Khát vọng về một Thủ đô Văn hiến
Mùa xuân này, những người sinh ra trong năm đầu tiên khi Thủ đô giải phóng 1954 cũng đã tròn 70 tuổi. Chúng ta tự hào vì đã làm được rất nhiều điều trong suốt những năm qua, từ kháng chiến thắng lợi bước vào cuộc sống kiến quốc hòa bình; tự hào vì vị thế của Hà Nội không ngừng tăng lên, vì đời sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần đều được cải thiện không ngừng. Tuy nhiên, điều mỗi người dân đau đáu trông chờ nhất, vẫn là tầm vóc về văn hóa của Thủ đô phải đạt được những hiệu quả thiết thực, phải vươn tới một thứ hạng xứng đáng trong mối tương quan với các Thủ đô bạn bè ở khu vực và trên thế giới.
Xếp về tuổi đời, Hà Nội của chúng ta với trên một nghìn năm tuổi, có thâm niên cao nhất trong số 11 Thủ đô các quốc gia Đông Nam Á. Xếp về diện tích, sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Thủ đô chúng ta được tính vào diện mạo của 17 Thủ đô lớn nhất trên thế giới. Hà Nội đang có trên 50 trường đại học, có số trí thức cao cấp đầu ngành, có các chuyên gia khoa học giỏi và các văn nghệ sĩ ưu tú... đứng đầu cả nước.
Trên cả hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài hợp nhất, có 1.350 làng nghề, với mức phát triển cao các ngành nghề tinh hoa truyền thống, lại được lưu truyền từ nhiều đời, với những “đôi tay vàng” khéo léo, giàu kinh nghiệm của các bậc thợ giỏi, lại có điều kiện nắm bắt và tiếp thu nhanh chóng trào lưu kỹ thuật cải tiến, nắm được bí quyết “hiện đại hóa” quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công do tiếp cận nhanh chóng thông tin quốc tế, giữ gìn và phát triển được nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Thủ đô là nơi đứng đầu cả nước về các đầu mối giao thương quốc tế, có trụ sở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức hợp tác văn hóa với nước ngoài, các tổ chức giao lưu quốc tế phi chính phủ... rất thuận lợi cho việc giao lưu, tiếp xúc và tạo điều kiện tối ưu cho việc nắm bắt thông tin và xu thế hội nhập. Những thuận lợi và ưu thế vượt trội này chính là tiền đề để văn hóa Thủ đô “cất cánh”. Chúng ta rất vui mừng vì gần đây, Nhà nước đã tỏ rõ quyết tâm đầu tư bài bản và có hệ thống vào lĩnh vực văn hóa. Các hội nghị, hội thảo có quy mô toàn quốc về văn hóa đã được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đóng góp nhiều ý kiến, sẵn sàng tham mưu và hiến kế cho Nhà nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa phác thảo ra một chương trình có quy mô chiến lược về phát triển văn hóa và nâng cao các thiết chế văn hóa có tầm nhìn xa, với mức đầu tư lớn trong nhiều năm. Thành phố Hà Nội cũng đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Thủ đô Hà Nội đã được gia nhập vào mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của thế giới, đang tích cực mở rộng quy mô và vị thế tham gia vào nhiều lĩnh vực nổi trội của một Thành phố sáng tạo, trong đó có các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, nâng tầm các tour du lịch văn hóa, quảng bá các làng nghề truyền thống của Thủ đô, tham gia các triển lãm nghệ thuật và hội chợ sách quốc tế...
Bản thân những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật của Thủ đô càng phải có ý thức tự nâng cao mình, tự rèn luyện và tự tái đào tạo để thích ứng kịp thời với trào lưu phát triển và hội nhập mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế. Chúng ta hoan nghênh sáng kiến mới đây của Thành phố đã tổ chức một loạt các hoạt động có ý nghĩa, “đánh thức” hoạt động sáng tạo và tái tạo công năng văn hóa của Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, và mong muốn các sáng kiến đột phá như thế được tiếp tục phát huy.
Thủ đô cần có các biện pháp nâng cao hơn vị thế và mức phổ cập của các phố sách, các đường sách, từ đó khôi phục lại và nâng cao hơn ý nghĩa cũng như giá trị của “văn hóa đọc” trong công chúng, nhất là trong thanh thiếu niên. Thủ đô cần tính đến một cách bài bản, có sự đầu tư xứng đáng vào việc dịch thuật có chọn lọc và quảng bá có hệ thống toàn bộ nền văn học, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nâng tầm của văn học - nghệ thuật dân tộc ra thế giới.
Đồng thời, thành phố cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng trẻ, tạo mọi điều kiện cho lớp văn nghệ sĩ và nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, để họ trao đổi sâu rộng và truyền thụ vững chắc kiến thức, tay nghề của mình đến thế hệ sau một cách hữu ích; nâng cao hơn vị thế của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội để Hội xứng đáng làm một cầu nối liên thông giữa Nhà nước với tầng lớp tinh hoa của giới văn học - nghệ thuật Thủ đô, từ đó thu hút nó thực hiện mạnh mẽ các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa và nâng cao năng lực, uy tín xứng đáng đối với một Thành phố sáng tạo, đang phấn đấu để đạt tới mức độ cân bằng với thế giới về tầm vóc phát triển văn hóa./.