Hiệu quả thiết thực
Từ năm 2016, huyện Phú Xuyên là một trong 2 huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai đề án giám sát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người. Từ 5 xã đầu tiên, đến nay trên địa bàn huyện đã có 20/27 xã, thị trấn triển khai mô hình này.
Khi triển khai mô hình, huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn. Thành phần tham gia tổ giám sát, gồm: Cán bộ trạm y tế, y tế thôn, trưởng thôn, đại diện hội phụ nữ… Nhiệm vụ của tổ giám sát là rà soát, phát hiện, thu nhận thông tin từ các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ gia đình có tổ chức bữa cỗ tập trung đông người. Sau đó, vận động các đơn vị ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, tổ chức tư vấn giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi nấu cỗ, ghi chép nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên Tiêu Ngọc Chiến cho biết, ở nhiều huyện, các bữa cỗ tập trung đông người hầu hết đều do gia đình tự nấu, do đó, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, sử dụng nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc. Thế nhưng, từ sau khi huyện triển khai mô hình giám sát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Trung bình hằng năm, trên địa bàn huyện có khoảng trên 2.000 bữa cỗ tập trung đông người được y tế tư vấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, sơ chế, chế biến thực phẩm. Riêng trong tháng 5-2022, Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức giám sát cho 80 cán bộ tổ giám sát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung tại 20 xã, thị trấn.
Nhờ những lớp tập huấn này, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được nâng lên. Nếu như trước đây, huyện Phú Xuyên từng xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại bữa cỗ tập trung đông người, thì sau 6 năm triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người, trên địa bàn huyện không ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại các bữa cỗ đã được tư vấn, giám sát.
Tương tự, tại huyện Hoài Đức hiện có 10 xã triển khai mô hình giám sát an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người. Mới đây, Trung tâm Y tế huyện cũng đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức lớp tập huấn các biện pháp chuyên môn về an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người năm 2022 cho các thành viên tổ giám sát bữa cỗ tập trung đông người tại 10 xã trên địa bàn.
Tại các lớp tập huấn này, 100% cán bộ của tổ giám sát, tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm được bồi dưỡng kiến thức về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, kỹ năng tư vấn, giám sát an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý khi có ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.
Tăng cường phối hợp giữa các bên
Theo Trưởng khoa An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ) Nguyễn Thị Hồng Thắm, hiện việc tổ chức các sự kiện, dịch vụ ăn uống đang diễn ra khá phổ biến tại các hộ gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát tại bữa cỗ tập trung đông người vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc sử dụng nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng, điều kiện chế biến thực phẩm chưa bảo đảm; nhận thức của người chế biến còn hạn chế, các dụng cụ dùng trong sơ chế, chế biến thức ăn chưa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm…, nguy cơ về ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Cụ thể, việc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là hoàn toàn mới, nên nhận thức của người dân về tầm quan trọng của mô hình này vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, khi tổ chức bữa cỗ, người dân có thói quen mua thực phẩm tại chợ dân sinh hoặc của người thân trong gia đình, nên sổ theo dõi chưa ghi đầy đủ nguồn gốc; khu sơ chế và khu thức ăn chín còn gần nhau. Ngoài ra, còn hiện tượng dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm chín với thực phẩm sống; người chế biến chưa đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm...
Trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại những bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục được tăng cường. Nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người một cách hiệu quả, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp chính quyền phát huy vai trò chỉ đạo. Mặt khác, đẩy mạnh phối hợp trong công tác an toàn thực phẩm giữa y tế và các ban, ngành, đoàn thể, y tế thôn… Cùng với đó là tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn, không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm diễn ra tại cộng đồng.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ việc thí điểm tại 2 huyện Thanh Oai, Phú Xuyên năm 2016, đến nay, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người đã được duy trì và nhân rộng tại 20 quận, huyện với 240 xã, phường, thị trấn. 100% các đơn vị tham gia mô hình này đều được tập huấn về giám sát an toàn thực phẩm.