Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025
Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, kỷ niệm 79 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2025) và gần 20 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ 17/4 đến ngày 20/4//2025, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đặc sắc nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Đây là dịp để khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, đồng thời tôn vinh vai trò của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là không gian đặc biệt để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động phong phú, đa dạng sẽ được tổ chức, bao gồm hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc huy động đồng bào tham gia tổ chức các hoạt động tại Làng; Báo công, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vào sáng ngày 19/4/2025. Đây là dịp để các cộng đồng dân tộc bày tỏ lòng tri ân đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có những đóng góp to lớn trong công tác đoàn kết dân tộc.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 là các màn trình diễn và giới thiệu di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc. Tại không gian của đồng bào Khmer, các nghi lễ Tết Chôl Chnăm Thmây sẽ được tái hiện sống động như việc rước Môha Sangkran hay dâng cơm cho các vị Sư sãi.
Ngoài ra, đồng bào Ê Đê từ Đắk Lắk sẽ tái hiện lễ cúng trưởng thành và giới thiệu không gian âm nhạc dân tộc với các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, chiêng tre, đàn T’rưng, cùng các điệu múa xoang đặc trưng. Các tiết mục này sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa của những dân tộc ít người này.
Một điểm đặc biệt nữa trong chương trình là không gian “Sắc màu văn hóa vùng cao xứ Thanh”, nơi dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa tái hiện lễ mừng cơm mới, một nghi thức nông nghiệp quan trọng trong đời sống của họ. Bên cạnh đó, các gian hàng du lịch của Sóc Trăng, Đắk Lắk và các tỉnh, thành khác cũng sẽ trưng bày những sản phẩm đặc trưng như cà phê, mật ong, các sản phẩm OCOP, mang đến một không gian đầy màu sắc văn hóa và du lịch.
Cùng với những hoạt động chính, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, dân ca, dân vũ đặc sắc, từ đó tạo cơ hội cho các dân tộc giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thể hiện tài năng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Với những hoạt động phong phú và đặc sắc, sự kiện sẽ là một trải nghiệm không thể bỏ qua đối với những ai yêu mến và muốn khám phá sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam./.