Graffiti du nhập Việt Nam cách đây khoảng 2 thập niên. Nghệ thuật vẽ đường phố này nhanh chóng được giới trẻ yêu thích bởi sự tự do, phóng khoáng, thậm chí thử thách sự liều lĩnh của người vẽ. Có những giai đoạn, người Hà Nội cảm thấy như “bị khủng bố” thị giác bởi các bức vẽ graffiti có mặt ở khắp nơi, nhiều bức thực sự là “thảm họa” về chất lượng, bôi bẩn không gian. Nhưng cùng với thời gian, nhận thức, trình độ của người vẽ cũng dần thay đổi. Nhiều người vẽ graffiti đã có không gian sáng tạo riêng nhờ thuyết phục được người xem. Họ được mời vẽ trang trí cho nhà hàng, quán cà phê hay những không gian phục vụ khách du lịch... Tuy nhiên, vấn đề không gian sáng tạo cho những người trẻ muốn thử nghiệm với nghệ thuật này vẫn còn rất thiếu. Điều này, cùng với lý do về quan điểm sáng tác, khiến cho một số người vẫn tìm cách “vẽ bậy” ở những nơi không được phép.
Trước hiện tượng này, một số nghệ sĩ đã theo đuổi graffiti lâu năm chia sẻ rằng, họ rất muốn có những không gian dành riêng cho việc thử nghiệm nghệ thuật, để những người yêu thích bộ môn này có thể thoải mái sáng tạo. Nhiều nước trên thế giới cũng có những khu dành riêng cho người thích vẽ graffiti và có những quy ước riêng trong sáng tác. Chẳng hạn, mỗi bức vẽ ở không gian này sẽ có thời gian tồn tại nhất định, hoặc người vẽ sau có thể xóa bức vẽ của người trước song phải xin phép...
Nghệ thuật phải được đặt đúng chỗ. Bài học “đẹp mà không đẹp” mà chúng ta được học từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường chắc chắn vẫn còn nguyên giá trị trong trường hợp này. Và những người làm nghệ thuật sẽ luôn có được không gian sáng tạo nếu họ thuyết phục được công chúng bằng tài năng và sự cầu thị, nghiêm túc của mình.