Từ trung tâm quận Hà Đông, theo đường 72, đi khoảng 7 km, du khách đến một làng quê với những căn nhà đang được xây hiện đại nằm bên những tòa cao ốc của một khu đô thị. Đấy là làng La Dương, nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông. Làng đã được Chính phủ cấp bằng “Làng có công với nước”; 10 gia đình cơ sở cách mạng nơi đây cũng được Nhà nước tặng bằng “Có công với nước”.
Nhà đồng chí Triệu Tiến Sự, thôn La Dương - cơ sở cách mạng một thời.
Nhà ông Triệu Đắc Điện - nơi từng là cơ sở của Xứ ủy Bẵc Kỳ. Ảnh Nguyễn Văn Thanh.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng La Dương là một xã thuộc tổng Yên Lũng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đây là một làng cổ. Bản thần phả còn lưu ở đình cho biết, vào thời Hùng Nhuệ Vương, đây đã là một làng đông đúc, có tên là La Nhuế trang, với đền miếu linh thiêng, sau là nơi đóng đại bản doanh của ba anh em cùng mang tên là "Minh Tuất", có công giúp vua chống lại nhà Thục. Sau đó, trang La Nhuế là trung tâm của "thực ấp" mà nhà vua phong cho ba người, được dân làng tôn làm thành hoàng.
Ngoài nông nghiệp, dân làng La Dương trước đây có nghề dệt với sản phẩm chính là the, lụa, “The La” đã nổi tiếng khắp miền Bắc vì có hoa trơn, dệt rất công phu. Tuy nhiên, dưới chế độ cũ, người nông dân - thợ thủ công La Dương luôn trong cảnh “tơ kênh gạo chịu” (vay tơ, gạo ăn để dệt rồi trả nợ lãi). Từ cuối 1943 trở đi, nghề dệt bị đình đốn vì thiếu nguyên liệu, thợ dệt không có công ăn việc làm; kết hợp phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu, làm cho làng lâm vào nạn đói khủng khiếp.
Từ đầu năm 1937, một số thanh niên trí thức làng La Dương đã tìm đến cách mạng, đưa các hoạt động của phong trào vận động dân chủ về địa phương. Cuối năm 1937, các tổ chức quần chúng, như Đoàn Thanh niên dân chủ, Phụ nữ Dân chủ, Nông dân tương tế được hình thành, mở rộng tại nhiều xóm, thu hút cả một số nhà sư tham gia, có nhiều hoạt động sôi nổi; là cơ sở để chọn ra những thành viên tích cực. Vào một ngày tháng 11/1939, đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông thay mặt cho Ban Tỉnh ủy tổ chức lễ kết nạp ba quần chúng ưu tú người làng La Dương vào Đảng và thành lập Chi bộ La Dương gồm ba đảng viên này, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Giữa năm 1942, địch khủng bố gắt gao, phong trào của La Dương mất liên lạc với cấp trên. Đến cuối 1943, một cán bộ ở làng Tây Mỗ cùng một cán bộ công tác đội được Xứ ủy cử về bắt liên lạc với Chi bộ La Dương. Đây cũng là giai đoạn Trung ương và Xứ ủy quyết định xây dựng “đất đứng chân” ở ven Hà Nội để chỉ đạo kịp thời và sâu sát phong trào cách mạng ở vùng nông thôn kề cận nội thành Hà Nội và nội thị Hà Đông. ATK của Xứ ủy được xây dựng từ cuối 1944, nằm trên địa bàn một số xã của huyện Đan Phượng và phủ Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) và phủ Quốc Oai (tỉnh Sơn Tây). Khu vực ATK ở phủ Hoài Đức nằm trên địa phận các làng: La Dương, Vân Canh, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Vạn Phúc, La Phù và Đông Lao. Mỗi làng có vị trí, nhiệm vụ riêng trong thực hiện các công việc của cách mạng, từng xã trong ATK. Làng La Dương ở vị trí trung tâm của các xã thuộc ATK, nằm sát đường 72, tiện lợi cho giao thông liên lạc, từ sau khi được phục hồi (cuối 1943) có Chi bộ và các đoàn thể quần chúng vững mạnh, nhân dân rất tin tưởng vào cách mạng nên được coi là điểm trục của ATK. Đây là nơi Thường vụ Xứ ủy đóng và làm việc, nơi Trung ương về làm việc với Xứ ủy. Đây còn là nơi đặt các cơ quan điện đài, giao thông, quân sự. Các làng xung quanh hợp thành cùng La Dương tạo thành một ATK khá hoàn chỉnh và liên hoàn. Với vị trí quan trọng đó của La Dương, Chi bộ La Dương là Chi bộ trực thuộc Xứ ủy do một cán bộ Xứ ủy phụ trách.
Nhận rõ trọng trách của mình, Chi bộ La Dương khẩn trương bắt tay vào công việc xây dựng ATK. Dưới sự chỉ đạo của các cán bộ Xứ ủy, tiếp thu những kinh nghiệm của những nơi khác, kết hợp với thực tế yêu cầu của nhiệm vụ mới, Chi bộ đã xây dựng các cơ quan của ATK thành một hệ thống các địa điểm ăn ở, hội họp, học tập, huấn luyện quân sự, giao thông liên lạc, giao nhận báo chí của Xứ ủy. Nhà ông Triệu Đắc Điện là nơi ở của Xứ ủy, nơi họp của Thường vụ Xứ ủy, nơi làm việc của Xứ ủy với các cán bộ Trung ương về công tác. Nhà các ông Triệu Tiến Sự, Triệu Tiến Vị là nơi ở của cán bộ Xứ ủy và các tỉnh khác về làm việc (nhà đồng chí Sự còn là nơi họp của Ban Chấp hành Xứ ủy, nơi giao nhận tài liệu sách báo). Nhà ông Trịnh Bá Kiên cũng là nơi giao nhận tài liệu. Nhà đồng chí Đỗ Văn Hinh - nơi huấn luyện quân sự, cũng là nơi ở của cán bộ. Nhà ông Triệu Tiến Mưu là nơi ở, nơi làm việc của một số cán bộ Đảng Dân chủ Việt Nam... Tất cả đều kín đáo, tiện lợi và linh hoạt.
Để bảo vệ ATK, Chi bộ La Dương tổ chức ra đội tự vệ gồm 10 đồng chí. Hỗ trợ đội tự vệ là các đội viên thiếu niên tiền phong. Hằng ngày, các em chơi đáo, chơi bi hay đan lát ở đầu ngõ và khu vực quanh các gia đình cơ sở, thấy hiện tượng khả nghi thì báo hiệu cho các anh tự vệ.
Để đảm bảo bí mật cho ATK, rút kinh nghiệm của nhiều nơi khác, La Dương không tổ chức mít tinh, biểu tình rầm rộ, không rải truyền đơn, dán áp phích, tuyệt đối giữ bí mật. Vì vậy phong trào của La Dương những thời gian này không rầm rộ bề mặt, mà đi vào các cuộc sinh hoạt quần chúng theo chiều sâu. Chi bộ và quần chúng cách mạng La Dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tổ chức và bảo vệ tốt ATK của Đảng. Nhiều đồng chí cán bộ Trung ương Xứ ủy đã về ăn nghỉ, làm việc, hội họp ở La Dương. Trong hoàn cảnh luôn bị địch rình mò, đe dọa khủng bố và nạn đói khủng khiếp đang diễn ra, quần chúng cách mạng La Dương vẫn hướng về Đảng, chở che, nuôi nấng hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng như Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Lộc, Lê Quốc Thân, Trần Tử Bình... Không một gia đình cơ sở nào bị lộ.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe đồng minh. Ngày 17/8, tại làng Vạn Phúc, Xứ ủy họp mở rộng, quyết định phát lệnh khởi nghĩa trong toàn Xứ. Ngày 18/8, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được phát đi từ Cầu Tó (làng La Dương). Tình hình lúc này rất khẩn trương. Chi bộ làng La Dương đã lãnh đạo quần chúng cách mạng vùng lên giành chính quyền.
Hơn 77 năm đã trôi qua, nhưng những dấu tích, những kỷ niệm về sự góp công lớn lao của Chi bộ và quần chúng cách mạng La Dương vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta những năm tháng đầy gian khó vẫn còn in đậm trong các thế hệ dân làng ven đô này.