Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Từ lời kêu gọi của Bác Hồ ngày thu lịch sử, đến Hà Nội “yên ổn và phồn thịnh”
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ nhân ngày Thủ đô Giải phóng (10/10/1954), với truyền thống anh hùng, Hà Nội đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ. Sau ngày giải phóng, Hà Nội tiếp tục làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đóng góp sức người sức của cùng cả nước để tạo nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Và giờ đây, Hà Nội là Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người…
Từ “Thủ đô yên ổn”…
70 năm trước, Báo Nhân dân số 236 phát hành ngày 9/10/1954 đã đăng bài viết với tiêu đề “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Hồ Chủ tịch. Sau khi thực hiện tiếp quản Thủ đô an toàn, 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Trong ngày thu lịch sử ấy, Bác Hồ đã gửi tới nhân dân Hà Nội những lời căn dặn đặc biệt sâu sắc, chứa chan tình cảm:
“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!… Nếu kể từ ngày thế giới chiến tranh lần thứ hai thì Thủ đô ta đã trải qua 15 năm binh lửa. Thời gian khá dài, tổn thương không ít! Sở dĩ Thủ đô giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu… Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Soi chiếu vào quá trình phát triển Thủ đô 70 năm qua, có thể khẳng định Hà Nội đã thực hiện đúng, hiệu quả lời căn dặn của Bác, trước hết đó là làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn. Tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” đã tạo nên một Thủ đô của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay không ngừng lớn mạnh, là thành phố đến để yêu, thành phố đáng sống và cống hiến, xứng đáng là trái tim, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… hàng đầu cả nước.
Tripzilla - chuyên trang du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á năm 2023 đã bình chọn Thủ đô Hà Nội là đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình. Hà Nội được nhận xét là “một nơi an toàn cho du khách”, tỷ lệ tội phạm, bạo lực với khách du lịch không có và hầu hết người dân địa phương đều tốt bụng, thanh lịch, văn minh.
Thực tế trong nhiều chục năm qua cũng đã chứng minh, các nguyên thủ, chính khách trên thế giới khi đến Hà Nội có thể thoải mái chạy bộ quanh hồ Gươm, ngồi ăn bún chả, thưởng thức cà phê trong khu phố cổ, thông thả tham quan địa điểm văn hóa - lịch sử… đã cho thấy Thủ đô Hà Nội là nơi an toàn nhất thế giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Đó cũng chính là hình ảnh của một Thủ đô yên ổn, tươi vui được bồi đắp, phát triển trên bề dày nghìn năm văn hiến, và trả lời cho câu hỏi vì sao đến nay Hà Nội là Thủ đô duy nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”.
“Có thể nói, Hà Nội là một đại diện tuyệt vời của Thành phố Vì hòa bình và hòa bình nói chung. Kể từ thời điểm được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (1999) đến nay, Hà Nội đã tăng gấp nhiều lần về diện tích cũng như quy mô dân số. Nhưng khi đi bộ trên đường phố, bạn vẫn có thể cảm nhận được những nét đẹp cổ xưa và ở nhiều nơi khác nhau của thành phố, bạn có thể cảm thấy mình là một phần của cộng đồng bởi sự thân thiện, gần gũi của người dân nơi đây” - ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ.
…đến Hà Nội phồn thịnh
70 năm trôi qua nhưng lời kêu gọi và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Thủ đô trong ngày giải phóng vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Cùng chung sức để tạo nên một Hà Nội phồn thịnh là điều Bác Hồ đã nhấn mạnh với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô từ 70 năm trước. Và, Hà Nội đã, đang tăng tốc đưa “con thuyền” phồn thịnh “cập bến” Văn hiến – Văn minh – Hiện đại theo Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XIII đã đặt ra.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đã đóng góp vào các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Mặc dù Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và Việt Nam nói chung. Kinh tế Thủ đô Hà Nội từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội cho thấy, GRDP Thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm; 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,0%. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ của Hà Nội chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá, trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, Hà Nội phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008. Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế). 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,45 triệu lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 3,14 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú).
Nguồn nhân lực sẵn có, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhất trong hàng chục năm qua. Đến nay, Hà Nội đã thu hút được trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Cùng đó, các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô như các dự án: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; đường sắt đô thị trên cao Nhổn – ga Hà Nội (đã khai thác thương mại đoạn trên cao với chiều dài 8,5km từ trung tuần tháng 7)…
Để tạo nên một Hà Nội ngày một phồn thịnh, Thành phố cũng chú trọng phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động… Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử của Hà Nội tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Chiến tranh đã tạo ra những tổn thương nhưng sau 70 năm giải phóng, Hà Nội đang chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là trái tim, trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học có vị trí hàng đầu của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội đã hiện thực hóa lời căn dặn cũng như nhiệm vụ Bác Hồ đặt ra từ 70 năm trước: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh. Kế thừa những thành tựu ấy, phát huy sức mạnh nội lực, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” cùng truyền thống anh hùng, ngàn năm văn hiến, Hà Nội hôm nay đang ra sức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Và hoàn thành nhiệm vụ này cũng đồng nghĩa Hà Nội đã hiện thực hóa lời dặn của Bác Hồ trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân, số 236 từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954: Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần!