Hội làng Phú Mỹ - Kiều Mai

Văn Hậu| 18/08/2017 17:02

Phú Mỹ (xã Mỹ Đình) xưa có tên làng Quả Hối thuộc tổng Phương Canh (Từ Liêm). Đầu thế kỷ XV, Lê Nhị khởi nghĩa từ Thanh Oai tạt qua đây để chống quân xâm lược Minh. Nhân dân dâng gạo, lớn, rượu để nuôi quân nên được tướng quân đổi Quả Hối thành Phú Mỹ trang. Năm 1956, Phú Mỹ thuộc xã Hòa Bình, năm 1965 thuộc xã Mỹ Đình.

Cụm di tích Phú Mỹ có “cổ miếu linh từ”, bên cạnh chùa Đại An, tương truyền miếu có từ thời Lý. Chính nhà vua qua đây đã hạ chiếu phong thần, ban tiền, đặt địa điểm và cắm hương. Miếu vốn thờ 3 vị thần, sau này bài vị rước về đình, thời làm Thành hoàng. Miếu xưa rộng rãi, đằng trước có tiền tế nhưng nay đã bị phá, chỉ còn cung thờ phía sau được sửa lại năm 1989.

Hội làng Phú Mỹ - Kiều Mai
Người dân làng Phú Mỹ rước kiệu sang làng Kiều Mai trong hội kết chạ hai làng.
Di tích chính là đình Phú Mỹ, một kiến trúc khang trang có đủ hợp thể tiền tế - đại đình – hậu cung, đình được làm vào ngày tốt mùa hạ năm Ất Sửu, đời vua Khải Định (1925). Song thực ra đấy là lần làm lại, từ nhiều thế kỷ trước ở đây đã có đình, bằng chứng còn cả loạt sắc phong và nhiều hình chạm trang trí. Hiện đình còn giữ được 12 đạo sắc, sớm nhất là 2 đạo sắc năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740); còn lại là thời Nguyễn các đời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.

Từ làng Phú Mỹ ta rẽ đường Xuân Thủy qua Cầu Diễn là tới Kiều Mai (xã Phú Diễn), một làng nằm ven sông Nhuệ xưa tên là Mai Trang trại, làng cũ ở giáp Cầu Diễn. Làng gần khu rừng Mai nên gọi là Kiều Mai. Trước năm 1945, Kiều Mai cùng với 6 làng khác (Phương Canh) thuộc tổng Cổ Nhuế phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, sau đó lại thuộc xã Từ Liêm; 1978 thuộc xã Phú Minh và năm 1982 đến nay thuộc xã Phú Diễn.

Đình Kiều Mai thờ dọc như đình Yên Phụ (quận Ba Đình) rất hiếm thấy ở Hà Nội. Tòa đại đình trên cao 2m. Từ sân đi lên ta gặp những tảng đá liền khối tam cấp, 2 đầu chạm hổ phù miệng ngậm, mắt lồi, đỉnh đầu chạm 4 đường vân xoáy, 7 túm tóc, đuôi xoắn tít. Bậc đá cổ có niên đại thế kỷ XVIII. Bên trong đình năm gian 2 chái, cột gỗ đặt trên những tảng đá xanh mịn. Trang trí đầu hồi là hình mặt nguyệt hổ phù, nghê múa và rồng ổ. Bức cốn có tứ linh, rồng cuốn thủy, long mã chở tiên. Cung có khám thờ, bài vị Thành hoàng và 10 đạo sắc phong từ Quang Trung 1972 đến Cảnh Thịnh 1802. Sắc phong tặng cho vị thần: “Hộ quốc tý dân anh minh hiên tước thượng đẳng phúc thần”. Truyền rằng, đời vua Hùng thứ 18 ở Kinh Môn, Hải Dương có Đào Bột, một con người chí khí. Ông về Kinh đô thi tuyển sau được cất nhắc làm huyện phó Hoan Châu rồi bộ trưởng bộ Hải Dương. Ông lấy bà Nguyễn Thị Hương sinh năm người con đặt tên là Đào Cư, Đào Hồng, Đào Trường, Đào Khanh, Đào Lân. Lúc họ 16 - 20 tuổi, bố mẹ qua đời. Đất nước có giặc, năm anh em theo Hùng Duệ vương xung binh. Riêng Đào Trường được làm Thổ Lệnh cai quản trấn Sơn Nam. Vài năm sau ba người mất chỉ còn Đào Trường, Đào Khanh. Hai võ tướng lập nhiều chiến công bảo vệ nước Văn Lang. Sau khi dẹp loạn ở Hồng Chân, Đào Trường trở về quê hương trao binh quyền cho em rồi hóa ở Tôn Thất trang.

Hội làng Phú Mỹ, Kiều Mai:
Tháng Giêng em đến, tháng Hai chị về.
(Ca dao)

Chùa Lưu Bái (Kiều Mai) có bản giao ước Duy Tân thứ 5 (1911) quy định ngày 7 tháng Giêng làng Kiều Mai rước xuống Phú Mỹ; còn 20 tháng Hai làng Phú Mỹ rước xuống Kiều Mai. Thần tích kể ông Nguyễn Viên, Châu Ái (Thanh Hóa) đi ra Cổ Châu, Quốc Oai, Hà Đông làm chức quan nhỏ thời Hán. Ông liên kết các lực lượng tù trưởng chống lại Tô Định. Khi qua đời, ông để lại vợ và hai con là Ả Lã nàng Đê và Quốc Công. Bà mẹ tần tảo nuôi hai con khôn lớn, Ả Lã đẹp người đẹp nết, võ nghệ cao cường. Khi Hai Bà Trưng truyền hịch khởi nghĩa, hai chị em chiêu mộ dân binh dọc sông Nhuệ kéo về cửa sông Hát. Ả Lã được phong làm Phương Anh phu nhân còn em trai được phong làm Quốc Công. Hai người có công trong việc giải phóng đất nước Văn Lang. Hai Bà Trưng ban thưởng bổng lộc cho về lập ấp ở Yên Lộ. Khi Mã Viện kéo quân sang, Hai Bà Trưng thất trận, Ả Lã và Quốc Công cũng hy sinh. Ven bờ sông Đáy, sông Nhuệ có gần 10 làng lập miếu thờ hai chị em. Lễ hội Phú Mỹ, Kiều Mai có những trò chơi dân gian, cờ bỏi, bắt vịt. 

Tuy nhiên hội kết chạ vùng này cũng có những phong tục khá độc đáo. Thôn Phú Mỹ có nhà thờ “Ca Công Sứ” với sắc phong của nhà vua: “Nam quốc danh ca Đào Thị Mẫu – Đông phương hài hước Tế Tinh quân”. Từ thế kỷ XVI, những cô gái đẹp hát giỏi ca trù của họ Vũ được nhà vua tuyển vào cung ca hát. Có cô đã trở thành hoàng hậu, khi về già được hưởng lộc, được lập đền thờ. Văn bia ở đình Phú Mỹ quy định: hội có mười ván xôi, mười con gà thì những người này nhận một ván xôi, một con gà. Hội có một bò thì được một cổ bò, hội có một lợn thì được cổ lợn (nọng). Họ Vũ thường chọn cô bé 10 tuổi có sắc, có thanh giọng tròn vành, rõ tiếng để học nghệ nhân già. Thường là năm năm hát ở hội làng sau đó thi tuyển để đi hát ở các hội khác trong vùng Từ Liêm. Dự một buổi hát ca trù trước cửa đình Phú Mỹ, ta thấy xúc động bởi hồi trống, hồi chiêng, tiếng đàn đáy, tiếng phách. Mở đầu một tốp ca sau người quản giáp cầm trống chầu giơ ngang mặt gõ, gằn giọng hát giáo trống:

Gió thuận mưa hòa
Biển lặng sông trong
Đã dẹp xong
Lũ kiến đàn ong
Nay vỗ cử tôi xin giáo trống!

Quản giáp hát bài “Giáo hương”, còn các cô đào ca múa dâng hoa lên Thành hoàng. Tinh thần dân tộc, ý chí chống xâm lăng dồn dập thôi thúc trong nhịp trống, nhịp sênh, nhịp phách làm không khí làng thêm náo nức.

Kiều Mai có tục thi xôi cây của giáp Đông giáp Đoài. Năm 1932 là hội cuối cùng. Vào tháng Chín, làng cử sáu gia đình sinh con trai nhận khu ruộng Dân (ruộng xôi mới để cấy nếp vàng). Từng gia đình thổi xôi trắng dâng lễ vào đình dự thi. Từng gia đình đội mâm xôi ra đình. Ván ép xôi thành cây. Mâm có 4 vì chân đỡ ở dưới xôi cây cao dần lên, gia đình nào cao trước thì được điểm. Làng cho phần thưởng một bánh phá hoặc một vuông vải điều làm khước. Giải tuy nhỏ nhưng giáo nào thắng cuộc cũng trống chiêng dồn dập. Hội xong các cụ già thụ lộc trong đình với xôi trăng thịt thủ và đĩa muối. Còn chia toàn bộ cho dân làng từ trẻ ẵm ngửa trở lên mỗi xuất một nắm xôi, một miếng thịt lợn bộc trong lá chuối.

Hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai là nét đẹp văn hóa Thăng Long bên bờ sông Nhuệ. Các làng chung cánh đồng qua hội càng thêm thương yêu đùm bọc nuôi dưỡng tâm thức về tình nghĩa anh em thiêng liêng cao quý.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hội làng Phú Mỹ - Kiều Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO