Lễ dâng hương ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành tại phố cổ Hà Nội
Sáng 12/2 (ngày 15 tháng Giêng) UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) đã tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành tại đình Tú Thị.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, chính quyền phường Hàng Gai, các nghệ nhân, thợ thêu cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức truyền thống, thể hiện lòng thành kính đối với công lao to lớn của ông Tổ của nghề thêu Lê Công Hành.
Đình Tú Thị (số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tên nôm là đình Chợ Thêu, tên chữ là Tú Đình thị, nghĩa là “Chợ đình thợ Thêu”, được xây dựng năm 1891 bởi những người dân làng thêu Quất Động tới tụ cư tại kinh thành Thăng Long.

Đình Tú Thị đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2015, là nơi thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661). Ông là người làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, có công trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở Việt Nam.
Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành tại đình Tú Thị diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút khách du lịch. Đáng chú ý là hoạt động Tổng kết Dự án nghệ sĩ lưu trú "Tơ óng - Màu cây" và bức tranh thêu tay cổ được trưng bày tại lễ dâng hương.
Buổi lễ cũng là dịp để các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, thợ thêu trao đổi về cơ hội, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy nghề thêu trong bối cảnh hội nhập.

Phát biểu tại lễ dâng hương, đồng chí Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, đình Tú Thị sẽ trở thành một điểm đến nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ có thể sáng tạo các tác phẩm thêu tay, góp phần gìn giữ và quảng bá nghề truyền thống của dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thương mại và văn hóa của khu vực.
Việc tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh ông Tổ nghề thêu thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát triển các giá trị di sản.
Đây cũng là động lực quan trọng để nghề thêu tiếp tục phát triển bền vững, góp phần làm rạng danh bản sắc văn hóa Việt Nam trong dòng chảy của thời đại./.