Hương xuân, vị Tết trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài

Bùi Việt Thắng| 05/02/2018 14:52

Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài in lần đầu năm 1980 (tái bản năm 2004, 2007). Nói là chuyện cũ mà không cũ, nói là chuyện cũ mà nay vẫn thấy đầy đủ cái dư vị của đất Hà thành văn vật kể cả trong những góc khuất nhất, nốt trầm nhất của nó. Trong tổng số 114 bài viết về chuyện cũ Hà Nội có 9 bài trực tiếp viết về mùa xuân, lễ hội, Tết: Đón giao thừa, Những ngày áp Tết, Đêm giao thừa, Hội làng, Pháo, Giỗ Tết, Khai bút, Chơi chùa, Tảo mộ. Phải là một ngòi bút có cái “căn” giao hòa với tự nhiên thì mới trườ

Hương xuân, vị Tết trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài (ngồi giữa) cùng các bạn văn.
Mẹ vợ tôi quê ở làng Nghĩa Đô nên tôi vẫn thường hay đi qua chợ Bưởi nhưng không mấy khi biết rằng: “Mỗi tháng có sáu phiên chợ Bưởi, ngày bốn và ngày chín (…).” Lại rõ thêm: “Chợ Bưởi có ba phiên chợ Tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ Tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán”. Rồi lại nghe người ta nói mà biết nhận xét: “Chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường. Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là cho có Tết nhất. Vẫn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi như vậy. Và nhớ thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm. Thế nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và, cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, đầu mới để ăn Tết”. Tuy nhiên, ngày ấy khi Tết đến trẻ con thì vui sướng còn người lớn thì nửa mừng nửa lo vì: “Trẻ con cứ hí hửng cái Tết bé bỏng như thế. Nhưng lại cũng lây người lớn, biết lo buồn cái Tết thật sự. Bởi vì, những ngày áp Tết, nhà tôi thường có người đòi nợ” (Những ngày áp Tết). 

Giao thừa nhà văn viết liền hai bài: Đêm giao thừa, Đón giao thừa. Cảnh đêm giao thừa năm nao hiện lên thật cô liêu: “Những giờ phút cuối cùng trong một năm, phố xá vắng ngắt. Chuyến tàu điện chạy vét đã dồn toa về nhà chứa trên Thụy Khuê, bến Hà Đông xe hàng và xe điện Bờ Hồ, chẳng còn một mống người” (Đêm giao thừa), lúc đó mọi người đều quây quần trong ngôi nhà ấm cúng của mình để chúc tụng nhau sang năm mới vậy mà ở ngoài trời vẫn còn một đám trẻ con rất đông nấp trong chợ Đồng Xuân: “Có đến mấy chục đứa trẻ im lặng ngồi chụm vào nhau cho ấm. Không dám đứng, không dám nói thì thào. Không dám đấu đá nhau (…). Tiếng pháo giao thừa nổ, lan khắp thành phố, ấy là lúc bọn trẻ bíu nhau lũ lượt trèo ra (…). Chốc lát, những đứa trẻ cầu bơ cầu bất lang thang đi đón giao thừa đã lẫn lộn trong đám người lễ đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh, người đi hái lộc, người xuất hành lấy may” (Đón giao thừa).

Người Việt Nam ta có phong tục khai bút đầu xuân như một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Khai bút cũng là một ước vọng “tống cựu nghênh tân” của mọi người sống trên cõi trần gian này. Nhà văn Tô Hoài đã viết bài Khai bút trong tâm thế chung ấy nhưng theo cách cảm riêng của mình “Không nhớ tôi còn có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ cái thói quen hay hay ấy. Và vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút loăng quăng vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ… Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì mỗi năm tôi khai bút bằng viết một truyện ngắn (…). Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa cho đến quá nửa đêm. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cũng là cái nửa đêm mới nhất của hai năm nối nhau (…). Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa tới nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân ngư xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cho thấy kì được sắc xuân đang sang”.

Chơi chùa (hay đi chùa) cũng là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ xa xưa, nói chung, và người Hà Nội, nói riêng. Bài Chơi chùa của nhà văn Tô Hoài được viết theo sự trải nghiệm đời sống của một người có cái nhìn dân chủ trước mọi sự vật tồn tại trên thế gian này: “Nhưng đi chùa, lên chùa, chơi chùa, mặc dầu có lệ tuần rằm, mùng một và hội chùa, nhưng cửa từ bi thì quanh năm khách thập phương với người làng đến lễ bái ngày nào cũng được (…). Tết nhất chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày Tết hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa Phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông”. Đọc đến đây thì tôi chợt hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài lại viết là “chơi chùa” (hoặc “đi chùa”, “lên chùa”) chứ không viết là “viếng chùa” hay “thăm chùa”. Phải chăng chùa là một không gian dân chủ, khoáng đạt hơn so với đình, đền, miếu? Nhà văn Tô Hoài đã giải thích: “Cái đình và cái đền, miếu khác hẳn với chùa. Đình miếu tôn nghiêm, chỉ mở cửa khi có sự, các nhà chức việc, các ông từ, ông tự vào ngày sóc vọng thắp hương, ngày hội lễ tế rước xách. Có khi họp hội đồng hay có các quan phủ, quan tổng đốc về. Khách vãng cảnh thì chỉ dạo quanh ngoài”. Bây giờ người ta đi rất nhiều chùa ở Hà Nội, nhưng với nhà văn Tô Hoài thì chỉ có những chùa xa, chùa gần sau nên đi trong dịp Tết: chùa Hương, chùa Quán La, chùa Láng. Bây giờ Hà Nội mở rộng (bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ và một số xã của tỉnh Hòa Bình), có thể Tết người ta còn đi chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bà Đá, chùa Kim Liên… Nhưng tôi thấy sự đi chơi chùa ngày nay cũng đã biến tướng vì người ta đi theo tâm lí đám đông, người ta đi để chứng tỏ mình cũng là con người có tâm linh, thậm chí không ít người đi theo sự mê tín đôi lúc cuồng tín.

Đọc bài Tảo mộ của nhà văn Tô Hoài tôi mới thấm thía việc tảo mộ trước Tết (thường là tháng Chạp) và sau Tết từ tháng Giêng, Hai, Ba đến tiết thanh minh lại đi tảo mộ. Nhưng “đất lề quê thói”, ở quê nhà văn thì: “Nhưng nền nếp tảo mộ ở quê tôi không chỉ trong tháng Ba đi trông nom mộ phần mà lại chú trọng nhất vào tháng Chạp lạnh lẽo, mà có “nắng ấm quang đãng”, vì đó là “ngày lành, giờ lành”. Ở quê tôi cũng thường đi tảo mộ vào tháng Chạp vì sắp sang năm mới “Con cháu và người thân ra dọn dẹp quét tước nhà cửa - trần gian sao thì âm vậy”.

Hương xuân, vị Tết trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài
Đọc Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài để thêm hiểu và thêm yêu Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến. Tất nhiên có thể yêu mà không cần hiểu, nhưng nếu hiểu sâu sắc hơn thì yêu vì thế cũng sâu sắc hơn. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hương xuân, vị Tết trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO