Kem que một thuở

Lê Hà Ngân| 04/06/2020 15:53

Bỗng dưng lại nhớ tới kem... khi chiều nay cái nắng nóng gay gắt của mùa hè như thiêu đốt bỏng rát, mà lại còn bị mất điện. Thèm một que kem mát lạnh, một que kem tuổi thơ mà ngày còn nhỏ xíu vẫn nhặt nhạnh từng ống bơ, từng cóng bò đã bị hỏng, những tập vở cũ đã bỏ đi...

Kem que một thuở
Bỗng dưng lại nhớ tới kem... khi chiều nay cái nắng nóng gay gắt của mùa hè như thiêu đốt bỏng rát, mà lại còn bị mất điện. Thèm một que kem mát lạnh, một que kem tuổi thơ mà ngày còn nhỏ xíu vẫn nhặt nhạnh từng ống bơ, từng cóng bò đã bị hỏng, những tập vở cũ đã bỏ đi... đợi trưa hè khi mọi người đang chìm vào giấc ngủ mới í ới gọi lũ trẻ hàng xóm đem những “chiến lợi phẩm” đồng nát chạy ù ra đổi kem. Có khi chỉ được một que kem, được lấy ra trong ánh nhìn thích thú của trẻ nhỏ. 
Chao ôi! Cái hình ảnh trắng sữa, từng sợi dừa mỏng bọc ở xung quanh và lấm tấm những hạt vừng đã đi vào tiềm thức làm dịu đi cái nắng nóng của mùa hè. Que kem ngày ấy được lấy ra từ bàn tay chai sần vất vả và đen đúa vì nắng của người bán kem sao vẫn ngon lạ ngon lùng. Có lẽ người bán kem cũng có con như những đứa trẻ này, lấm lem và khao khát một que kem giữa trưa hè nóng bỏng. Đâu phải ngày nào cũng được ăn kem, nên cái tiếng còi bíp bo cứ liên tục giục dã bước chân nhỏ bé nhanh lên, nhanh lên nào. Nhìn quanh quất xung quanh, bố mẹ đều đi đâu cả, thế là “a lê hấp” chạy sang đường đổi được que kem.

Quên làm sao được cái cảm giác khi ngồi ở bậc cửa nhà chúm môi mút cái vị mát lạnh của que kem đang tan chảy từ từ thấm từ lưỡi qua cổ, ngòn ngọt thơm thơm, rồi len lỏi xuống sâu hơn nữa. Đến khi cả que kem đã bị ăn hết dù vừa ăn vừa cố gắng để dành, chỉ nhấm nháp cho lâu hết nhưng cuối cùng cũng chỉ còn lại chiếc que thôi. Thế mà không chịu buông chiếc que kem làm bằng gỗ bồ đề vẫn tiếc nuối mãi trên tay. Những ngón tay dèo dẻo ngòn ngọt dính vào nhau, chạy ù ra cầu ao hoặc cầu bến nhúng xuống nước, đi chơi với cơn mát lạnh nơi cổ họng, tung tăng tung tăng. Rồi biết chắc rằng phải lâu lắm nữa mới được tận hưởng cái cảm giác này. 
Càng lớn lên, cái cảm giác cũ thật đáng quý khi được ăn kem ngày còn nhỏ càng xa khỏi tầm tay mình. Chẳng còn được chạy tung tăng sang nhà hàng xóm rủ rê bọn trẻ con cùng lứa đi đổi kem trưa nữa… Chẳng còn được hí hửng thỏa thuê với que kem bên bậc thềm nhà lúc bố mẹ đi làm đồng. Và cũng chẳng bao giờ quên được ánh mắt thèm thuồng khao khát của đứa bạn mồ côi nhà bên chợt ánh lên sáng rỡ khi mình cho nó ăn kem cùng. Quên làm sao được có lúc hai đứa đổi được que kem chưa kịp ăn thì rơi vào đống cát. Mình ngớ người tiếc đứt ruột, còn nó thì òa lên khóc khi que kem tan chảy dưới nắng hè…
Đã bao nhiêu mùa hoa đỏ trôi qua, bao nhiêu mùa nắng lửa, bây giờ kem cũng đắt hơn, nhiều loại hơn. Trẻ con không còn ưng que kem nhỏ bé trong thùng kem rong của những người quê đi bán kiếm sống lam lũ qua ngày. Chúng được cha mẹ cho đi ăn kem ngoài hàng, kem ốc quế, kem dâu, kem Tràng Tiền, kem Trạng Nguyên, kem nào cũng ngon, cũng thơm cũng sạch. Mỗi loại một giá, có ly kem đáng giá bằng tiền đóng học phí một tháng của con nhà nghèo, nhưng chắc chắn không bao giờ còn có thể tìm lại được cảm giác một mình một que kem đổi từ chai hộp và ngồi ăn ngon lành. Và chắc chắn cái vị kem lạnh tê lưỡi ngọt hắc của đường hóa học, cứng ngắc vì quá nhiều đá mà ăn vào vẫn rất ngon của ngày xưa sẽ còn đi theo ta mãi, đi mãi đến sau này. Mỗi lần ra phố, thưởng thức  một ly kem “xịn” lại càng nhớ thêm kem ở quê nghèo ngày xưa…
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kem que một thuở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO