Kẻ Mơ - mạch làng vẫn chảy

hanoimoicuoituan| 03/08/2020 17:10

Kẻ Mơ - Cổ Mai xưa của Thăng Long bao gồm các làng Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động, nay đã là ba phường thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Giữa phố phường hôm nay, ký ức làng và giá trị văn hóa truyền thống ở một vùng địa linh của đất kinh kỳ văn vật vẫn được lưu giữ, trao truyền bằng nhiều hình thức.

Kẻ Mơ - mạch làng vẫn chảy
Hội làng Hoàng Mai.

Một vùng đất văn hóa, lịch sử

Chẳng biết xưa vùng Kẻ Mơ - Cổ Mai có trồng những giống mơ nào mà quanh đây nay vẫn còn một loạt địa danh từng là thôn, làng có chữ Mai - Mơ: Hoàng Mai - mai vàng, Thanh Mai - mơ xanh, Bạch Mai - mơ trắng, Hồng Mai - mơ hồng rồi còn Mai Động, Tương Mai. Chợ cũng mang tên “chợ mới Mơ” rồi “chợ Mơ”...

Bạch Mai có Người con gái ở lầu hoa trong thơ Nguyễn Bính: “Nhà nàng ở gốc cây mai trắng/ Trên xóm mai vàng dưới đế kinh/ Có một buổi chiều qua lối ấy/ Tôi về dệt mãi mộng ba sinh”. Và bài thơ Tương tư nổi tiếng của Nguyễn Bính “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người...” cũng được ông cảm tác khi ở trọ tại thôn Đoài làng Hoàng Mai năm 1939.

Người ta vẫn quen gọi làng Hoàng Mai là Mơ rượu - vì ở đây nấu được rượu ngon nổi tiếng cùng với Tương Mai là Mơ xôi - vì có nghề làm xôi xéo ngon cũng nổi tiếng không kém. Người Mơ ý nhị, cũng đã đi vào ca dao: “Em là con gái Kẻ Mơ/ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh/ Rượu em chẳng để be sành/ Em cất trong bọc để dành giai nhân”.

Những bậc cao niên từng sinh sống ở các làng thuộc Kẻ Mơ xưa cũng nhắc nhớ: Hoàng Mai được biết đến còn bởi nơi đây có giống cà pháo ngon, dày cùi, ít hạt, giòn tan, chỉ ăn một lần cũng khiến người ta nhớ mãi. Cà Hoàng Mai cùng với mướp hương làng Quỳnh, rau muống Đồng Lầm (Kim Liên ngày nay), cá rô đầm Sét... và nhiều sản vật khác của vùng phía nam kinh thành Thăng Long là những món ăn bình dị đã đi vào nhiều trang viết và vẫn neo đậu trong ký ức người Hà Nội.

Vùng Kẻ Mơ xưa gắn liền với tên tuổi danh tướng Trần Khát Chân (1370 - 1399), người đã có công khai trang lập ấp từ cuối thế kỷ XIV. Đi trên đường Trần Khát Chân (thuộc quận Hai Bà Trưng) hôm nay, lại nhớ từ đây có lối rẽ vào tư gia của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh người mà trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã tái hiện không khí một vùng văn hóa, nơi có thái ấp của danh tướng họ Trần: “Từ đường lớn nhìn vào thấy rừng mai của Thượng tướng xanh ngát một màu lá mạ...”.

Đình Hoàng Mai dựng từ thời Lê Trung hưng (đầu thế kỷ XVII) là nơi thờ danh tướng Trần Khát Chân làm Thành hoàng. Là người làng Hà Lăng (Vĩnh Ninh, Thanh Hóa), dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, khi mới 19 tuổi Trần Khát Chân đã lập đại công đánh tan quân Chiêm Thành trên sông Hải Triều (Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), giết chết vua Chiêm Chế Bồng Nga. Trần Khát Chân được vua thăng chức Thượng tướng quân, ban cho thôn Cổ Mai làm thái ấp. Trần Khát Chân xây dựng thái ấp Cổ Mai, chia thành nhiều khu vực có nhiệm vụ khác nhau: Khu trồng lúa, khu nuôi cá, khu luyện quân, khu kho tàng mà ngày nay vẫn còn dấu tích Đình Đụn (đụn - gò, đống lúa, thóc, gạo)... Thái ấp Cổ Mai nhanh chóng trở thành vùng Kẻ Mơ dân cư đông đúc, binh lương đầy đủ, là lá chắn vững chắc trấn thủ cửa ngõ đông nam kinh thành Thăng Long. Sau khi Hồ Quý Ly thoán đoạt nhà Trần, Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly. Việc bại lộ, ông bị chém. Người đời sau ca ngợi Trần Khát Chân là một trung thần hiếm có.

Ông Ngô Trọng Thanh, một người Hoàng Mai gốc, nay đã vào tuổi 80, kể về hội làng tưởng nhớ danh tướng ngày xưa. Màn vui nhất trong hội là trai tráng hai làng Tương Mai và Hoàng Mai diễn lại tích “đánh nhau” để “tranh” thờ Thượng tướng Trần Khát Chân là Thành hoàng làng mình bằng trò ném những hòn đất khô vào nhau trên cánh đồng Mả Cả. Ông Thanh giải thích: “Chỉ giả ném nhau thôi để cùng tôn vinh Thượng tướng Thành hoàng (vì Ngài quá linh thiêng nên hai làng giành nhau thờ) rồi sau đó tất cả lại ngồi cùng mâm ăn mừng hội”.

Đi xuống cuối làng Hoàng Mai là đến Mai Động. Làng Mai Động thờ ba anh em tướng Tam Trinh - bộ tướng của Hai Bà Trưng, được suy tôn là “tổ” môn vật cổ truyền. Hội vật Mai Động mở từ mùng 4 đến mùng 6 Tết tưởng nhớ “tổ” Tam Trinh, tôn vinh truyền thống thượng võ. Đáng nói, hội vật Mai Động không phân chia hạng cân, tính giờ và tính điểm, chỉ cấm những đòn chơi xấu và lứa tuổi nào cũng có thể tham gia. Vật Mai Động có những miếng đánh bí truyền mà kẻ yếu khéo dùng mưu có thể khiến kẻ mạnh hơn mình “lấm lưng trắng bụng”. Màn “xe đài” của hai “đô” chào trọng tài, giám khảo và khán giả cũng khá lạ lẫm với nhiều du khách, gây phấn khích giữa tiếng trống thúc ngũ liên.

Vùng đất văn hóa trong ký ức người dân còn là cả một không gian đậm yếu tố làng, đến nay vẫn còn dấu tích. Theo ông Ngô Trọng Thanh, trước kia làng Hoàng Mai có tới 13 cái giếng, nay chỉ còn lại 3 cái được giữ lại như những điểm nhấn cảnh quan. Tất cả mọi nhà đều đã dùng nước sạch được cấp qua đường ống, nhưng hình ảnh và đời sống văn hóa gắn với giếng làng nhiều người vẫn nhớ. Ông kể: “Giếng có đường kính rộng tới hơn 10m, bờ và đường xuống xây gạch. Trong giếng thả bèo ong cho trong nước. Muốn lấy nước giặt giũ phải gánh từ giếng về nhà chứ không được giặt ngay cạnh giếng, lúc xuống lấy nước phải bỏ dép guốc lại trên bờ, chỉ được đi chân không xuống để giữ sạch nguồn nước”.

Lưu danh người cộng sản kiên trung

Thời hiện đại, làng Hoàng Mai trở thành xã, rồi lên phường và mang tên nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Gần hai mươi năm bền bỉ đấu tranh, hy sinh oanh liệt khi chưa tròn 35 tuổi trên cương vị là Thường vụ Trung ương Đảng, Hoàng Văn Thụ còn để lại tấm gương sáng cho hậu thế. Từ xà lim Hỏa Lò, Hoàng Văn Thụ gửi ra bài thơ nhắn nhủ đồng chí, đồng bào: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành...”.

Rạng sáng ngày 24-5-1944, trước lúc hy sinh, khi người cố đạo muốn làm lễ rửa tội, Hoàng Văn Thụ từ chối và nói: “Nếu yêu nước và cứu nước là có tội thì ông cứ về hỏi những người kháng chiến đang cứu nước Pháp khỏi ách chiếm đóng phát xít xem họ có tội gì không?”. Ông nói thêm: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Người cố đạo kể lại chuyện đó với những người tù Hỏa Lò và không ngừng thán phục: “Thật là một con người gang thép!”. 

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ ngã xuống ở trường bắn Tương Mai. Mộ ông được đặt trên cánh đồng gần đó. Nhớ tấm gương lẫm liệt của người chiến sĩ cách mạng, làng Hoàng Mai được đổi thành xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì rồi thành phường Hoàng Văn Thụ, nay thuộc quận Hoàng Mai. Tên làng xưa cũng trở thành tên quận mới. Trên mảnh đất từng đặt mộ Hoàng Văn Thụ nay đã xây dựng tượng đài ghi nhớ tấm gương người cộng sản kiên trung bất khuất.

Cư dân Hoàng Mai nay phần đông là cán bộ, công nhân, viên chức. Nghề nấu rượu của Kẻ Mơ nay cũng không còn nữa. Quả cà Hoàng Mai cũng trở thành hoài niệm. Nhưng trong những ngày hội làng, nét văn hóa cổ truyền lại được phục hồi giữa phố phường đông đúc. Ông Ngô Trọng Thanh lớn lên từ làng Hoàng Mai, đi thoát ly, đến khi nghỉ hưu lại về làng quê tham gia công tác trong các đoàn thể của phường, như nhiều người làng vẫn không quên truyền lại những ký ức thẳm sâu của mình về ngôi làng cổ cho các lớp cháu con. 

Mạch nguồn văn hóa truyền thống của đất Kẻ Mơ vẫn âm thầm chảy mãi, dù làng đã thành phường từ lâu.

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Kẻ Mơ - mạch làng vẫn chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO