Khai hội Đền Sóc năm 2024: Nhiều hoạt động khơi nguồn văn hoá di sản
Hòa chung không khí của cả nước đang tưng bừng đón xuân Giáp Thìn 2024; đúng 6 giờ 45 phút, sáng 15/2/2024, (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), huyện Sóc Sơn đã long trọng tổ chức khai hội Đền Sóc năm 2024, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (Sóc Sơn - Hà Nội). Lễ hội kéo dài từ ngày 15 - 17/2/2024 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch).
Tham dự Lễ khai hội có: Hòa Thượng Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn - Bùi Duy Cường; Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – Trần Trung Hiếu; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND, các Quận, Huyện, trên địa bàn TP Hà Nội.
Đại biểu huyện Sóc Sơn tham dự Lễ khai hội có đồng chí: Nguyễn Nam Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; Phạm Văn Minh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Vương Nguyên Minh – Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện; Hồ Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng ban tổ chức lễ hội; Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ; Các đồng chí trong BTV Huyện ủy, lãnh đạo các ngành, đoàn thể của huyện; Bí thư, chủ tịch các xã thị trấn, lãnh đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Thay mặt Ban tổ chức lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã nổi hồi trống khai hội Gióng đền Sóc năm 2024. Sau bài văn tế là lễ rước các linh vật và lễ tế của các thôn làng gồm 8 linh vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Giáp Thìn để dâng lên đức Thánh Gióng gồm: Thần mã (ngựa sắt), cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu Nữ tướng và giò hoa tre.
Điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2024 tập trung vào phần hội. Theo đó, các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: “Đi cà kheo, đập niêu đất, hội thi nấu cơm, hội thi cầu húc... và không có bất kỳ trò chơi nào mang tính chất cờ bạc hay phi tiêu trá hình”. Đặc biệt, năm 2024 nghi thức “Kéo Mỏ” của thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và sẽ được tổ chức tại Lễ hội Đền Sóc nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Cùng với đó là các gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch Sóc Sơn, du lịch Hà Nội, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện. Cùng với đó là các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức xuyên suốt trong những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc trong 3 ngày (15 – 17/2/2024).
Là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch.
Cùng với đó, Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 cũng là năm thứ 2 liên tiếp, nghi thức “Kéo Mỏ” được trình diễn và cuộc thi “Cầu húc” được tổ chức trên quy mô toàn huyện. Bên cạnh đó, khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân và khách thập phương du xuân lễ hội. Đến với lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, du khách cũng sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị tại khu vực thực hành văn hóa; hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với những du khách muốn trải nghiệm làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre…
Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của TP Hà Nội và cả nước, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010”. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân. Không chỉ vậy, lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm còn hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới./.