Văn hóa – Di sản

Lễ hội Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ

Trần Văn Mỹ 05:23 07/03/2023

Mỗi năm, sau Tết Nguyên đán ít ngày, khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng trống hội. Tất cả mọi người, trong những bộ trang phục đẹp nhất, với vẻ mặt hoan hỉ, người ta nô nức đi trảy hội mùa xuân.

Dưới làn “Mưa xuân phơi phới bay” (Nguyễn Bính), thiện nam tín nữ đến đình, chùa, đền cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Tục đẹp ấy đã trải ngàn đời, dân gian đã tổng kết:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai đình đám, tháng Ba hội hè.
Hoặc:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Trong mùa lễ hội tại Hà Nội, khai hội sớm phải kể đến hội Gò Đống Đa, tổ chức vào mồng 5 tháng Giêng hằng năm, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh vua Quang Trung. Sau đó một ngày lần lượt là hội chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, nơi từng được Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm ban là “Nam thiên đệ nhất động” (hang động đẹp nhất nước Nam) và tương truyền ngài có để lại bút tích này trên vách động. Hội Gióng là lễ hội lớn được tổ chức tại nhiều nơi với thời gian khác nhau nhằm tưởng niệm và ca ngợi một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam là Thánh Gióng. Theo nhiều tài liệu ghi chép thì hội Gióng được bắt đầu tổ chức vào thế kỷ 11, dưới thời vua Lý Thái Tổ. Trong đó có hai hội Gióng tiêu biểu nhất là hội Gióng Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng. Hội Gióng Sóc Sơn ở huyện Sóc Sơn cũng bắt đầu vào mồng 6 tháng Giêng, có màn rước hoa tre độc đáo. Cùng đó là ngày khai hội đền Cổ Loa tại huyện Đông Anh, dịp mà dân Kẻ Chủ mở hội để tưởng nhớ vua An Dương Vương. Đây là hội lớn, có nhiều trò chơi vui như múa cờ, rước sách, tế lễ và đúng vào phiên chợ Sa ở ngay trong tòa thành cũ nên có rất đông người dự. Ngoài ra:

Mồng bảy rước hội Quán La,
Mồng mười hội Gạ kéo qua làng Sù.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao.
Mỗi năm vào dịp xuân sang
Em về Triều Khúc xem làng hội xuân
Tình cảm quê hương thật gần gụi và thiêng liêng:
Dù ai đi ở nơi đâu
Tháng Giêng mười tám bảo nhau mà về
Dù ai lâu đã xa quê
Nhớ lấy mà về mười tám tháng Giêng
Dù ai bốc thuốc nơi đâu
Tháng Giêng mười tám rủ nhau mà về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày lễ hội thì về quê hương.
Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng Ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.
Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba
Trở về hội Láng trở ra hội Thầy
Đi hội thật vui, người ta mong:
Bao giờ cho đến tháng Hai
Nhật Tảo mở hội cho trai ra đình
Nhất vui là hội chùa Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày chùa Mơ
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày Giã La
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy không tày Chài bơi.
Làng Đăm có hội bơi thuyền
Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu.

Tháng Hai, có hội 5 làng vùng Mọc, các làng đó bây giờ thuộc phường Nhân Chính và phường Trung Văn, quận Thanh Xuân:
Làng Mọc mở hội tháng Hai
Rước hôm mười một, mười hai rõ ràng
Nhất vui mở hội năm làng
Để cho thiên hạ phố phường vào xem. Nào là hương án, long đình
Phường bồng, phường trống rập rình theo sau…
Tàn vàng quạt vả sánh bầy
Đuôi nheo phấp phới, cờ bay hằng hà.

Một trong những lễ hội kỳ thú nhất, cổ nhất và có tính đại chúng nhất phải kể đến hội Gióng Phù Đổng. Hằng năm, cứ đến ngày mồng chín tháng Tư âm lịch, hội Gióng Phù Đổng thu hút rất đông người đến dự trên hai bờ sông Đuống:
Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu,
mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng.
Râm râm hội Khám, u ám hội Dâu,
vỡ đầu hội Gióng.

Tháng Tư là thời điểm chuyển từ mùa xuân sang hè nên thời tiết dễ có nhiều thay đổi bất ngờ, dẫu vậy vẫn có ba hội mở liên tiếp vào mồng bảy, mồng tám, mồng chín tháng Tư.
Gióng còn là tên Nôm của làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, nơi sinh Thánh Gióng là một trong “Tứ bất tử” của người Việt.
Một câu khác cũng hát rằng:

Ai ơi mồng chín tháng Tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.
Tục truyền mồng tám tháng Tư
Không xem hội Gióng cũng hư mất đời
Một số câu khác nhắc người ở muôn phương nhớ đến ngày hội thiêng liêng nơi quê hương yêu dấu:
Dù ai buôn bán trên đường
Nhớ ngày giỗ tổ Trưng Vương thì về
Dù ai hải đảo, sơn khê
Tháng Giêng ngày hội nhớ về Đồng Nhân.
Nhớ ngày hăm ba tháng Ba
Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Đó là người dân Thập Tam Trại, quận Ba Đình, nhớ về quê cũ làng Lệ Mật, quận Long Biên.
Còn đây là cảnh hội chùa Hàm Long:
Ba năm mở hội một lần
Tiếng đồn nô nức xa gần đến xem
Hai phố chôn hai dãy đèn
Làm hai cái cổng dưới trên phố Hàm
Làm thêm cái cổng tam quan
Làm nhà tám mái bắc ngang sân chùa
Trong chùa tinh tượng mới tô
Làm nhà tám mái bày đồ hàng ngôi
Dân ta mở hội mồng mười
Mười một rước nước thỉnh kinh lên chùa
Rước nước trên sông Bồ Đề
Thỉnh kinh chùa Đá rước về chùa Mơ
Những nơi các bậc thánh thần lưu dấu kỷ niệm đều có cảnh non xanh nước biếc, trên đỉnh Vệ Linh cũng thế:
Dạo chơi non nước Vệ Linh
Phong cảnh hữu tình để nhớ cho ai
Ngàn tây có dải núi Dài
Có con sông Khốn chảy ngoài nẻo đông
Văn Lang sạch bóng giặc Ân
Nơi đây Thánh Gióng dừng chân gội đầu
Cổ xưa truyền lại có câu
Vùng quê lấy Sọ làm đầu vẻ vang
Nước trong, trong mát như gương
Cổ giếng ghi tích lưu truyền mai sau
Hằng năm rưới nước gội đầu
Dâng lên Thánh Gióng bấy lâu tôn thờ.

le-hoi-den-dong-nhan-o-ha-noi-thap-nien-1920-12.jpg
Rước tượng voi trong Lễ hội đền Đồng Nhân xưa (Ảnh tư liệu)

Việt Nam là nước nông nghiệp, chuyên trồng lúa nước, tháng Giêng sau Tết ngày rộng tháng dài, khi cây lúa đã bén chân thì việc đồng đã vãn, người ta dành những ngày nhàn nhã đó đi đình đền lễ Phật thánh và xem các trò chơi giúp cho đời thêm vui sau một năm làm việc vất vả. Cho nên, ở mỗi hội làng, hội vùng họ đều tìm thấy những nét riêng trong các trò chơi, trò diễn:

Thứ nhất hội Gióng, hội Dâu
Thứ nhì hội Bưởi, hội Vó chẳng đâu vui bằng
Thứ nhất là hội Cổ Loa
Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm
Ngạn ngữ Hà Nội còn nêu các trò cụ thể: Làng Cầu chém lợn, làng Cự kéo co, làng Ngò chạy ngựa. Ba làng này nay đều thuộc quận Long Biên, mỗi làng diễn một trò riêng hấp dẫn.
Còn hội làng Chèm mở cuối tháng Năm được ca dao mô tả:
Ba dân mở hội tháng Năm Mười hai hạ chải, hôm rằm bơi thi
Ba dân đánh trống chỉ huy
Thuyền nào đạt nhất, thuyền thì có mao
Cả Thuyết đứng mũi chịu sào
Hai Dương đánh mõ, Trương Giao phất cờ
Lái Hành lái vượt thủy cơ
Dân ta đâu có được cờ mà tranh.

Chính vì đến hội vui như thế, cho nên ngay cả ông già cả cũng “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu tháng Giêng”.
Mỗi năm mở hội, có biết bao nhiêu cặp trai gái hẹn nhau từ hội năm trước nay lại tìm nhau, hợp duyên và đã trở thành chồng vợ:
Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em cũng không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Trong nhiều thế kỷ qua, vẻ đẹp riêng có của hội làng Thăng Long - Hà Nội đã được nhân dân đúc kết thành những câu ca dao và ngạn ngữ hết sức bình dị. Đây là những viên ngọc quý nằm trong kho tàng ca dao ngạn ngữ về Thăng Long - Hà Nội mãi mãi tỏa sáng và làm say lòng người.

Bài liên quan
  • Lễ hội 5 làng Mọc xuân Quý Mão 2023
    Ngày 3/3 (tức 12/2 Âm lịch), người dân Thủ đô được dịp chứng kiến, hò reo, hòa mình vào những màn rước kiệu bay độc đáo trong lễ hội 5 làng Mọc. Khu vực tổ chức hội là bốn đình thuộc hai quận, gồm: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO