Người đội viên công an xung phong trẻ tuổi Võ Thị Sáu yêu ca hát và rất yêu hoa. Sau khi ném lựu đạn phá cuộc mít tinh của giặc, chị bị bắt và bị tuyên án tử hình khi mới 19 tuổi. Chúng xử bắn chị vào mùa xuân khi hoa lê-ki-ma đang nở rộ, trước khi hy sinh chị vẫn hiên ngang hát “Tiến quân ca”, “Quốc tế ca” ngay giữa pháp trường.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã chọn lọc hình tượng hoa lê-ki-ma và tiếng hát của Võ Thị Sáu để ngợi ca với âm nhạc mềm mại, trữ tình lắng đọng trong ca khúc “Biết ơn Võ Thị Sáu”: “Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội”, “Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở”...
Viết về sự hy sinh nhưng ca khúc không gây cảm xúc buồn thảm, ngược lại khiến người nghe tự hào, khâm phục, lạc quan, tin tưởng vào cách mạng và tương lai: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng cả cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước/ Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lùi!”. Bài hát ra đời từ hơn 60 năm trước, gây xúc động mãnh liệt với nhiều thế hệ và sẽ sống mãi cùng năm tháng.
Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2016) quê làng Mọc, Cầu Giấy, Hà Nội. Sinh thời, ông từng bộc bạch: Sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã đem lại cuộc sống hòa bình hôm nay, sáng tác về họ là sự tri ân, truyền lửa vì nghĩa lớn cho các thế hệ sau. Và ông viết nhiều về đề tài này với các ca khúc như: “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”...
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000, Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.