Họa sĩ Tạ Thúc Bình sinh năm 1917 tại Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình nền nếp gia phong. Tốt nghiệp Thành Chung, đi làm một thời gian ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học khóa XV (1941-1945) cùng lớp với họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam. Thời sinh viên, ông tham gia tích cực phong trào sinh viên mỹ thuật cứu quốc trong trường đồng thời còn vẽ minh họa cho nhà sách “Sách Hồng”, báo “Học sinh”, “Tiểu thuyết thứ Bảy” với những minh họa, truyện tranh, tranh liên hoàn nhiều kỳ như truyện “Cảnh lâm hổ xám”, “Tấm Cám”… Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông hăng hái tham gia vẽ áp phích, tranh tuyên truyền cổ động cho phong trào Việt Minh Cứu quốc tại Bắc Giang.
Năm 1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ lên đường tham gia kháng chiến, Tạ Thúc Bình đưa vợ và các con tản cư về Ấp Sậu, Cầu Đen, huyện Yên Thế. Cùng với gia đình các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Kim Lân, gia đình họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nghệ sĩ Trần Hoạt… Ấp Sậu trở thành nơi tập hợp các văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến. Thời gian tham gia kháng chiến tại Ty Văn hóa khu XII, cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần (làng tranh Đông Hồ), ông thành lập xưởng tranh tuyên truyền, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó. Họ vừa vẽ, vừa khắc, vừa in. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc xâm lăng từ Bắc Giang được chuyển về các tỉnh và từ các tỉnh, các bức tranh lại được khắc lại, in lại để đưa về tận làng xã.
Năm 1947, được lời mời của Bộ Tổng Tư lệnh, họa sĩ Tạ Thúc Bình cùng họa sĩ Trần Văn Cẩn lên Đại Từ (Thái Nguyên) tham gia xây dựng khu nhà giao tế. Năm 1950 - 1951, ông về công tác tại Ty Thông tin tuyên truyền Thái Nguyên. Sau đó, ông còn giúp tỉnh Lạng Sơn thành lập Nha Thông tin tuyên truyền thị xã.
Nghệ thuật phục vụ kháng chiến của Tạ Thúc Bình đã được ghi nhận bằng giải thưởng lớn tại Triển lãm hội họa năm 1951 - một cuộc triển lãm lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là giải Nhất cho hai tác phẩm: Bộ tứ bình “Đóng thuế nông nghiệp” và tác phẩm “Chống giặc đồn làng”. Sau này khi về công tác tại Hội Văn nghệ Trung ương (từ 1952 đến 1954), Tạ Thúc Bình vẫn giữ được sự năng nổ, hăng say trong công việc. Ông vẽ tranh cổ động, kẻ khấu hiệu trên tường, trình bày in ấn sách báo và bản tin, tờ bướm, kể cả hóa trang, trang trí sân khấu.... Những tác phẩm được Tạ Thúc Bình sáng tác trong thời kỳ này đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, khích lệ lòng yêu nước, động viên quân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ.
Góp thóc vào kho” (1960)
Người thầy của tình thương và trách nhiệm
Nhắc đến họa sĩ Tạ Thúc Bình không thể không nhắc đến vai trò người thầy mà ông từng đảm trách. Năm 1954, ông là một trong những người đầu tiên cùng với họa sĩ Nguyễn Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Nam tham gia thành lập lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Gắn bó với trường trong khoảng thời gian dài (từ 1954 - 1985), họa sĩ Tạ Thúc Bình đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng bao thế hệ học trò. Họa sĩ Đỗ Hữu Huề - người học trò và cũng là đồng nghiệp của ông chia sẻ: “Trong giảng dạy, điều gây ấn tượng với tôi là thầy Bình yêu cầu học trò học mỹ thuật phải thực sự cầu thị, nghĩa là khi vẽ người, vẽ con vật, đồ vật, phong cảnh thiên nhiên… người vẽ phải quan sát những đối tượng này cho thấu đáo. Thầy Bình phân tích: không phải cố ghi cái vẻ ngoài của sự vật mà là tìm cái tinh thần, cái đặc điểm cốt lõi của nó. Vẽ cái gì thì phải rõ cái ấy. Không thể vẽ con trâu nhìn tưởng con ngựa, vẽ cây xoan nhìn như cây bưởi. Vẽ chưa đạt thì nên kiên nhẫn vẽ thêm, vẽ thêm là để luyện tay.”
Thầy Bình tận tụy và thương quý học trò như con, nhất là những học trò là học sinh miền Nam hay các em đến từ miền núi. Điều này thể hiện rõ trong những bài giảng và cả những đợt ông dẫn học trò đi thực tập. Họa sĩ Trương Bé nhớ lại: “Những lần dẫn học trò đi thực tế ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh và những nơi khác ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đều cùng ăn cùng ở với bà con và học sinh. Không quản ngại khó khăn gian khổ, ông tận tình chỉ bảo phương pháp ký họa bằng màu nước, mực nho… lấy tài liệu làm tác phẩm sau này. Ở đâu ông cũng được bà con và học sinh yêu thương, tin cậy. Chúng tôi học được ở ông lối sống giản dị, chan hòa, nhân hậu, tình thương và trách nhiệm…”
Còn họa sĩ Lê Đức Biết thì vẫn không thể quên hình ảnh của thầy Bình trong những năm tháng trường Mỹ thuật phải sơ tán lên Hà Bắc: “Thầy Bình kèm và trực tiếp góp ý, trao đổi chân tình đến từng học sinh, tuyệt đối không vẽ thay hay chỉnh sửa bố cục theo ý thầy. Trong tình cảm, thầy sống giản dị và lo lắng cho chúng tôi. Thầy thuộc và hiểu tính cách các học sinh ở các lứa tuổi, dân tộc, trình độ, hoàn cảnh… để khai thác tự lập và sáng tạo của từng người, phương pháp sư phạm của thầy nghiêm khắc nhưng tế nhị và dí dỏm...”
Họa sĩ của làng quê và trẻ thơ
Là người con của quê hương Kinh Bắc, với họa sĩ Tạ Thúc Bình quê hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác. Ông từng bày tỏ về quan điểm nghệ thuật của mình: “Với người họa sĩ, vẽ bằng chất liệu gì cũng quý, cũng tốt thôi. Với tôi, cái đẹp phải gắn với không gian mà người nghệ sĩ đã đến, đã sống, đặc biệt là ở quê hương mình. Tôi thích những tranh tôi vẽ về con người và cuộc sống quê hương Bắc Giang. Như: “Góp thóc vào kho”, “Mừng hội làng”, “Mùa lúa chín”... Với tôi, mỗi lần vẽ, tôi lại nhìn thấy ở đấy một vẻ đẹp mới, và càng vẽ thì cảm xúc càng dâng cao.”
Với quan điểm nghệ thuật này, họa sĩ Tạ Thúc Bình đã tạo được nét “duyên riêng” trong sáng tác của mình. Mỗi tác phẩm của ông đều toát lên sự mềm mại, đầy chất thơ của miền quê trung du Bắc Bộ nơi ông sinh ra và lớn lên. Xem tranh của ông, dễ dàng cảm nhận được sự hồn hậu, trong sáng mà cũng hết sức bình dị trong tâm hồn của người họa sĩ. Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành đánh giá: “Tranh của Tạ Thúc Bình thường phảng phất ít nhiều phong vị đồng quê, có chút bâng khuâng của cây đa, bến nước, con đò… cũng có nét duyên của những thôn nữ dập dìu trẩy hội, nhưng ông không có ý thi vị hay mỹ miều hóa những thứ đó, trái lại luôn lấy hiện thực làm khởi điểm. Nói một cách ngắn gọn thì Tạ Thúc Bình là một họa sĩ hiện thực mà nét bút đã đượm hồn quê đã làm hiện thực lên bức chân dung tự họa sáng sủa của ông trong nền mỹ thuật Việt Nam.”
Một mảng sáng tác mà họa sĩ Tạ Thúc Bình cũng đã dành nhiều tâm huyết đó là mảng tranh truyện dành cho thiếu nhi. Năm 1957, khi NXB Kim Đồng được thành lập, họa sĩ Tạ Thúc Bình cùng với họa sĩ Sĩ Ngọc, Mai Văn Hiến là những họa sĩ đầu tiên tham gia minh họa và vẽ truyện tranh cho nhà xuất bản. Rất nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử và truyện cho thiếu nhi như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Thy Thy Tống Ngọc, Phạm Hổ… đã trở nên sống động hơn qua những tranh vẽ của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Họa sĩ Tô Chiêm nhớ lại: “Những tranh truyện của NXB Kim Đồng mà họa sĩ Tạ Thúc Bình minh họa như cuốn “Tấm Cám”, “Bánh chưng bánh dày”, “Con cóc là cậu ông trời”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Sự tích Trầu Cau”… đã gắn bó với chúng tôi suốt quãng đời thơ ấu, và cho đến bây giờ vẫn luôn hằn sâu trong ký ức.”
Ông Nguyễn Huy Thắng, nguyên giám đốc NXB Kim Đồng ví von họa sĩ Tạ Thúc Bình là “người nhà” của nhà Kim Đồng. Cũng bởi vậy mà cuốn sách “Họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình: Dung dị một hồn quê Kinh Bắc” ghi lại những hình ảnh, những bức họa, những ký ức của bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình cố họa sĩ” cũng đã được NXB kịp đưa đến với bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đây cũng chính là sự tri ân sâu sắc của NXB Kim Đồng đối với cố họa sĩ - người đã có những đóng góp cho sự phát triển và trưởng thành của nhà xuất bản ngay từ thuở ban đầu.
Có thể nói, dù ở cương vị người thầy hay là một họa sĩ, Tạ Thúc Bình luôn là một tấm gương mẫu mực. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, ngắm lại những tác phẩm mà Tạ Thúc Bình đã vẽ trong nhiều thời kỳ; lắng nghe những câu chuyện kề về ông qua hồi ức bạn bè, học trò và cả người thân của ông càng cảm mến và trân trọng hơn về nhân cách, niềm đam mê và nhiệt huyết của người thầy, người họa sĩ vùng Kinh Bắc năm xưa.