Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội bắt đầu nhiều hoạt động đón Tết Kỷ Hợi. Trong đó có nhiều hoạt động tái hiện cảnh sinh hoạt của hoàng cung xưa. |
Với thông điệp “Hoàng thành Thăng Long, điểm đến di sản mùa xuân 2019”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung giới thiệu một bức tranh văn hóa truyền thống nhiều sắc màu, đưa đến cho du khách những cảm nhận thú vị về phong tục tập quán độc đáo gắn với ngày xuân của dân tộc Việt Nam.
Đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khu di sản Hoàng thành Thăng Long như được khoác trên mình một chiếc áo mới. Không gian điện Kính Thiên được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa, quạt, lọng theo phong cách cổ truyền, gợi nhớ hoàng cung xưa. Quảng trường hoa lần đầu tiên được sắp đặt tại Đoan Môn với chủ đề “Thăng Long đón Xuân, muôn hoa hội tụ”, kết nối hài hòa với vườn chong chóng đầy sắc màu và hoa đào, hoa hướng dương khoe sắc rực rỡ.
Một không gian trưng bày gợi nhớ Tết xưa với chủ đề “Hương Xuân” cũng được tái hiện tại Nhà đón tiếp 19C Hoàng Diệu, với nhiều hình ảnh sinh động, như: Nghênh rồng ngày xuân, xin chữ thư pháp và thú chơi câu đối Tết, mô hình nấu rượu hoa tiến vua, tranh dân gian Tết, gian hàng bao cấp ngày Tết và nghệ thuật gấp giấy Origami hình các con giáp.
Ngoài ra, công chúng cũng được trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến với nhiều nghi thức truyền thống.
Cụ thể, vào ngày 26-1 (21 tháng Chạp) là Lễ hội ông Công ông Táo, dựng cây nêu… Từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết Kỷ Hợi (tức ngày 7 đến 10-2), khán giả nhí sẽ được trải nghiệm chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian, viết chữ thư pháp, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he… và thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.
Vào ngày mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 13-2) là Lễ dâng hương khai xuân.