Khác với câu chuyện về tục thờ "Thần cẩu" ở xã Quảng Phú, hai con chó đá ở tổ dân phố (TDP) Trung Đông (phường Phú Thượng, TP Huế) lại được người dân tôn kính gọi là “Thiên cẩu”- chó của trời. "Thiên cẩu" ở đây có dáng ngồi nhổm, khoan thai… và cũng có những câu chuyện lưu truyền từ đời này sang đời khác ly kỳ không kém "Thần cẩu".
“Thiên Cẩu” giúp đỡ dân
Tục thờ “Thiên Cẩu” (chó của trời) đã trở thành một nét văn hóa mang đậm tính tâm linh của nhiều vùng miền trên đất Việt từ lâu, trong tín ngưỡng thờ linh vật chó đá thường được dựng thờ ở nhiều công sở, di tích đền chùa để canh gác cửa và mang lại nhiều may mắn. Không chỉ thế, tại TDP Trung Đông (phường Phú Thượng, TP Huế) việc thờ cúng “Thiên Cẩu” còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh và trở thành một “nếp sống” văn minh của con cháu thời hiện đại.
Theo hướng từ trung tâm TP Huế đi về bãi biển Thuận An (TP Huế) sẽ bắt gặp thôn Phổ Trung trước rồi mới đến thôn Phổ Đông (nay sáp nhập thành TDP Trung Đông). Mặc dù hai thôn ở vị trí sát nhau nhưng mỗi thôn đều có những giai thoại và cách thờ khác nhau về linh vật chó đá. Theo đó, tại Phổ Trung (khu vực kiệt 11) và Phổ Đông (khu vực kiệt 16) đều có miếu thờ chó đá ở đầu xóm (ngay đầu kiệt) với cái tên gọi đầy tôn kính là “Ngài”, hai miếu thờ nhỏ có mái che bảo vệ và “Ngài” ngồi ở bên trong với bát hương, lọ hoa cùng đĩa đựng hoa quả.
Tại Phổ Trung là hình tượng chó màu đen có tướng ngồi hơi nhổm cả 4 chân, đuôi vắt vẻo. Trong khi đó, tại Phổ Đông là hình tượng chó đá màu vàng với dáng ngồi khoan thai, tai dựng và mắt nhìn về phía trước, miệng há và lè lưỡi ra.
Theo người dân TDP Trung Đông (phường Phú Thượng, TP Huế) cho biết, hai miếu thờ chó đá nhỏ đã tồn tại từ lâu và cũng không biết được thờ khi nào mà chỉ được nghe qua những câu chuyện ly kỳ kể lại với việc “Thiên Cẩu” được trời ban xuống trần gian. Theo lời người xưa kể lại, thôn Phổ Đông ngày ấy do các điện thờ linh thiêng làng đối diện chiếu qua nên trong thôn không có người đỗ đạt, thành danh. Vì vậy, các bô lão trong thôn thỉnh ngài “Thiên Cẩu” về để trấn giữ thôn và phá thế “chiếu” của thôn bên kia, sau đó thực hư câu chuyện như thế nào không rõ và về sau các thế hệ của thôn đều có người đỗ đạt thành danh nên lập miếu thờ “Ngài”.
Tại Phổ Trung, xưa kia người dân thôn rất nghèo. Trong làng không biết lý do vì sao thường xuyên xảy ra hỏa hoạn cháy nhà, đến một ngày ngôi nhà nhỏ của người đàn ông làm nghề chài lưới bỗng dưng bốc cháy không rõ nguyên do trong lúc gia đình ông chài lưới đang ăn cơm nên đã hô hoán người dân trong thôn đến dập lửa ứng cứu. Tuy nhiên, nước càng đổ vào thì lửa càng cháy lớn và người dân Phổ Trung thấy vậy kinh sợ ngỡ rằng gia đình ông lão chài bị trời phạt liền bỏ chạy. Sau đó bỗng dưng có một con chó trắng lao tới sủa lên ba tiếng khiến ngọn lửa lập tức tắt trước sự ngỡ ngàng và sửng sốt của dân làng.
Thấy vậy, các bô lão trong thôn dự đoán có điềm lạ nên mời thầy về làm lễ khấn tế, trong lúc thầy đang làm lễ cúng bái thì người dân phát hiện mắt thầy trợn ngược với thần sắc tái nhạt và giống như trở thành người khác rồi phán rằng “Các ngài bề trên thấy dân làng Phổ Trung cực khổ và cuộc đời trầm luân trong dòng nước đục nên phái vị “Thiên khuyển” xuống trần gian giúp đỡ chúng sinh”. Trước sự việc như vậy, người dân Phổ Trung đã lấy ngày gia đình lão chài bị cháy nhà là ngày “Thiên cẩu” và lập miếu thờ tự “ngài”.
Thực hư chuyện “Thiên cẩu” linh thiêng
Từ xưa đến nay, người dân Phổ Trung luôn tin tưởng vào sự linh thiêng của miếu ‘Thiên cẩu” và được minh chứng qua những giai thoại ly kỳ của nhiều người từng liên quan đến miếu “Ngài” với những câu chuyện gieo nhân nào gặt quả ấy được lan truyền đến ngày nay. Chuyện kể rằng, trước đây người dân Phổ Trung lập miếu thờ “Thiên Cẩu” đã tạc một bức tượng “ngài” rất to bằng đá cẩm thạch đẹp đẽ với dáng ngồi khoan thai và cao quý đầy uy nghiêm đặt ở vị trí đắc địa của làng, hướng ra đường lớn.
Tuy nhiên, năm 1962 khi anh em Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Diệm thường xuyên đi lại từ khu căn cứ Tân Mỹ (Thuận An) lên TP Huế, khi đi qua khu vực Phổ Trung bất ngờ nhìn thấy bức tượng “Thiên Cẩu” khiến Ngô Đình Diệm mê mẩn. Sau đó, Ngô Đình Cẩn nhìn qua bức tượng chó đá làm bằng cẩm thạch và biết tượng là báu vật quý giá nên sai lính đập phá miếu thờ rồi mang bức tượng “Ngài” đi trong tiếc nuối của người dân, sau khi cướp đi tượng “Ngài” được một thời gian thì Ngô Đình Diệm (anh trai Ngô Đình Cẩn) qua đời nên người dân tin rằng do có liên quan đến việc Ngô Đình Diệm mạo phạm đến “Ngài”.
Ngoài ra, người dân còn lan truyền một câu chuyện khác liên quan đến miếu “Thiên Cẩu”, đó là sau ngày miếu bị đập phá người dân Phổ Trung dù cuộc sống khó khăn nhưng vẫn gom góp nhau được một số tiền lớn xây lại miếu thờ “ngài” và đưa tiền cho một ông thợ kép làm lại tượng ngài “Thiên Cẩu”. Ngày qua ngày, khi ông thợ kép làm xong bức tượng nhưng người dân chê bởi số tiền lớn mà tượng “Thiên Cẩu” chỉ được tạo hình sơ sài, cẩu thả.
Vài ngày sau đó, khi vợ chồng ông thợ xây miếu thờ “Ngài” đi qua miếu thờ “Thiên Cẩu” thì bị một hòn đá từ đâu lăn tới khiến vợ con ông thợ kép bị thương với việc vợ bị cụt tay và con bị gãy chân, nhưng trong đêm ngủ thì ông thợ kép nằm mơ thấy dáng “Ngài” chờn vờn quanh người rồi phán “Ngươi vì lòng tham mà bớt xén tiền của bà con cung kính lên ta, nay ta phạt vợ con ngươi không còn lành lặn”. Ông thợ kép vì quá nể sợ liền hứa với “Ngài” sẽ tạc lại một bức tượng mới khác, bức tượng này còn tồn tại đến tận ngày nay.
(Còn nữa)...