Công nhận Điện thờ và lăng mộ Ngô Thù là di tích lịch sử cấp Thành phố Huế
Điện thờ và lăng mộ Ngô Thù (thị xã Hương Thủy, TP Huế) gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Phù Bài từ thế kỷ XVI được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố Huế.

Ngày 4/4, UBND xã Thuỷ Phù (thị xã Hương Thủy, TP Huế) phối hợp Ban chấp hành làng Phù Bài tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố Huế Điện thờ và lăng mộ Ngô Thù.
Điện thờ và lăng mộ Ngô Thù (xã Thuỷ Phù, thị xã Hương Thủy, TP Huế) là những công trình quan trọng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Phù Bài từ thế kỷ XVI. Theo tư liệu lịch sử, năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, gia đình Ngài Ngô Thù (Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Phủ Quân) cũng theo phò tá và bắt đầu khai khẩn, mở rộng vùng đất Phù Bài với việc tổ chức khai thác khoáng sản, phát triển nông nghiệp, lập đội quân bảo vệ làng xã và góp phần củng cố thế lực của chúa Nguyễn tại vùng Nam Kinh thành.
Điện thờ Ngô Thù được xây dựng vào năm 1.600 trên nền nhà cũ của Ngài Ngô Thù và đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng công trình vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Lăng mộ Ngài Ngô Thù tọa lạc trên một vùng đất rộng hơn 16ha có địa thế phong thủy đặc biệt “Long chầu Hổ phục”.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Ái Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thuỷ (TP Huế) cho biết, việc công nhận Điện thờ và lăng mộ Ngô Thù là di tích lịch sử cấp Thành phố Huế không chỉ khẳng định công lao to lớn của Ngài Ngô Thù đối với vùng đất Phù Bài nói riêng, Hương Thủy nói chung mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của địa phương.



Hiện nay, Điện thờ và lăng mộ Ngài Ngô Thù còn lưu giữ hàng ngàn tài liệu hán, nôm quý giá như hoành phi, câu đối, sắc phong...