Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh
Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh được xem là hạng mục nằm trong dự án đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh. Việc phát triển sâm Ngọc Linh dựa trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, giúp xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng to lớn về phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái xây dựng sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Quốc gia.
Được biết, vào tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực dược liệu. Với việc hình thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh sẽ phục vụ hiệu quả cho hoạt động bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh; tạo tiền phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh Kon Tum về lâu dài.
Tỉnh Kon Tum là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển cây Sâm Ngọc Linh, loài cây đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, được thiên nhiên ban tặng. Nhiều năm trở lại đây, chính quyền, nhân dân tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn, nhân giống và phát triển loại cây dược liệu quý giá này. Từ năm 2011, Tỉnh ủy Kon Tum cũng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 tại Hội nghị lần thứ 4 về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, trong đó sâm Ngọc Linh là một trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã đề ra nhiều chiến lược nhằm giới thiệu, quảng bá việc bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh với mục tiêu phát triển, mở rộng quy mô công nghiệp đến năm 2025.