Đời sống văn hóa

Bảo tồn nét đẹp văn hoá tâm linh tại Lễ hội đền Đức Thánh Cả

Huyền Anh 15:35 11/02/2025

Lễ hội đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội được tổ chức trong 3 ngày 10, 11, và 12 tháng Giêng xuân Ất Tỵ 2025.

Đền Đức Thánh Cả tọa lạc tại thôn Hữu Vĩnh, bên tả ngạn của dòng sông Đáy, tựa sau dãy núi Hàm Long hùng vĩ. Đền Đức Thánh Cả được Nhà nước ghi nhận là di tích lịch sử văn hóa và là nơi dừng chân của rất nhiều khách du lịch đến từ mọi miền Tổ quốc.

Tương truyền, Đền Đức Thánh Cả được xây dựng cách đây khoảng 1.500 năm. Đền thờ thần là vị tướng "Nhất phẩm đại vương" triều Tiền Lý Nam Đế.

Lễ đại kỳ phước được tổ chức 3 ngày từ 10 đến 12 tháng Giêng, làng tổ chức rước kiệu bằng thuyền rồng dọc sông, có bơi chải và các thuyền chiến bơi thờ, rước lọng giá từ đền về đình Xuân đến tế thần. Trong 3 ngày có nhiều trò vui như: múa rồng, kỳ lân, đấu gậy...

Kỳ lễ tế vua Đinh, tưởng niệm vua Đinh - người có công thống nhất đất nước, làng tổ chức tế lễ 1 ngày (ngày thượng đinh đầu tháng 2); Hội tế mùng 6 tháng 5 là ngày kỷ niệm vua Trần về tạ ơn Thánh; Kỳ tế hội thu, tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 8 có rước thuyền bơi chải, rước kiệu trên sông từ đền về đình Thu, tế Long Vân khánh hội; Hội tế mùng 6 tháng chạp là ngày kỵ Thánh.

z6307460160292_bf70a407473ca8aa69008a2abc14a91c.jpg
Đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội.

Theo ghi chép từ cuốn sách Đại Nam nhất thống chí: vị tướng “Nhất phẩm đại vương” được thờ phụng tại đền Đức Thánh Cả này thuộc dòng dõi Kinh Dương Vương, con cháu của vua Hùng. Ngài là một vị tướng tài giỏi bên cạnh Lý Bôn, đã từng được phong làm “Tổng thống quân vụ thủy đạo thượng tướng quân” cùng với các binh sĩ anh dũng đánh nam dẹp bắc, khí khái hào hùng vang dậy cả đất trời. Ngài được vua Lý Nam Đế sắc phong làm Nam Thiên linh ứng, xây dựng miếu đền để con cháu muôn đời sau phụng thờ và kính ngưỡng.

Với vị thế đắc địa, khung cảnh thiên nhiên non nước làm say lòng người và vẻ đẹp văn hóa tâm linh, đền Đức Thánh Cả gần chùa Hương càng ngày thu hút rất nhiều du khách thập phương đến nơi đây thăm quan du lịch.

476928418_1175415991041946_7489545905784901208_n.jpg
Hội làng thôn Hữu Vĩnh (Lễ hội đền Đức Thánh Cả).

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội, sáng ngày 10 tháng Giêng tổ chức rước ngự giá từ đình Thu về đình Xuân để tổ chức tế lễ; ngày 11 tháng Giêng ngoài tế lễ thì có các trò chơi dân gian, tối giao lưu văn nghệ và sáng ngày 12 tháng Giêng lễ tế tạ.

Ông Nguyễn Đức Văn, Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích đền Đức Thánh Cả cho biết, đầu năm lượng du khách thập phương và nhân dân về lễ đền Đức Thánh Cả khá đông. Trung bình vào những ngày nghỉ có khoảng 2.000 lượt khách/ngày; vào những ngày thường, trung bình mỗi ngày khoảng 600-700 lượt khách.

z6307472444864_088dd400238c51476b403ca2b18cb8f9.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra thực tế công tác tổ chức Lễ hội đền Đức Thánh Cả.

Phát biểu khi buổi kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội tại đền Đức Thánh Cả, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá, về cơ bản, Ban Tổ chức Lễ hội và địa phương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Lễ hội theo quy định. Huyện và địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử của di tích tới nhân dân và du khách thập phương.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Duy Phong, thành viên Đoàn kiểm tra ghi nhận những nỗ lực của Ban Tổ chức Lễ hội trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông cả đường thuỷ và đường bộ; đồng thời bày tỏ mong muốn, huyện và địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa về điều kiện cơ sở vật chất để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích linh thiêng này.

Bên cạnh phát huy những điểm sáng, mặt tích cực, huyện cùng Ban Quản lý Di tích cần lưu tâm khắc phục những hạn chế tồn tại như: bố trí, sắp xếp lại vị trí các hòm công đức, các đĩa đặt tiền lễ một cách khoa học, gọn gàng, tránh để tràn lan làm ảnh hưởng đến mỹ quan, tính tôn nghiêm nơi thờ tự.

z6307465048061_be5fa79ca704c4622175a6f54ed3d953.jpg
Quy tác ứng xử niêm yết đầy đủ tại đền Đức Thánh Cả.

Ghi nhận tại đền Đức Thánh Cả đã niêm yết đầy đủ quy tắc ứng xử của Thành phố; giữ gìn cảnh quang, môi trường sạch sẽ, trang nghiêm nơi thời tự.

Ngoài những giá trị văn hoá cổ được lưu truyền, đền Đức Thánh Cả còn là một thắng cảnh đẹp. Đền ngự bên bờ sông cổ. Cửa đền nhìn ra dòng sông. Nơi đây, dòng sông uốn khúc như dải lụa. Phía sau đền tựa lưng vào dãy núi Hàm Long. Ngọn núi chính hình thành 9 cấp nhìn tựa như 9 đầu rồng hướng về đền. Từ ngọn núi này, nước chảy qua lèn đá tuôn róc rách quanh năm. Ngôi đền ẩn nhập vào lớp áo choàng xanh của những lùm cây cổ thụ, cây ăn quả trải rộng trên diện tích 20.807m2.

z6307521051477_c493126e947cb61007f6cd32a587c654.jpg
Đền Đức Thánh Cả là một thắng cảnh đẹp, cổ kính.

Trải qua bao cơn binh lửa, thế vận đổi thay, ngôi đền vẫn trường tồn cùng với sự trường tồn của đất nước, trở thành di tích lịch sử - văn hoá. Nơi đây ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử đáng trân trọng, đi vào đời sống tinh thần của nhân dân với lòng tôn kính, sùng bái khách thập phương./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn nét đẹp văn hoá tâm linh tại Lễ hội đền Đức Thánh Cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO