Họa sĩ Thành Chương: tranh giả có bị xử lý gì đâu mà không nhơn nhơn

Đại Việt/TTO| 03/10/2017 13:58

Ngay sau khi nhà báo Mỹ của tờ The New York Times là Richard C.Paddock viết về vấn nạn tranh giả tại VN, đăng ngày 11.8, họa sĩ Thành Chương đã trao đổi với Tuổi Trẻ online về vấn đề này.

Họa sĩ Thành Chương cung cấp chứng cứ cho các nhà báo của tờ New York Times - Ảnh: ĐẠI VIỆT
Họa sĩ Thành Chương cung cấp chứng cứ cho các nhà báo của tờ The New York Times - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Nhưng với vụ mạo danh tranh của tôi thì thực sự là một cơ hội trong muôn một. Dĩ nhiên đấu tranh với tranh giả luôn là một vấn đề cực khó không chỉ với VN, mà còn cả trên thế giới.

Cơ hội bắt được tận tay, day tận mặt, có nhân chứng, vật chứng, đầy đủ cơ sở để có thể kêu gọi các cơ quan có chức năng, có thẩm quyền vào giải quyết. 

Hội đồng nghệ thuật đã có những thẩm định như thế, kết luận như thế, tôi cũng đã sẵn sàng đứng ra để làm việc đó. 

Nhưng rốt cuộc tất cả cơ quan chức năng đều không ai chịu vào cuộc, đánh mất đi một cơ hội có đầy đủ đầu dây mối rợ để lần ra được một đường dây lớn về làm giả và tiêu thụ tranh Việt giả.

Bỏ lỡ “một cơ hội trong muôn một”

* Anh đánh giá sao về bài báo của The New York Times được đánh giá là đúng 100% thực tế đáng buồn của thị trường tranh Việt hiện nay không?

- Tôi cho rằng tác giả bài báo này đã viết rất kĩ lưỡng, thông tin rất chính xác về thực trạng thị trường tranh giả VN.

Thực tế tính từ sau khi vụ tranh của tôi mạo danh Tạ Tỵ bị phanh phui cho đến nay đã một năm, bài báo này mới được đăng tải.

Điều này chứng tỏ nhà báo Mỹ Richard C. Paddock làm việc, nghiên cứu rất kĩ và cẩn trọng từ nhiều nguồn.

Tháng 7 năm ngoái khi sự việc bị phát giác, ông Richard có tới TP.HCM gặp tôi và một số người để tìm hiểu, sau đó ông lại ra nước ngoài tìm ông người Pháp Jean-François Hubert (kẻ bán 17 bức tranh trở về từ châu Âu cho ông Vũ Xuân Chung, trong đó có bức tranh của tôi bị mạo danh Tạ Tỵ).

Richard cũng gặp những người có liên quan, rồi ông lại quay lại VN gặp tôi và nhà sưu tập Vũ Xuân Chung lần nữa.

Tôi tin rằng với những dữ liệu ông ấy có được thì bài báo lẽ ra còn dài hơn nữa. Nhưng chắc do khuôn khổ bài báo có hạn, nhà báo Mỹ chỉ đưa được những nét chung nhất nhưng trung thực về thị trường tranh VN.

Có thể thấy sau khi vụ phát giác tranh giả và mạo danh tranh của tôi xảy ra từ 2016 nhưng không xử lý nghiêm nên nó vẫn liên tục xảy ra tiếp.

Chúng ta đã có một cơ hội để xử lý rốt ráo nhưng rốt cuộc lại buông trôi đi mất. Chính vì vậy các vụ tranh giả vẫn liên tiếp nở rộ như tranh giả của Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Đặng Xuân Hòa và gần nhất là Phạm An Hải.

Có thể thấy rõ dù vạch mặt được kẻ gian, cứ tưởng “mười mươi nó chết đến nơi” mà cuối cùng nó lại chẳng bị làm sao cả.

* Anh có cho là nhà báo Mỹ đã nói quá lên không, khi cho rằng sự kiện của anh tiêu biểu, gây chấn động giới hội họa Việt, và là một sự thật đáng xấu hổ của thị trường tranh Việt đầy gian lận?

- Quả thật đây là một sự kiện chấn động thật. Thật ra thị trường tranh giả đã tồn tại ở nước ta từ bao nhiêu năm nay rồi chúng ta chưa có cơ hội xử lý.

Mọi người đã buông tay, bỏ qua một cơ hội có thể phá vỡ thị trường tranh giả và lấy lại vị thế của mỹ thuật Việt.

Sự kiện chấn động, vậy mà chúng ta đã bỏ qua một cơ hội đã giải quyết vấn đề tranh giả một cách triệt để, ra ngô ra khoai mà trước nay vốn rất khó xâm nhập.

Một chấn động nữa là một cơ hội như thế mà các cơ quan chức năng lại chẳng làm gì cả. 

Nên theo tôi, nhận xét trên của nhà báo Mỹ là hoàn toàn đúng, không có gì quá đáng cả.

Các bằng chứng rằng bức tranh Trừu tượng ký tên Tạ Tỵ là tranh của Thành Chương - Ảnh: ĐẠI VIỆT
Các bằng chứng rằng bức tranh Trừu tượng ký tên Tạ Tỵ là tranh của Thành Chương - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Tặc lưỡi buông tay vì thất vọng

* Hai nhà đấu giá lớn thế giới là Sotheby’s và Christie’s từng nhiều lần bị cáo buộc đã bán đấu giá tranh giả Việt Nam, với sự liên đới của chuyên gia mỹ thuật người Pháp Jean-François Hubert.

Anh có nhận xét gì về vai trò của ông Hubert ở đây? Và anh có tin tưởng vào sự trong sạch của Sotheby’s và Christie’s khi bán tranh VN không?

- Về ông Hubert, thì việc này đã “3 năm rõ 10 rồi”, cụ thể nhất là trường hợp tranh tôi bị mạo danh là Tạ Tỵ. Khi nhà báo Mỹ xin gặp để trao đổi, ông Hubert đã từ chối không dám gặp.

Còn về vấn đề xử lý thị trường tranh giả Việt, nếu nói dễ thì không phải dễ, nói khó cũng không phải khó. Nếu quyết tâm vẫn có thể xử lý được.

Nếu chúng ta cứ đổ cho việc “cơ quan này, cơ quan kia không đủ phương tiện xác minh, hoặc không đủ chức năng giữ tranh giả…” thì chỉ là cách nói thôi.

Những vụ thế này lẽ ra nếu chúng ta cần phải xử lý triệt để tận cùng vì sự việc này không chỉ trong giới hạn trong nước mà đã là tầm quốc tế.

Lẽ ra chúng ta đã có thể phá được một đường dây làm hàng giả, hàng lậu xuyên quốc gia, trị giá hàng triệu USD, ảnh hưởng tới cả bộ mặt văn hóa nghệ thuật của cả một đất nước.

Lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể nhờ Interpol quốc tế cùng các cơ quan chức năng quốc tế cùng vào cuộc điều tra. Nếu chúng ta định làm thì chẳng có gì mà không làm được cả.

Tôi cũng thực sự không hiểu tại sao hai nhà đấu giá Sotheby’s và Christie’s vẫn luôn sử dụng ông Hurbet, dù sự việc đã xảy ra.

Điều nay đã đánh lên một câu hỏi rất lớn. Liệu họ có gì liên quan tới nhau không? Trong đầu mọi người đều treo lơ lửng một câu hỏi như vậy. Còn cụ thể như thế nào thì chưa ai dám kết luận.

* Vấn nạn tranh giả ở VN đã từng bị các họa sĩ tố cáo nhiều lần nhưng chưa bao giờ được xử lý rốt ráo, theo anh lý do tại sao?

- Hiện nay đã có quá nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị xoay quanh vấn đề này. Và chúng ta đã nói rất ghê, rất hay về vấn đề bảo vệ văn hóa, nhưng khi đụng chuyện thực tế cần làm thì gần như không có một sự đụng đậy gì, lại đổ thừa cho vấn đề này, vấn đề khác.

Thậm chí cả khi đã mắt tận tay, day tận mặt, bắt được giao cho các ông ấy xử lý rồi mà các ông ấy còn không nhận, lại lờ đi, để chúng tẩu tán mất.

Như vụ tranh mạo danh của tôi là một ví dụ điển hình rất cụ thể. Đen trắng rõ ràng, mời cơ quan chức năng giữ mà họ cũng không giữ, mời họ vào họ cũng không chịu vào để xử lý.

Tất cả các cơ quan chức năng hoặc không lên tiếng, hoặc nói nước đôi, toàn né tránh trách nhiệm.

Nói thật khi bắt tay vào cuộc này, tôi từng có chút niềm tin và hy vọng, nhưng đến bây giờ, chưa nói đến người khác, mà đến chính tôi cũng thất vọng muốn buông trôi, không muốn đụng vào để đỡ mất thì giờ.

Vì mọi trách nhiệm của người công dân, người nghệ sĩ mà tôi đã thực hiện thì đến thế là hết cỡ rồi, cũng không thể làm gì hơn được.

Còn nhiều vấn đề pháp lý nữa. Mà họ đã lờ thì thôi, đành chịu, chả biết làm thế nào cả. Nói thật là tôi đã phải tặc lưỡi, thôi kệ vì chán. 

Không hy vọng gì, và sự việc tranh giả cứ thế lại tiếp tục thôi với mức độ dày đặc hơn nữa, ngang nhiên hơn nữa, coi thường tất cả thiên hạ hơn nữa. Có bị xử lý gì đâu mà tội phạm nó không nhơn nhơn.

Vợ chồng họa sĩ Thành Chương cùng nhà báo Mỹ New York Times Richard C.Paddock - Ảnh: ĐẠI VIỆT
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương cùng nhà báo Mỹ của tờ The New York Times, Richard C.Paddock - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Vấn đề là con người

* Tranh Việt đã từng bán được cả triệu USD trên thế giới, gần đây bán đấu giá rất sôi nổi ở Sài Gòn và Hà Nội, nhưng cả nước lại không hề có nổi một trung tâm đầy đủ máy móc kỹ thuật cùng các chuyên gia kiểm định tranh giả - tranh thật. Theo anh, thực tế này có đáng buồn không?

- Tôi thấy dường như người nào có thân thì người ấy lo chứ chả ai quan tâm đâu. Họ không ăn được gì ở đây nên họ lờ đi thôi. Ai bức xức cứ bức xúc. Chả ai quan tâm đâu.

Ngoài ra, nếu có trung tâm kiểm định tranh giả - thật đi nữa còn cần nhiều yếu tố khác nữa, chứ không phải cứ có trung tâm là hết tranh giả, mà nó chỉ bớt đi thôi.

Ít ra thì khi có trung tâm kiểm định thì đồ giả cũng phải mất công sức làm cho ra đồ giả với trình độ khó phân biệt, khiến người ta phải dùng khoa học kỹ thuật để phân biệt và chứng minh.

Nhưng tranh giả VN xin lỗi nhé, nhảm nhí tới mức nhìn cái biết ngay. Đấy, cứ nhìn lại 17 bức tranh trở về từ châu Âu nó ngô nghê, ngớ ngẩn, kém như thế, nhìn ai chả biết, cần gì phải trung tâm kiểm định.

Vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không thôi, và rõ ràng là chúng ta không muốn làm. Vấn đề là con người chứ không phải là trung tâm, máy móc.

Cốt yếu là vấn đề tư tưởng của những người chủ trì là không muốn làm. Nếu thực sự chúng ta muốn quyết tâm chống tranh giả thì sẽ làm, sẽ dựng trung tâm, làm cái nọ cái kia lên.

Nhưng ở đây rõ ràng là họ không muốn làm, không muốn giải quyết tranh giả. Đơn giản thế thôi.

* Vừa qua, vụ họa sĩ Phạm An Hải phát giác có 1 bức tranh giả và 2 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng mạo danh tên Phạm An Hải.

Phải chăng tranh bị mạo danh đang là một biện pháp đang được ưa chuộng của giới buôn bán tranh giả?

- Thực ra trước đây tôi thấy tranh giả là chính, gần đây mới rộ lên tranh mạo danh. Có lẽ đám làm tranh giả đã học hỏi từ vụ tranh mạo danh của tôi.

Điều lạ kỳ là tất cả các tác giả bị mạo danh đều đang đang sống nhưng bọn chúng coi thường pháp luật tới mức vậy.

Pháp luật không nghiêm thì chúng cứ nhơn nhơn như thế đấy, có coi ai ra cái gì đâu.

Trái với sự phản ứng quyết liệt như tôi từng làm khi phát hiện ra tranh bị mạo danh là lập tức gửi đơn từ phản ảnh lên các cơ quan chức năng, phần lớn các họa sĩ khác chỉ biết kêu trên mạng xã hội và ngồi chờ pháp luật xử lý kẻ có tội, trong khi điều này hẳn rất khó.

Nói thật là với vụ của tôi có làm đơn từ rõ ràng, ba năm rõ mười, nếu giải quyết thì đơn giản vô cùng mà còn chả ai động đậy gì nữa, nói gì các anh em nghệ sĩ khác còn tin tưởng được vào đâu. 

Giờ đến tôi còn tặc lưỡi thôi kệ nữa là. 

Chưa kể các hội hè, cơ quan chức năng vốn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ đều nói nước đôi nửa nạc nửa mỡ, không chịu đi thẳng vào vấn đề, né tránh hết.

Thực ra với những sự kiện lớn khi phát hiện ra tranh giả, rất cần đông đảo anh em nghệ sĩ cùng đứng lên cất tiếng có chung sức mạnh, thì nhiều nghệ sĩ đều nước đôi, vì họ thấy mất thì giờ cho những việc này.

* Theo anh, khi phát hiện ra tranh giả, tranh bị mạo danh, người họa sĩ cần làm gì? Và những kẻ làm giả tranh, buôn bán tranh cần bị xử lý ra sao mới đích đáng, đủ sức răn đe?

- Khi phát hiện ra tranh giả cần tịch thu, tiêu hủy ngay.

Lẽ ra vụ 17 bức tranh lần trước sau khi kết luận là tranh giả, mạo danh thì phải tưới xăng ở sân Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho thiêu hủy ngay như các trường hợp bắt thuốc giả chẳng hạn.

Và tùy vào mức độ giá trị tranh thế nào mà áp dụng mức độ tù theo quy định pháp luật.

Tại sao thói quen đốt pháo giao thừa hàng bao đời nay còn cấm được, bắt đội mũ bảo hiểm cũng làm được mà xử lý tranh giả lại không làm được?

Vấn đề là họ không muốn làm.

(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Thành Chương: tranh giả có bị xử lý gì đâu mà không nhơn nhơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO