Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Lực Canh năm 2025
Ngày 5/4, UBND xã Xuân Canh và nhân dân thôn Lực Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức Lễ hội truyền thống Làng Lực Canh năm 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Chi bộ thôn Lực Canh Nguyễn Quốc Đại cho biết, qua những tư liệu lịch sử và ký ức của những bậc cao niên trong làng đã giúp chúng ta hồi nhớ và tri ân với Tổ tiên ta từ hàng ngàn năm trước khi đến đây với con mắt tinh tường đã thấy đất thuận để lập ấp, xây làng, an cư lập nghiệp tạo dựng những nơi thờ tự, tưởng nhớ đến công ơn các đấng thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, trừ tai diệt họa cho nước yên dân thịnh, bách tính bình khang, bách gia hạnh phúc.
Theo cuốn thần tích, thần sắc làng Lực Canh hiện đang lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam do Hội đồng Kỳ hào hương lý làng Lực Canh lập vào tháng 3/1938 thì Làng Lực Canh là một thôn nhỏ nằm bên sông Cái (tức sông Hồng) với tên gọi là thôn Quán, sau đổi thành làng Dâu cũng là tên nôm của làng, làng Lực Canh trước đây gọi là xã gồm hai thôn Quán và Văn Thượng, sau cách mạng tháng 8 đến nay Lực Canh là một thôn của xã Xuân Canh.



Làng Lực Canh thờ thần hoàng làng là một vị Thủy thần, có tên húy là Cổ Quốc. Ngài đã hiển ứng phù giúp các triều vua nước Việt dẹp giặc giữ yên thái bình cho đất nước.
Đời Hùng Vương thứ 18, Ngài hiển linh giúp đức “Sơn Thánh” đánh giặc ở núi Sóc Sơn, đời Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành cũng được Ngài hiển linh giúp nước, đã xuống chiếu sắc phong thần cho Ngài là Thủy Thần, bậc Trung đẳng thần húy là Cổ Quốc. Công lao của Ngài được các triều vua phong sắc ca ngợi công lao của Thần với tất cả 36 đạo sắc.
Trải qua thời gian, biến cố của lịch sử, ngôi đình cổ không còn, nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm thức của người dân Lực Canh. Bên cạnh đó, cây đa cổ thụ và cổng tam quan của ngôi chùa là bằng chứng xác thực nhất chứng minh nguồn cội của ngôi đình.
Với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" nhân dân thôn Lực Canh đã xây dựng lại ngôi Đình trên nền đất cũ, nơi hội tụ tâm linh của đất trời, nơi hội tụ của trí tuệ, tài năng, của tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Nhằm tưởng nhớ và biết ơn các đấng Thần linh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ đã có công đánh giặc, giúp dân cứu nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời cũng là để nhắc nhở, giáo dục mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nhớ về cuội nguồn với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Xuân Canh Nguyễn Kim Nhật cho biết, Lễ hội là ngày hội ngộ của các thế hệ người làng Lực Canh trên khắp mọi miền của Tổ quốc, dù có đi đâu về đâu, song vẫn nhớ về cội nguồn, nhớ về ngày Lễ hội làng truyền thống mùng 8/3 hàng năm. Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tới Thành Hoàng làng đã có công xây dựng nên làng quê Dâu Canh - Lực Canh ngày nay, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho Quốc thái dân an, cho nhân dân được ấm no, nhà nhà hạnh phúc, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng thêm văn minh, giàu đẹp.

Chủ tịch UBND xã Xuân Canh mong muốn toàn thể cán bộ và nhân dân thôn Lực Canh, cùng nhân dân trong toàn xã hãy đoàn kết nhất trí một lòng, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của ông cha ta. Ra sức thi đua xây dựng quê hương, giữ gìn những nét đẹp văn hóa vốn có của quê ta. Đó chính là những việc làm thiết thực để đáp nghĩa với tổ tiên và cũng là kiến tạo cho muôn đời con cháu mai sau.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Xuân Canh đã có công văn đề nghị các cấp về kiểm tra để xếp hạng di tích đối với Đình và chùa Lực Canh; đồng thời đề xuất với cấp trên cho tu bổ, tôn tạo lại 2 di tích trên. Khi có đầy đủ văn bản pháp lý, trong thời gian sớm nhất, đình và chùa Lực Canh sẽ được hạ giải để tu bổ, tôn tạo.
"Để giữ gìn và phát huy giá trị của di tích, mỗi người dân thôn Lực Canh nói riêng, Xuân Canh nói chung cần phải phát huy tinh thần trách nhiệm bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa như: Trực tiếp bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng của di tích, Bảo vệ, gìn giữ và kế thừa có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, những lễ tục quý báu của cha ông để lại, nhất là những nghi thức tế, lễ của lễ hội, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương khi về với lễ hội, phát huy giá trị, nâng cao vị thế của di tích lịch sử trong thời kỳ mới." Chủ tịch UBND xã Xuân Canh nhấn mạnh.

Nhân dịp này, UBND xã Xuân Canh đã tặng giấy vinh danh Tấm lòng vàng cho các gia đình đã có tấm lòng hảo tâm công đức vào Đình làng Lực Canh năm 2025.
Trước đó, Lễ hội truyền thống làng Lực Canh năm 2025 đã diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ rước kiệu Thần Hoàng làng vi hành; Lễ rước nước vào Đình lễ Thành hoàng; khai mạc giải Cờ tướng và các hoạt động nghệ thuật Chèo cổ...


