Họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam): “Nguyễn Gia Trí cũng là người vẽ minh họa và biếm họa nổi tiếng”
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ tiên phong và gắn bó với nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sáng tạo nghệ thuật và tìm tòi phát triển nghệ thuật sơn mài. Những tác phẩm do ông sáng tác đã đưa ông trở thành bậc thầy của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, nghệ sĩ hàng đầu, nổi tiếng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.
Không chỉ là một họa sĩ hàng đầu làm tranh sơn mài Việt Nam, Nguyễn Gia Trí còn là họa sĩ vẽ minh họa và biếm họa nổi tiếng. Các tranh ký họa, châm biếm, đả kích được đăng trên tờ Phong hóa và Ngày nay từ năm 1932 đến năm 1945 với các bút hiệu: RITG, GTRI, RIT là những chữ “Gia Trí” do sắp xếp thay đổi trật tự chữ cái hoặc viết tắt. Trường hợp không ký tên nhưng lại vẽ một con chuột chạy dưới gầm bàn gầm ghế, độc giả vẫn nhận biết là tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Cũng trong năm 1937, dân Bắc Hà bị nạn lụt ở mấy tỉnh đồng bằng cạnh sông Hồng nên Hội đồng TP. Hà Nội đã mở chợ phiên để lạc quyên nhưng chỉ tới tay người dân nghèo chưa đầy một nửa, còn một nửa đã rơi vào túi tiền của bọn tham nhũng. Nguyễn Gia Trí đã vẽ bức tranh đả kích mấy ông quan tham ăn chặn tiền của dân nghèo đăng trên báo Ngày nay số 78. Đối với đồng nghiệp họa sĩ cũng vẽ bức tranh hai nhà báo, một anh má phịnh ra không nói được phải bút đàm, còn một anh khác đứng trước mặt miệng bị bôi đen cũng phải bút đàm: mồm anh nhét đầy những kẹo thế kia còn nói sao được?
Tranh châm biếm đả kích của Nguyễn Gia Trí nhắm vào các nhân vật tai to mặt lớn kể cả quan Tây lẫn quan ta, những kẻ lợi dụng tín ngưỡng “buôn thần bán thánh”, những kẻ mê tín, những ký giả, nhà văn, bồi bút, kể cả những ông họa sĩ nịnh vợ, sợ vợ, đặc biệt là hình tượng ông Lý, ông Xã cổ hủ lạc hậu, hình tượng người dân quê sống trong tăm tối bùn lầy nước đọng và cả ở chốn thị thành trong những năm 30 của thế kỷ XX. Nhiều bức tranh đả kích in nguyên khổ của trang đầu tờ báo như Hội chùa Hương, Sự công bằng của thuế thân, Ban điều tra, Hội chợ Hà Nội 1936…
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Nhà LLPB Nguyễn Hải Yến (Chi hội trưởng Chi hội Phê bình mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam): “Chúng ta biết ơn sự lựa chọn của ông”
Năm 1922 tôi vào làm việc tại Sài Gòn, được một người bạn dẫn đến thăm họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Lúc này sức khỏe của ông đã yếu nhiều, không đi lại được. Giữa tôi và ông có một khoảng cách lớn về tuổi tác và nghề nghiệp, về sự am hiểu nghệ thuật. Câu chuyện luôn đứt quãng bởi ông còn im lặng, suy nghĩ rồi mới trả lời. Nhưng thật không ngờ khi nhắc đến họa sĩ Trần Văn Cẩn mắt ông sáng lên như nhận ra người bạn cũ kém ông hai tuổi. Ông nói rất nhỏ bằng tiếng Pháp “Cẩn et moi nous sommes de même promotion” (Cẩn và tôi học cùng một khóa). Bất giác tôi thấy sự giống nhau vô cùng giữa các thế hệ họa sĩ Đông Dương khi nhắc đến tên nhau, việc đầu tiên là họ nhớ đến người bạn cùng khóa còn biết bao sự kiện đã qua trong cuộc đời của họ, họ khó mà nhớ hết được.
Tôi nhìn hai bàn tay tài hoa của ông lúc này đang đan chắp vào nhau rung rung, những ngón tay dài điệu nghệ thuở nào trên tấm sơn mài lung linh ánh nước mà xót xa thương cảm. Những ngày miệt mài nghiên cứu về các họa sĩ cận đại, đề tài tôi được Bảo tàng Mỹ thuật giao phó để có nhiều tư liệu khi đi sưu tầm tranh tại các nhà tư nhân ở Hà Nội tôi không thể tưởng tượng được có ngày được tiếp kiến ông, nhìn thấy ông – họa sĩ Nguyễn Gia Trí – bậc thầy của tranh sơn mài Việt Nam.Vậy mà trước mặt ông tôi không thể trò chuyện được nhiều. Bà Trí đã đón tiếp và cho chúng tôi xem album ảnh gia đình chụp tác phẩm của ông. Vẫn là những tấm sơn mài trên nền vóc đỏ sơn son hay sơn đen thăm thẳm, vẫn là những cô gái Việt trong tà áo dài vấn vít sương khói chạng vạng buồn, những vỏ trứng trắng ngà làm mềm mại đường cong cơ thể. Những tranh lớn về đề tài lịch sử được đặt tại thư viện TP. Hồ Chí Minh. Vẫn là những hình ảnh đạm bạc của một họa sĩ suốt đời vì một niềm đam mê dữ dội, không bao giờ ngưng nghỉ. Ngay cả ngôi nhà ông ở những năm tháng cuối cùng của cuộc đời – số 493 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cũng già nua, ẩn dật, khiêm nhường như chủ nhân vậy.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến (Chi hội phó Chi hội Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam): Truyền thụ nghệ thuật trong xưởng họa
Sơn mài trong xưởng họa Nguyễn Gia Trí không chỉ là nơi sáng tác mà ở đó ông còn truyền thụ nghệ thuật. Ông hướng dẫn học trò biết nhìn cái đẹp, dạy kỹ thuật thể hiện, thậm chí có lúc cho trò giỏi tham dự thể hiện phác thảo tranh ông. Lối truyền nghề trong xưởng họa mà những danh họa châu Âu thường làm (như Rubens 1577 - 1640) đã từng dạy VanDych). Từ phác thảo chuyển sang thể hiện sơn mài thì từng công đoạn cụ thể đều được ông hướng dẫn và theo dõi thực hiện, sau cùng ông là người hoàn thiện. Những học trò được học tại xưởng của ông là niềm vinh dự và thu hoạch được rất nhiều.
Trong một lần đi sưu tầm tư liệu về mỹ thuật Đông Dương để viết lịch sử mỹ thuật tôi được họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp kể lại chuyện đã từng được thụ huấn trong xưởng sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Hồi đó Nguyễn Trọng Hợp và Huỳnh Văn Thuận đang là sinh viên trường mỹ thuật đã đến xin học thêm về sơn mài tại xưởng họa của Nguyễn Gia Trí. Nguyễn Gia Trí chấp nhận và giao việc cho Thuận và Hợp đi vẽ nghiên cứu, lấy tài liệu, Thuận đi vẽ những bụi cây còn Hợp vẽ những khóm sen tàn cuối hạ. Cả hai họa sĩ đem về những ký họa kỹ càng, chi tiết với hình họa vững vàng. Nguyễn Gia Trí khen “làm tranh mà tài liệu nghiên cứu kỹ, nắm chắc đối tượng như thế là tốt rồi”. Rồi ông hướng dẫn làm bố cục và thể hiện tranh sơn mài. Nguyễn Gia Trí bảo: “Vẽ tỉa, vẽ kỹ ở nghiên cứu nhưng khi sáng tác phải biết đơn giản, giữ lại cốt yếu và những chi tiết cần thiết trong mảng tranh lớn. Làm tranh không phải phóng to hay chép lại tài liệu. Cái quan trọng là tìm cái đẹp, làm rõ ý đồ sáng tác của mình.”
Một lần Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Trọng Hợp được thầy cho thể hiện trên bức sơn mài có các tấm vóc ghép lại. Khi thể hiện tấm vóc có hình các cô gái tắm, vẽ xong thì Huỳnh Văn Thuận đem ủ sơn cho khô. Vì chưa có kinh nghiệm nên khi ủ sơn đã để nhiều độ ẩm, nên hôm sau mở ra, lớp sơn vẽ da cô gái bị nhăn. Nguyễn Gia Trí không hài lòng bắt cạo đi, mài nhẵn và vẽ lại. Khi thể hiện tấm vóc vẽ hồ nước có những bóng của cọng sen và rong nước, vẽ xong khi đem ủ thầy Trí bảo trò ủ làm sao cho nhăn như hôm trước. Tưởng thầy vẫn còn giận chuyện hôm trước, Huỳnh Văn Thuận thưa: “Hôm trước ủ sơn bị nhăn, thầy bắt cạo đi, sao hôm nay thầy lại bảo ủ sơn cho nhăn là sao ạ”. Ông Trí không giải thích mà nói: “Tôi bảo thế nào, anh làm thế”. Huỳnh Văn Thuận y lời, làm theo cách ủ hôm trước. Hôm sau mở ra sơn nhăn đều một lượt. Nguyễn Gia Trí xem rồi lấy đá mài, nét vẽ và màu sơn cùng với những nếp nhăn hiện ra, phần diễn tả bóng nước và cọng sen đẹp lạ thường. Hai họa sĩ lúc này mới nhận thấy việc ủ sơn nhăn này là có dụng ý của thầy, điều mà ông đã phát hiện được từ sự hỏng của ủ sơn hôm trước. Với hiệu quả kỹ thuật ấy, Nguyễn Gia Trí lúc ấy mới bảo: “Sơn nhăn ở phần diễn tả da thịt thiếu nữ thì không thể đẹp nhưng ở phần tả bóng nước, dưới có những cọng sen có rong lại thích hợp. Nghĩa là cần phải biết sử dụng kỹ thuật đúng chỗ, trong thể hiện của các phần trong tranh mới tạo được sự phong phú trong diễn tả, mới có hiệu quả nghệ thuật”.
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận: “Người đã làm tình yêu hội họa trong tôi lớn dần”
Cách đây 1 năm (tháng 6/2017), khi tôi tổ chức triển lãm “Một tình yêu hội họa” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu với công chúng những tác phẩm trong bộ sưu tập của tôi, nhiều người đã đặt câu hỏi cho tôi về cơ duyên đến với mỹ thuật. Tôi chia sẻ với họ là tôi đến với việc sưu tập như một cái duyên. Cách đây gần 30 năm, tôi có giúp đỡ một gia đình họa sĩ khó khăn… đó là gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Và từ đó tình yêu hội họa trong tôi cứ lớn dần.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt – người đã theo cụ để học vẽ tranh sơn mài trong suốt 17 năm đã ghi lại tất cả những câu nói của cụ và in lại trong cuốn sách “Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo”. Thông qua những ghi chép ấy, mọi người hiểu họa sĩ Nguyễn Gia Trí hơn, như lời linh mục Thiện Cẩm nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí không chỉ là một họa sĩ danh tiếng mà còn là một đạo sĩ, có thể nói không ngoa như một thiền sư”. Cụ nói về sáng tạo và thực sự trong suy nghĩ, trong sáng tác của cụ là cả một kho tàng kiến thức mà nhiều người chưa hề biết mà có khi không thể tưởng tượng.
Xem tranh của cụ, chúng ta thấy toát lên vẻ đẹp lung linh huyền ảo; ta đọc được đức tính lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo của cụ; thấy được sự tìm tòi phát hiện, khám phá về quy luật, về âm dương, đúng sai, phải trái. Một đề tài thường được cụ vẽ phác thảo nhiều lần, ở nhiều góc độ, dùng nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau để thể hiện, trước khi hoàn thiện một bản thảo chính thức cho một tác phẩm sơn mài. Mọi chi tiết trong tranh (khuôn mặt, bàn tay, khóm hoa, bụi lá…) luôn được cụ vẽ nghiên cứu tỉ mỉ thành nhiều bản khác nhau, mỗi bản như một bức tranh. Mọi công đoạn của các phẩm sơn mài đều được cụ ghi chép trên bản thảo kể cả màu sắc, vật liệu, cả bằng chữ viết.