Văn hóa – Di sản

Lễ hội Sết Boóc Mạy đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Việt Thương 20:24 18/03/2024

Lễ hội Sết Boóc Mạy, nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái (Thanh Hóa) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

1737651664963.jpg
Trình diễn bòm bu trong lễ hội Sết Bóoc Mạy (ảnh: báo Văn hoá)

Tối 17/3, huyện Như Thanh - tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Sết Boóc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở thôn Mó 1, xã Cán Khê.

Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản Văn hoá đã trao Quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống Sết Boóc Mạy cho chính quyền và nhân dân thôn Mó 1, xã Cán Khê.

Theo hồ sơ di sản, thuở hỗn hoang, đất trời tăm tối, ma quỷ, thú dữ quấy phá dân lành, đời sống của người dân vô cùng khổ cực. Trước tình cảnh ấy, Ngọc Hoàng đã phái 3 người con có tài cao, đức trọng của mình xuống cứu giúp chúng sinh. Đây là 3 vị được coi như thiên sứ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Thái.

Họ có trách nhiệm giúp người dân bản Thái có thức ăn, thuốc chữa bệnh và diệt ma, trừ tà để dân bản được khỏe mạnh, bình an, người già được sống lâu hơn; con gái, con trai thì khỏe đôi tay, chắc đôi chân để làm nương rẫy kiếm cái ăn, cái mặc.

Vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, đồng bào Thái trong thôn đều tổ chức Lễ hội Sết Boóc Mạy để khẳng định sự tri ân của mình đối với tổ tiên. Cho tới nay, Lễ hội Sết Boóc Mạy xưa vẫn được các thế hệ đồng bào dân tộc Thái nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Như Thanh nói chung gìn giữ, trao truyền.

Với những nét văn hóa truyền thống ấy, tháng 10/2023, Lễ hội Sết Boóc Mạy đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ra quyết định công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Sết Boóc Mạy thực sự là di sản văn hóa quý báu, chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người Thái, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và cũng gặp không ít khó khăn, huyện Như Thanh, xã Cán Khê, đặc biệt là Nhân dân thôn Mó 1 luôn dành sự quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội Sết Boóc Mạy thông qua việc duy trì tổ chức hằng năm, trở thành hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.

Việc lễ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là điểm tựa quan trọng để huyện Như Thanh không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân./.

Bài liên quan
  • Tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành
    Ninh Hiệp xưa có tên Nôm là làng Nành, thuộc tổng Nành cũ nằm về phía Bắc huyện Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng 15km. Là một làng cổ ven sông Đuống, Ninh Hiệp ngày nay còn khá đầy đủ các sắc thái văn hóa dân gian truyền thống với một bề dày hệ thống các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Trong đó, các lễ hội của làng, đặc biệt là lễ hội chùa Nành, hàng năm vẫn thu hút lượng lớn khách hành hương về dự.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Sết Boóc Mạy đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO