Tác giả - tác phẩm

Hồn Tết xưa “thở trong từng lõi chữ”

Đặng Xuân Phúc 15:29 12/02/2024

Khởi giác chính là khởi động những cảm giác, cảm xúc về một mùa xuân mới. “Khởi giác” của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương là bài thơ viết bằng cảm xúc khác lạ như thế. Bài thơ mà tứ thơ được tạo tác từ cả hai yếu tố: Tâm ý của tác giả và giá trị vốn có của chủ đề Tết và xuân.

Khởi giác

Giữa những hoài niệm di truyền

Ngày ngủ vùi trong sắc hoa đa cảm

Giọt mưa xuân cọ vào cảm giác

Cọ vào ta lời nhắn nhủ thì thầm:

Đừng đánh mất thói quen

đặt chân về nắng ấm.

Giữa những mới mẻ chưa được cắt nghĩa

Mùa xuân là quãng nghỉ bình yên

Những thô nhám xù xì gai góc

Bỗng nằm im trong lớp vỏ non xanh.

Giữa đặc và rỗng

Trong từng kích cỡ không gian

Thấy mình sao thật bé nhỏ

Ngay cả tán của ăng-ten tư duy đã xòe ra hết cỡ

May sao,

hồn vía của Tết xưa

thở trong từng lõi chữ

Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới

Đón những cơn mưa từng cười ngập cỏ

Ngày thản nhiên xanh

Giữa những mở phơi và khai lộ…

Lại bắt đầu một khởi động mới

Bằng những giấc mơ đã từng làm cháy bóng tối

để mọc lên một ánh sáng

vừa an yên, bình dị, sớm nay…

(Đoàn Mạnh Phương)

Khởi giác chính là khởi động những cảm giác, cảm xúc về một mùa xuân mới. “Khởi giác” của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương là bài thơ viết bằng cảm xúc khác lạ như thế. Bài thơ mà tứ thơ được tạo tác từ cả hai yếu tố: Tâm ý của tác giả và giá trị vốn có của chủ đề Tết và xuân.

unnamederhgrdtht.jpg

Mùa xuân là sự khởi đầu - khởi đầu một năm mới, khởi nguồn cho một tư duy, khát vọng và kỳ vọng mới… Nhưng, cách cảm nhận về những điều sâu lắng của mùa xuân thì mỗi người mỗi vẻ, giống như hoa xuân đua nở đầu mùa.

Xuân về, vạn vật được sưởi ấm sau khoảng thời gian dài lạnh lẽo của mùa đông, thảm thực vật cũng nhờ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cái đặc trưng riêng có ấy của mùa xuân, đẹp thay lại phù hợp một cách hoàn hảo với quan niệm văn hóa phương Đông truyền thống, nhất là với người Việt, khi cho rằng xuân là mùa của mọi sự tái sinh và khởi phát. Vì thế, một năm bắt đầu bằng mùa xuân và Tết Nguyên Đán, chính là dấu ấn đậm nét nhất của thời khắc giao mùa, để tạo nên những “khởi giác” khác biệt của thời gian.

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, thông qua “khởi giác” đã đặt mùa xuân ở đúng vị trí “khởi nguồn” cho những cảm giác mới trong suy ngẫm của con người (chứ không chỉ là khởi nguồn của vạn vật xoay vần, hết mùa đông lại đến mùa xuân…). Ở đây, xuân không chỉ là sự nhắc đến bằng lời, mà xuân đã đến bằng những đặc tính vốn có của nó, bởi ta đã thấy được những “giọt mưa xuân” cùng “lớp vỏ non xanh” của đất trời, thiên nhiên nơi ta đang sống và được tận hưởng điều “khởi giác” ấy.

Không thể phủ nhận rằng, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt. Tết khơi dậy những ký ức, những kỷ niệm đã hằn sâu trong tiềm thức. Tết là niềm ngưỡng vọng và tri ân dành gửi đến người đã khuất, như nhắc nhở cháu con về cội nguồn tiên tổ; là sự linh thiêng đầy xao xuyến trong thời khắc giao thừa tống cựu nghênh tân. Hơn thế nữa, Tết là niềm vui sum họp, sự đoàn tụ của gia đình, làng xóm quê hương… Hàng ngàn năm nay, Tết đều như vậy. Tết đến, xuân về thường mang tới cho con người những niềm vui mới nở, cũng vì thế mà nhiều khi khiến mỗi người dễ “ngủ vùi trong sắc hoa đa cảm” của xuân, của Tết mà cũng dễ lãng quên đi những “hoài niệm di truyền” vẫn đang ẩn sâu trong ký ức của chính mình. Thực tế ấy, may thay đã có những giọt mưa xuân trong “khởi giác” chạm vào cảm xúc để nhắc nhớ mỗi người một cách thật tinh tế qua cảm xúc của nhà thơ: “Đừng đánh mất thói quen/ đặt chân về nắng ấm”, và nhờ đó những hoài niệm - một cảm xúc liên quan đến sự khao khát những gì thuộc về quá khứ, vẫn là điều không dễ gì quên đi; giúp và khuyên ta trở lại với những điều đáng nhớ mà thực tiễn cuộc sống mang đến, dẫu đó là niềm vui hay nỗi buồn… Đó chính là “nắng ấm” của cuộc đời, để ta có được sự khởi nguồn năm mới mà cả quá khứ và hiện tại cùng in dấu làm nên.

Thơ Đoàn Mạnh Phương luôn mang sắc thái và cách thể hiện riêng độc đáo, đầy thi ảnh cùng chiều sâu lý trí và chiều rộng cảm xúc. Để có thể hiểu đầy đủ được những lời thơ và con chữ trong thơ anh, phải đọc kỹ, nghĩ sâu… Nhưng điều đặc biệt là khi đã hiểu được thơ của Đoàn Mạnh Phương thì tất cả đều khẳng định sự thẩm thấu của thơ ấy và cái tài tình của nhà thơ trong sử dụng câu chữ để truyền tải những cảm xúc tinh tế nhất.

Trong “Khởi giác”, mùa xuân tươi đẹp không chỉ bởi thiên nhiên sang trang mở đầu năm mới, thời tiết ấm áp hơn, cây cối đâm chồi nảy lộc…, mà xuân về còn là sự “nảy mầm” của những khát vọng đẹp, những ý tưởng hay, những nghĩ suy tươi mới; là “quãng nghỉ bình yên” để ta có thể dành tâm tư, chiêm nghiệm về chính mình và về chính cuộc sống. Vì vậy mà… “Những thô nhám xù xì gai góc/ Bỗng nằm im trong lớp vỏ non xanh…”. Xuân góp phần hiện thân cái mới và vẻ đẹp, ẩn giấu đi cái xù xì, thô nhám theo thời gian, làm cho cuộc sống đẹp lên hơn, con người yêu nhiều hơn để quên đi những vất vả, gian truân, những nỗi buồn đã qua…

Không chỉ như vậy. Xuân về… cơn mưa phùn chợt đến rồi chợt đi, để lại những giọt nước mát lành đọng long lanh trên những vạt lá trong vườn nhà. Cả những mầm rau non xanh cũng không vô tư nữa, như gieo vào lòng người chút bâng khuâng thương nhớ - nhớ về thời con trẻ, nhớ về ông, bà, cha, mẹ, về các kỷ niệm bạn bè, đồng nghiệp trên những chặng đường gian khó có nhau… Mùa xuân của ký ức trong veo, ngọt ngào như cổ tích… Những giọt mưa xuân tưởng như mỏng manh ấy vẫn đủ tưới ẩm những nơi đã khô cằn trong mùa đông, đủ tắm mát tâm hồn và nảy lên trong lòng người những lộc xanh hy vọng. Những vẻ đẹp ấy đã hiện diện đầy đủ trong bài thơ “Khởi giác”.

Nhưng… ở “Khởi giác” còn gợi lên trong câu thơ một ý niệm về cuộc sống, lấy cái thiên nhiên, trời đất để nói về lòng người. Tại sao lại là “Giữa đặc và rỗng/ trong từng kích cỡ không gian”? Đúng là một cách thể hiện “thở trong từng lõi chữ” của thơ Đoàn Mạnh Phương. Với “đặc” và “rỗng”, phải chăng tác giả muốn nhắc về những cái trái chiều vẫn xen lồng trong đời sống: Điều thực chất và điều không thực chất; cái tốt và cái không tốt ở đời? Không phải không có lúc ta cảm thấy bất an về một thực tế phũ phàng, về một nghịch cảnh của điều nhân văn và khi ấy “thấy mình sao thật bé nhỏ”, tưởng chừng bất lực nhưng ngược lại làm bật lên các khát vọng của con người trước mùa xuân. Thực ra, cũng không có gì lạ trong cuộc sống hiện thời, nhưng đã là nghịch cảnh thì không ai muốn… Và, nhà thơ đã hiểu thấu lòng người, hiểu sâu giá trị của Tết cổ truyền dân tộc. Nhờ nghĩ đến “hồn vía của Tết xưa/ thở trong từng lõi chữ” mà “đặc” - “rỗng” được phân minh, được hóa giải; để “Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới” và với mỗi người “Lại bắt đầu một khởi động mới/ Bằng những giấc mơ đã từng làm cháy bóng tối/ để mọc lên một ánh sáng/ vừa an yên, bình dị, sớm nay…”. Một lời kết có hậu, đúng với những kỳ vọng, ước mong khi Tết đến, xuân về. “Khởi giác” là một bài thơ hay về mùa xuân và bài thơ cũng thể hiện phong cách thơ của Đoàn Mạnh Phương trong hành trình sáng tác của mình tận hiến tới bạn đọc trong sáng tạo nghệ thuật thơ.

Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, sinh năm 1964, quê Nam Định. Ông hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập; Phó Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật và Quản lý Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đoàn Mạnh Phương đã xuất bản 4 tập thơ: Mắt đêm (1996), Câu thơ mặt người (1999), Ngày rất dài (2007), Mưa ký ức (2021).

Bài liên quan
  • Ra mắt nhiều sách mới về chủ đề Tết và mùa xuân
    Với mong muốn mang lại những ấn phẩm đẹp với nội dung phong phú về phong tục tập quán, không khí đón Tết cổ truyền của Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, nhiều năm qua NXB Kim Đồng đã thực hiện những ấn phẩm sách giới thiệu với bạn đọc mỗi dịp Tết đến xuân về. Dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, NXB Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới chủ đề về Tết, mùa xuân.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hồn Tết xưa “thở trong từng lõi chữ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO