Tác giả - tác phẩm

Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian

Hà Vinh Tâm 20/11/2024 13:01

Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.

img_7092.jpg

Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!

Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!

Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa./.

(Mẹ -Đỗ Trung Lai)

Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc. Từng câu thơ chảy trôi, vừa dịu dàng, vừa như một lời tâm sự chân thành của người con trước sự “tàn phai” của mẹ!
Tứ thơ của Đỗ Trung Lai được xây dựng như một dòng chảy cảm xúc, từ nỗi nhớ thương về người mẹ sang sự trăn trở, bất lực trước quy luật khắc nghiệt của thời gian. Xoay quanh bài thơ là sự đối lập giữa hình ảnh người mẹ già nua, hao mòn theo thời gian và sự xanh tươi, bền bỉ của cây cau.

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh giản dị mà sâu lắng: “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng”. Đây không chỉ là lời kể đơn thuần mà còn chứa đựng cảm giác ngậm ngùi, xót xa của người con khi nhận ra sự thay đổi của mẹ. Chọn cây cau - hình ảnh mang đậm chất dân gian gắn với tục lệ ăn trầu của người Việt để nói về mẹ là một sự lựa chọn đầy tinh tế và khéo léo của nhà thơ. Bằng cách đối sánh này, Đỗ Trung Lai không chỉ tôn vinh mẹ như một biểu tượng của sự sống, mà còn cho thấy mẹ chính là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống, của cội nguồn tâm thức, là bóng mát che chở tâm hồn người con.

Một trong những điểm nhấn nghệ thuật nổi bật của bài thơ là sự tương phản. Hình ảnh tương phản giữa cau và mẹ còn là sự đối lập giữa cái vô hạn và cái hữu hạn, giữa sự phát triển mạnh mẽ của thiên nhiên và sự tàn phai của con người. Câu thơ “Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất!” vang lên như một tiếng thở dài nặng trĩu, ẩn chứa sự đau đớn và chua xót của người con trước thực tại phũ phàng. Ở đây, Đỗ Trung Lai đã rất khéo léo khi lựa chọn các chi tiết về hình dáng và màu sắc để đối sánh, làm bật lên sự tương phản giữa sức sống mãnh liệt của cau và sự lụi tàn của mẹ. Cây cau “ngọn xanh rờn” gợi lên sự mạnh mẽ, dẻo dai của tự nhiên, còn mẹ thì “đầu bạc trắng”, dần già đi và yếu đi theo năm tháng. Sự tương phản ấy tạo nên một bức tranh đối lập đầy ám ảnh về sự mong manh của kiếp người, bật lên sự tàn nhẫn của thời gian, gợi lên nỗi đau thầm lặng khi người con nhận ra mẹ đang già đi và dần xa rời thế gian.

Từ hình ảnh đối lập ấy, tứ thơ tiếp tục chuyển sang những kỷ niệm về sự thay đổi của mẹ theo thời gian: “Ngày con còn bé/ Cau mẹ bổ tư/ Giờ cau bổ tám/ Mẹ còn ngại to!”. Hình ảnh “cau mẹ bổ tư” khi con còn nhỏ, rồi “cau bổ tám” khi mẹ đã già vừa gợi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của người con, vừa nhấn mạnh sự thay đổi không thể tránh khỏi của mẹ với sự tàn phai của tuổi tác khiến người con càng thêm day dứt, thương mẹ. Cách sử dụng hình ảnh cau như một thước đo thời gian và sức khỏe của mẹ là một nét độc đáo trong tứ thơ của Đỗ Trung Lai. Ở đây, tác giả đã khéo léo lồng ghép những chi tiết quen thuộc trong đời sống vào sự suy ngẫm về thời gian, về sự thay đổi của mẹ. Điều này giúp bài thơ trở nên gần gũi, thân thuộc, nhưng lại chứa đựng những cảm xúc lắng đọng, sâu sắc.

Khi đối diện với sự tàn phai của mẹ, tứ thơ tiếp tục dâng lên thành một nỗi niềm đau đớn, bất lực của người con trước quy luật thời gian: “Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ/ Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ”. Phép so sánh “Khô gầy như mẹ” thật giản dị nhưng chứa đựng bao nỗi đau, xót xa, bao cảm xúc chất chứa. Hình ảnh ẩn dụ “miếng cau khô” đậm chất hiện thực, trở thành điểm nhấn gợi lên dáng người mẹ hao gầy, nhỏ bé, nếm trải bao sương gió cuộc đời nhưng vẫn đầy sự kiên nhẫn, yêu thương. Khi người con nâng miếng cau trên tay, nỗi xót xa trào dâng, những giọt nước mắt không thể kìm nén mà rơi xuống, như dòng cảm xúc tuôn trào không kìm lại được. Ẩn sau hình ảnh ấy là sự thương cảm sâu sắc dành cho mẹ, là nỗi tiếc nuối của người con khi nhận ra rằng thời gian đã vô tình cướp đi sức khỏe và tuổi trẻ của mẹ.

Câu hỏi “Sao mẹ ta già?” vang lên như một lời tự vấn, như một tiếng nấc, một tiếng thở dài gửi vào không trung đầy khắc khoải. Nhịp thơ của bài thơ như nhịp lòng đầy cảm xúc của người con, lúc nhẹ nhàng, lúc nghẹn ngào, đầy nỗi niềm thương cảm. Hình ảnh “mây bay về xa” kết lại bài thơ như một nốt trầm, gợi lên sự xa xôi, cách biệt không thể tránh khỏi giữa mẹ và con khi vòng quay của đời người dần khép lại; đồng thời cũng gợi lên nỗi buồn, sự cô đơn của người con khi phải đối diện với sự ra đi không tránh khỏi của mẹ.
Có thể nói, bằng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh gần gũi nhưng chứa đựng chiều sâu cảm xúc và triết lý, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã thành công khi viết về tình mẫu tử thiêng liêng. Bài thơ không chỉ gợi lên những cảm xúc đầy xót xa, trăn trở nhưng cũng đầy sâu lắng, thiêng liêng về mẹ mà còn hướng tới cách ứng xử đẹp, đầy nâng niu, xúc động đối với mẹ. Những vần thơ như những tia nắng ấm áp chiếu rọi vào độc giả với lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: hãy trân trọng mẹ, hãy biết ơn những hi sinh thầm lặng mà mẹ dành cho ta, bởi mẹ chính là miền ký ức tuổi thơ, là bầu trời yêu thương, là cội nguồn tinh thần của mỗi người!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks sắp có thêm 2 tác phẩm mới
    Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) vừa ký kết hợp đồng xuất bản sách với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng về việc xuất bản 2 tác phẩm “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2025. Ngoài ấn bản tiếng Việt, sách cũng sẽ được dịch sang tiếng Trung nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
  • Ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp
    “Những câu chuyện cổ phố Broca” – tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp do Pierre Gripari sáng tác vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyên Kan, do Crabit Kidbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Cuốn sách không chỉ mang đến những câu chuyện cổ tích phá cách, hài hước, mà còn mở ra một thế giới giàu trí tưởng tượng, nơi mọi điều kỳ diệu có thể xảy ra.
  • "Bóng đêm và mặt trời" trở lại với bạn đọc trong một diện mạo mới
    Tiểu thuyết "Bóng đêm và mặt trời" của Dương Hướng từng quen thuộc với độc giả nhiều năm trước, nay trở lại với diện mạo mới do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành vào tháng 3 năm 2025. Với câu chuyện đầy ám ảnh về số phận con người trong những biến động lịch sử, tác phẩm mở ra bức tranh hiện thực sâu sắc về làng quê Việt Nam.
  • Cuốn sách giải đáp những thông tin cơ bản về chuyển đổi số
    NXB Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số - Hỏi và đáp”. Cuốn sách nhằm hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết yếu về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
  • Văn nghệ sĩ TP Huế sáng tác ra 77 tác phẩm văn học nghệ thuật “Huế luôn luôn mới”
    Các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Huế cho ra đời 77 tác phẩm Văn học nghệ thuật “Huế luôn luôn mới” và trao tặng cho UBND thị xã Phong Điền (TP Huế).
  • Ra mắt sách “Huế - Mùa xuân lịch sử 1975”
    Cuốn sách “Huế - mùa xuân lịch sử 1975” là tập hợp những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu và học giả trên cả nước về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO