và có tầm ảnh hưởng đến các xã xung quanh. Chính vì vậy, UBND huyện đặc biệt quan tâm và cử đoàn công tác của huyện đến thực địa làm việc trực tiếp với xã, chỉ đạo sát sao địa phương, cử các lực lượng liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội này. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc tích cực chuẩn bị cho lễ hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tự nhiên; đồng thời đề nghị xã Tự Nhiên cùng Ban quản lý lễ hội cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề khác như: quy định không để xảy ra hiện tượng đốt vàng mã bừa bãi; các mức phí và lệ phí đảm bảo theo quy định; phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe cho nhân dân và du khách gần xa… đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương.
“UBND huyện mong muốn, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên sẽ được nhân dân duy trì, phát triển và dần nâng tầm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể trong tương lai”, ông Bùi Công Thản bày tỏ hy vọng.
Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và Gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, huyện Thường Tín, xã Tự Nhiên và Ban quản lý di tích cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên các phương tiện truyền thông đại chúng để một lần nữa khẳng định giá trị nguồn của lễ hội, lan toả sâu rộng hơn nữa giá trị văn hoá truyền thống trường tồn của lễ hội cùng với thiên tình sử tình yêu giữa Thánh Chử và công chúa Tiên Dung và giá trị vĩnh cữu lòng hiếu, kính với đấng sinh thành trong cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, Ban tổ chức lưu ý đến việc vận động nhân dân tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị của di tích.
Đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn 01 ngày nữa là đến ngày khai hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, bầu không khí tưng bừng, háo hức đang bao trùm trên khắp mọi nẻo đường trong thôn làng, ngõ xóm nơi đây. Nhân dân nô nức chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng bước vào ngày hội lớn với các hoạt động văn hoá văn nghệ truyền thống, múa rồng, múa bồng, múa sênh tiền… đặc sắc nhằm tái hiện lại bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 18 - 20/5 (tức ngày 28-3 đến 2-4 âm lịch). Trong đó, ngày 19/5 (tức ngày 1-4 âm lịch) là ngày chính hội với nghi thức khai mạc lễ hội được tổ chức cùng nhiều nghi lễ rước kiệu, rước Tam vị thánh tiên và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm và du thuyền trên sông.
Tự hào là công dân xã Tự Nhiên và phấn khởi trước lễ hội, Trung tá Trịnh Công Sơn – Trưởng Công an xã Tự Nhiên bộc bạch cảm xúc qua những vần thơ: “Kính mời cô bác gần xa/Về dự lễ hội quê nhà Tự Nhiên/Nơi đây có đình làng thiêng/Thờ tứ bất tử của người nước Nam”./.