KTS Trần Trọng Chi: Viết bằng cái tâm trong sáng

Đặng Thủy| 16/03/2022 10:10

Căn phòng nhỏ ấm cúng có cửa sổ nhìn ra hồ Bồ Đề là nơi KTS Trần Trọng Chi đang chuẩn bị tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm Ngôi nhà điên - thành quả sau 5 năm miệt mài, dồn tâm sức của mình. Trước khi ra mắt ấn phẩm này, KTS Trần Trọng Chi từng góp mặt trong 2 công trình bề thế là 10 năm kiến trúc Việt Nam 1975 - 1985 và Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam trên cương vị chủ biên.

KTS Trần Trọng Chi: Viết bằng cái tâm trong sáng
KTS Trần Trọng Chi 
Sách in riêng ông có Lược sử Kiến trúc thế giới (2 tập) và Những kiến trúc sư bạn tôi. Một kiến trúc sư từng đảm trách thiết kế, thi công, giảng dạy lại thêm nghiệp viết để có thăng hoa có lẽ cũng là điều khá thú vị.
Từ làng chè Tân Cương đến thủ đô Moskva
KTS Trần Trọng Chi sinh năm 1939 tại thị xã Thái Nguyên, nhưng quê gốc lại ở Mễ Sở, Hưng Yên. Thời chống Pháp cùng gia đình đi tản cư, cậu bé Trần Trọng Chi đã được theo học các trường kháng chiến. Cho đến tận bây giờ khi đã ngoại bát tuần, trong ký ức của ông vẫn in đậm những năm tháng tuổi hoa niên sôi nổi ở vùng đất chè Tân Cương khi được cùng các bạn đêm đêm đến lớp, ban ngày tham gia các phong trào của trường: dạy bình dân học vụ, văn nghệ phục vụ “phát động giảm tô”, lấy củi lấy nứa góp tiền cho trường mua công trái, đắp đường cho xe lên chiến dịch…
KTS Trần Trọng Chi nhớ lại, hồi ấy khi gia đình ông từ thị xã tản cư về làng phải chen chúc ở nhờ một gian trong nhà người bà con. “Một năm sau, cha tôi thuê làm một ngôi nhà tre ba gian hai chái trên quả đồi rộng. Thế là ngày ngày tôi lên đồi xem ông thợ cả cưa đục. Từ một núi tre rõ cao mà chỉ ít ngày sau ông thợ đã gia công xong và xếp đống ngăn nắp. Lúc này ông mới gọi thêm vài người trai tráng khỏe mạnh đến giúp mình dựng nhà. Và kỳ diệu thay, những cây tre ngâm vô hồn qua bàn tay người thợ bỗng vụt đứng dậy trở thành một cái khung nhà tuyệt đẹp khiến tôi hết sức ngỡ ngàng khâm phục và thầm ước sau này mình sẽ trở thành một người như ông. Có lẽ đối với tôi, đây là hình mẫu của một kiến trúc sư thời làm nhà không cần bản vẽ. Cho đến mãi sau này chúng tôi vẫn luôn nhớ ơn ông thợ đó - người đã tạo dựng một nếp nhà đáng yêu để gia đình tôi được sống yên bình suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.” - KTS Trần Trọng Chi bồi hồi kể lại.
Từ cậu bé trường làng thông minh và nhiệt huyết, Trần Trọng Chi mang theo bao hoài bão và quyết tâm khi là một trong số ít học sinh của các trường kháng chiến được chọn đi học ở nước ngoài. Ông chia sẻ: những năm tháng học ở trường Đại học Kiến trúc Moskva (Liên bang Xô viết) đã mở ra cho mình một chân trời mới với biết bao say mê và hi vọng. Những đồ án, những buổi sinh hoạt học thuật, những cuộc tranh luận, thi tài của cộng đồng sinh viên và đặc biệt là những trào lưu kiến trúc mới, những tư tưởng tiên phong trong tìm tòi sáng tạo như một chất xúc tác cho một thanh niên đang ngấp nghé bước vào nghề. Quên sao được những người thầy tên tuổi ở trường, quên sao bà mẹ Nga đã kiên trì uốn nắn từng cách nói sai, từng chữ viết chưa đúng, và truyền cho ông cả tình yêu, niềm say mê văn học Nga… Nhớ cả vị huynh trưởng người Nga Lenonid Vaxilevich Vavakin ông từng gắn bó trong những năm đi làm thêm ở Viện Quy hoạch Quốc gia Nga. Vavakin khiến Trần Trọng Chi “si mê” đến mức thường trốn học để đến làm cùng, cũng là người đã trao truyền cho ông kỹ năng nghề nghiệp và tác phong cần mẫn, chuẩn xác. Ngay cả sau này khi Vavakin đã trở thành kiến trúc sư trưởng đầy quyền uy của Thủ đô Moskva khổng lồ thì tấm chân tình dành cho Trần Trọng Chi vẫn khiến ông vô cùng xúc động.
Ân tình phía sau trang viết
Kể từ bài viết đầu tiên được chọn in vào sách Nga Một ngày của thế giới - lần thứ hai khi vừa tròn 20 tuổi, cho đến nay đã hơn 60 năm, KTS Trần Trọng Chi vẫn chưa hề buông bút. Từ những bài viết đã đi qua năm tháng được lưu lại như những ký ức chưa xa cho đến những trang viết mới hôm nay, tất cả đều cho thấy một Trần Trọng Chi luôn bền bỉ và trăn trở. Nếu 10 năm kiến trúc Việt Nam 1975 - 1985, Nửa thế kỷ kiến trúc Việt NamLược sử Kiến trúc thế giới (2 tập) Trần Trọng Chi giúp bạn đọc có những hình dung cơ bản về lịch sử kiến trúc cả trong và ngoài nước thì Những kiến trúc sư bạn tôi lại là những băn khoăn day dứt với nghề và biết bao ân tình ông dành cho những người đồng nghiệp của mình. Ông viết về nghề với sự am tường, đau đáu trách nhiệm. Những suy ngẫm về khái niệm, sứ mạng của kiến trúc, về sáng tác và phê bình, kiến trúc truyền thống, quy hoạch đô thị, đào tạo kiến trúc sư, những vinh quang và tai vạ của nghề với kỳ vọng về một nền kiến trúc hiện đại không nhạt nhòa bản sắc… Ông viết về đồng nghiệp với cả sự thấu hiểu, sẻ chia và trân trọng. 
Trong Những chân dung bạn tôi, bằng lối văn kể chuyện có duyên, Trần Trọng Chi lần lượt phác họa một cách sống động chân dung các kiến trúc sư: Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Vũ Hưng, Tôn Thất Đại, Lê Hiệp, Nguyễn Khôi Nguyên, Đặng Việt Nga, Đặng Tố Tuấn, Trần Gia Khiêm, Lê Văn Lân, Hoàng Hữu Phê… Mỗi người một vẻ, một số phận, một cuộc đời với bao thăng trầm, chìm nổi, nghị lực, tài hoa. Đó là một thế hệ kiến trúc sư đã trưởng thành trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn. Họ đã đem đến cho kiến trúc Việt Nam những “làn gió mới” bằng khát vọng cống hiến, bằng sự tận tụy say mê. Phía sau mỗi bức chân dung, người đọc còn có thể hình dung thực trạng của giai đoạn phát triển kiến trúc của nước ta và cả những nỗi niềm của người viết “lúc sang sảng, lúc đĩnh đạc, lúc sắc sảo, lúc thẳng băng; có châm biếm, có gay gắt đến quyết liệt, lại nhiều khi sâu lắng và đượm tình”.
“Trần Trọng Chi đọc nhiều, trải lắm, suy ngẫm sâu xa và chịu đựng thường xuyên những day dứt của một con người có tâm với nghề. Với những bài viết không dài và khá dễ đọc, đã góp phần làm rõ hơn, đa diện hơn những cục diện của kiến trúc và xây dựng đô thị - nhất là của hôm nay, soi rọi và phát hiện nhiều vấn đề, nhận ra và cảnh báo những nguy cơ…” - GS. KTS Hoàng Đạo Kính hẳn có lý do để viết về người đồng nghiệp, đồng môn của mình ở trường Đại học Kiến trúc Moskva như thế. 
Sau Những kiến trúc sư bạn tôi (NXB Mỹ thuật, 2015), Trần Trọng Chi lại bắt đầu hành trình viết với ấn phẩm Ngôi nhà điên như mục tiêu mà ông đã định: “cứ mỗi 5 năm lại trình làng một ấn phẩm”. Ở ấn phẩm vừa ra mắt bạn đọc này, Trần Trọng Chi đưa công chúng khám phá và trải nghiệm “xứ sở diệu kỳ” trong biệt thự Hằng Nga (công trình được du khách phương Tây gán cho cái tên ngộ nghĩnh là Crazy house - Ngôi nhà điên) của KTS Đặng Việt Nga - nữ kiến trúc sư duy nhất được ông phác họa trong Những kiến trúc sư bạn tôi. Hẳn ông có nhiều lý do để “Ngôi nhà điên” từ đời thực đi vào trang sách. Ấy là sự trân trọng và cảm mến tài năng, nhân cách của KTS Đặng Việt Nga - một trong 100 “hạt giống đỏ” được Bác Hồ gửi ra nước ngoài đào tạo từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Ấy là mong ước công chúng có thể hiểu hơn về tác phẩm của người nghệ sĩ đích thực đã dành hơn 30 năm đời mình để tạo nên khu vườn “vươn tới đỉnh cao nghệ thuật”, ẩn chứa một nội hàm nhân văn rất thời sự. 
KTS Trần Trọng Chi: Viết bằng cái tâm trong sáng
Hai trong số các ấn phẩm in riêng của KTS Trần Trọng Chi.
“Từ hàng thập kỷ nay, khu vườn và ngôi nhà điên này đã trở thành một phần không thể tách rời của cảnh quan Đà Lạt, một công trình có vị trí xứng đáng trong xu thế tìm về bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật đa ngành (kiến trúc, điêu khắc, hội họa…) mà KTS Đặng Việt Nga đã thể hiện. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi làm ấn phẩm Ngôi nhà điên (Crazy house) với mong ước có thể chuyển tải được phần nào những thông điệp mà tác giả ngôi nhà muốn gửi gắm” - KTS Trần Trọng Chi chia sẻ.
Hơn 350 trang sách của Ngôi nhà điên được thể hiện bằng 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Nga) cùng với tư liệu ảnh phong phú đã đưa bạn đọc đến với cái dịu dàng của Đà Lạt, những hốc cây rừng nguyên sinh; những căn phòng mang tên kiến ong, gấu hổ, chuột túi, đại bàng nằm gọn trong gốc cây cổ thụ; những con đường vắt vẻo lượn quanh, vườn thượng uyển, thủy cung lộng lẫy sắc màu… Như một hướng dẫn viên du lịch thông tuệ, kiên nhẫn và dí dỏm, KTS Trần Trọng Chi dẫn dắt và lý giải cho công chúng từng cấu kiện, chi tiết của công trình cùng những thông điệp trong ngôn ngữ nghệ thuật mà nữ chủ nhân của ngôi nhà muốn chuyển tải.
Lật giở những trang viết của KTS Trần Trọng Chi tôi lại chợt nhớ tới lời của GS. KTS Hoàng Đạo Kính: “Lâu nay tôi vẫn trăn trở một điều: vì sao giới kiến trúc sư ta ít nói, thậm chí né tránh nói về thành công của các đồng nghiệp và về sự nghiệp của họ? Vì sao chúng ta chỉ hào hiệp buông những lời ca ngợi khi con người đã nằm xuống… Trần Trọng Chi đã can trường và nỗ lực nhận về mình việc bù đắp cái phần thiếu khuyết ấy trong nền kiến trúc bằng chữ viết… Ở anh, ta nhận ra đâu đó nơi sâu thẳm ẩn chứa một tấm lòng thiết tha với bạn bè và một ý thức trách nhiệm đặc biệt với nghề nghiệp”. 
Hỏi ông sau ấn phẩm Ngôi nhà điên, ông lại tiếp tục “bù đắp khuyết thiếu” ấy chứ, KTS Trần Trọng Chi mỉm cười đôn hậu: “Nếu còn sức thì tôi sẽ còn viết. Viết bằng cái tâm trong sáng của mình!”.
(0) Bình luận
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • "Bài văn về trứng vịt lộn" đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh 2024
    Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
KTS Trần Trọng Chi: Viết bằng cái tâm trong sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO