Khúc trữ tình sâu đậm về vùng đất nhãn
Trước đây, tôi đã đọc nhiều thi phẩm của nhà thơ Ngọc Lê Ninh và luôn ấn tượng, thích thú với phong cách thơ của anh. Thơ anh đậm chất thế sự, trăn trở trước những biến động của cuộc sống hôm nay. Thế nhưng, điều khiến tôi yêu thơ Ngọc Lê Ninh hơn cả chính là tình yêu đắm say của anh với con người, cuộc đời và thiên nhiên, được thể hiện mãnh liệt trong những vần thơ sâu lắng. Điều ấy càng được khắc họa rõ nét qua "Tình đất phù sa", một sáng tác mới đầy cảm xúc của anh.
TÌNH ĐẤT PHÙ SA
Về đây đất nhãn cùng nhau
Quê ta thơm ngát hoa cau, hồng, trà
Qua cầu Yên Lệnh, Hưng Hà
Nghe như tiếng lúa trổ ra đòng đòng
Say sưa làm mật bầy ong
Tiếng chân thăm lúa ven sông U - Thầy
Tiếng gà Đông Tảo đâu đây
Mặt trời thức dậy hây hây má đào
Kìa bao phố mới vươn cao!
Dòng sông con nước nao nao nỗi niềm
Chùa Chuông, đền Mẫu uy nghiêm
Ngàn năm văn hiến bao niềm khắc sâu
Mắt hồ Bán Nguyệt xanh màu
Lung linh in bóng tình đầu hai ta
Chuông chùa điểm vọng ngân xa
Lắng trong đáy mắt đôi ta tình nồng
Tình em thơm nức má hồng
Lùa tay rối tóc anh bồng hát ca
Như màu yêu đất quê ta
Tống Trân - Công chúa - Cúc Hoa nặng tình
Tự hào Phố Hiến văn minh
Xích Đằng - Văn Miếu thắm tình non sông
Quê giàu tình nghĩa mênh mông
Ơn người xây đắp non sông trùng trùng
Chuyện tình công chúa Tiên Dung
Chử Đồng Tử mãi thủy chung trọn đời
Trái tim rực lửa mặt trời
Giục lòng ta bước tiếp đời Cha Ông
Sông Hồng, Luộc, Đuống, Nội Đồng
Lặng thầm ghi nhớ chiến công lẫy lừng
Đi xa nhớ mứt nhãn lồng
Chả gà, tương, rượu, cua đồng bún riêu
Hưng Yên miền đất thương yêu
Tình ta trầm tích đọng nhiều phù sa.
(Thơ: Ngọc Lê Ninh)
Lời bình của nhà thơ Đặng Thiên Sơn:
"Tình đất phù sa" là một thi phẩm lục bát dài 34 câu của thi sĩ Ngọc Lê Ninh. Thể thơ truyền thống này tuy quen thuộc nhưng lại "dễ viết mà khó hay". Thế nhưng, bằng sự chắt lọc ngôn từ tinh tế, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc một khúc trữ tình sâu lắng, bày tỏ tình yêu tha thiết với quê hương Hưng Yên yêu dấu.
Ngay từ tiêu đề "Tình đất phù sa", tác giả đã khéo léo gợi sự chú ý. Không gọi thẳng một địa danh cụ thể, ông chọn hình ảnh "phù sa" – biểu tượng của sự phì nhiêu, trù phú, ẩn chứa hy vọng. Hơn thế, phù sa còn tượng trưng cho tình cảm sâu nặng, bồi đắp qua thời gian, gắn liền với văn hóa và lịch sử của quê hương.
Tiếp theo, những câu thơ: “Về đây đất nhãn cùng nhau/ Quê ta thơm ngát hoa cau, hồng, trà/ Qua cầu Yên Lệnh, Hưng Hà/ Nghe như tiếng lúa trổ ra đòng đòng…” đã dẫn dắt người đọc qua những địa danh tiêu biểu của Hưng Yên như cầu Yên Lệnh, cầu Hưng Hà, chùa Chuông, đền Mẫu, Hồ Bán Nguyệt... Mỗi địa điểm không chỉ khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên trù phú với "lúa trổ đòng đòng", "hoa Cau, Hồng, Trà", mà còn gợi lên dấu ấn văn hóa "ngàn năm văn hiến".
Tác giả không chỉ say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên mà còn dẫn dắt người đọc bước vào không gian huyền thoại, lịch sử hào hùng của Hưng Yên qua những câu thơ:: “Tự hào Phố Hiến văn minh/ Xích Đằng - Văn Miếu thắm tình non sông/ Quê giàu tình nghĩa mênh mông/ Ơn người xây đắp non sông trùng trùng/ Chuyện tình công chúa Tiên Dung/ Chử Đồng Tử mãi thủy chung trọn đời…”. Những địa danh nổi tiếng như Phố Hiến, Xích Đằng, Văn Miếu, sông Hồng, sông Luộc, sông Đuống… lần lượt xuất hiện, gợi nhớ những chiến công vang dội của cha ông. Tác giả muốn gửi gắm đến thế hệ mai sau niềm tự hào dân tộc, khuyến khích họ trân trọng, gìn giữ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Không chỉ trải lòng với thiên nhiên, lịch sử, nhà thơ Ngọc Lê Ninh còn đắm say trong hương vị quê hương qua câu thơ: “Đi xa nhớ mứt Nhãn lồng/ Chả gà, tương, rượu, cua đồng bún riêu”. Những đặc sản Hưng Yên như nhãn lồng, chả gà, tương Bần, rượu, cua đồng, bún riêu... đi vào thơ một cách tự nhiên, đầy hình ảnh, khiến người đọc như được trực tiếp thưởng thức hương vị thân quen ấy.
Như đã nói, lục bát là thể thơ "dễ viết mà khó hay," nếu không khéo sẽ dễ rơi vào vần vè, sáo mòn. Nhưng với "Tình đất phù sa", Ngọc Lê Ninh đã không làm người đọc thất vọng.
Bên cạnh tình yêu quê hương rộng lớn, nhà thơ còn khắc họa tình yêu đôi lứa đầy lãng mạn: “Mắt Hồ Bán Nguyệt xanh màu/ Lung linh in bóng tình đầu hai ta/ Chuông chùa điểm vọng ngân xa/ Lắng trong đáy mắt đôi ta tình nồng/ Tình em thơm nức má hồng/ Lùa tay rối tóc anh bồng hát ca”. Tình yêu đôi lứa hòa quyện trong không gian quê hương, tạo nên một tổng thể hài hòa, sâu lắng. Chính sự kết hợp ấy làm "Tình đất phù sa" không chỉ giàu chất trữ tình mà còn thấm đượm tình yêu đất nước một cách tự nhiên, tinh tế.
Trong "Tình đất phù sa", tác giả sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc, trước hết là nhân hóa: nào “tiếng lúa trổ ra đòng đòng”, nào "dòng sông nao nao nỗi niềm" khiến thiên nhiên trở nên có hồn, phản chiếu tâm trạng con người, đồng thời thổi vào cảnh vật sức sống mãnh liệt. Bên cạnh đó, hình ảnh ẩn dụ "Tình ta trầm tích đọng nhiều phù sa" gợi lên một tình yêu bền vững, sâu lắng như lớp phù sa tích tụ qua năm tháng, vừa dịu dàng, vừa nuôi dưỡng sự sống. Thêm nữa việc liệt kê địa danh, món ăn, nhân vật lịch sử tạo nhịp điệu sống động, khắc họa một quê hương giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, những từ ngữ địa phương và tên gọi đặc trưng của Hưng Yên đã tạo nên một không gian văn hóa đậm chất bản địa, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về vùng đất này.
Có thể nói với ngôn ngữ mộc mạc, đậm chất dân gian, hình ảnh thơ tươi sáng, sinh động, "Tình đất phù sa" đã khắc họa một bức tranh quê hương Hưng Yên vừa giàu đẹp, vừa thấm đượm chiều sâu lịch sử và văn hóa. Qua từng câu chữ, tác giả không chỉ gửi gắm tình yêu với vùng đất phố Hiến mà còn thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống được bồi đắp qua bao thế hệ, đồng thời gợi lên trong lòng người đọc sự rung cảm và đồng điệu. Tác phẩm như một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa: hãy yêu, gìn giữ và tiếp nối những giá trị quý báu mà cha ông để lại. Đó chính là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai – như lớp phù sa bồi đắp mãi không phai./.