Huyện Mê Linh nằm ở phía Bắc Thành phố Hà Nội. Huyện có diện tích tự nhiên 14.246 ha, dân số xấp xỉ 226.800 người, có 16 xã và 2 thị trấn. Huyện đang trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị...
Lịch sử hình thành và phát triển huyện Mê Linh gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu dòng dõi vua Hùng. Vùng đất đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ này vốn là nơi giao lưu kinh tế và văn hóa của các vùng như: miền núi, trung du và đặc biệt là sự giao thoa văn hóa với các tỉnh lân cận nhất là với kinh đô Thăng Long, nên đã hội tụ ở đây một nền văn hóa phong phú, đa dạng góp phần không nhỏ vào sự hình thành phát triển của nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trong đó, các di tích lịch sử - văn hóa như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế của người Việt, đồng thời còn đánh dấu sự ra đời và phát triển của văn minh cộng đồng, làng xã Việt Nam.
Từ lâu trong tâm thức của người dân Mê Linh, các di tích lịch sử - văn hóa chính là một phần linh hồn, một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ được 179 di tích, trong đó 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Di tích lịch sử - văn hoá huyện Mê Linh gồm có: đình, đền, chùa, miếu; bên cạnh đó còn có di chỉ khảo cổ học: Di chỉ Thành Dền ở xã Tự Lập được phát hiện năm 1970 với diện tích khoảng 2,5ha. Hiện vật thu lượm được khá phong phú, bao gồm: đồ đá, đồ đồng, và đồ gốm,… đặc biệt ở đây còn tìm được nhiều khuôn đúc và hàng trăm cục sỉ đồng. Có thể khẳng định Thành Dền không những là một di chỉ cư trú mà còn là một trung tâm luyện đúc đồng quan trọng đương thời. Cùng với di chỉ Đồng Đậu ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, di chỉ Thành Dền ở Mê Linh đã tạo nên một bộ mặt văn hóa, một giai đoạn đồ đồng khá phát triển ở cả lưu vực sông Hồng thời kỳ tiền Hùng Vương. Cho đến nay trong giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, trên lưu vực sông Hồng, chưa có điểm nào phong phú, toàn diện hơn di chỉ Đồng Đậu và Thành Dền. Mê Linh là huyện đồng bằng, nên không có sự phân chia vùng miền. Điều kiện địa lý này đã tác động đến quy mô, cấu trúc, cũng như việc tôn thờ trong các di tích lịch sử - văn hóa địa phương. Các di tích lịch sử - văn hóa ở đây thường được xây dựng to lớn, bề thế, chạm trổ tinh xảo, với nhiều cách điệu dân gian như: Rồng phun nước, cá vượt vũ môn và các đề tài: “Tứ Linh” (long - ly - quy - phượng) là những con vật biểu tượng cho sức mạnh, sự thông minh, khéo léo, trường tồn cùng thời gian, hay “Tứ quý” (tùng - cúc - trúc - mai) biểu tượng cho sự mềm dẻo, linh hoạt, bền vững và cái đẹp quý phái. Bên cạnh yếu tố địa lý, các yếu tố thuân lợi về kinh tế, văn hóa, cũng góp phần quan trọng làm nên sự quy mô, bề thế của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Mê Linh.
Mê Linh tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Vì vậy, phần lớn các di tích lịch sử, văn hóa ở đây đều ghi dấu những chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng như: cố đô Mê Linh ở Hạ Lôi, xã Mê Linh, nay có đền thờ Hai Bà Trưng - cùng thân quyến và các tướng lĩnh của Hai Bà. Nhiều di tích thờ tướng lĩnh của Hai Bà như: đình Bạch Trữ thờ Cống Sơn, đền Đông Cao xã Tráng Việt thờ bà Hồ Đề, đền Văn Lôi xã Tam Đồng thờ Lũ Luỹ, đình Phú Mỹ xã Tự Lập thờ vợ chồng tướng Hùng Bảo, đình Bồng Mạc, Yên Mạc xã Liên Mạc thờ hai nữ tướng Ả Nang, Ả Nương.