Hơn 200 em nhỏ và các bệnh nhân đang điều trị căn bệnh Tan máu bẩm sinh có cơ hội thưởng thức một đêm nghệ thuật ấn tượng với tên gọi “Dòng máu Lạc Hồng”.
Thông điệp “Chung tay đẩy lùi bệnh Tan máu mẩm sinh – Vì sức khỏe dòng máu Việt” được thể hiện qua các màn trình diễn thời trang, với bộ sưu tập của thầy và trò trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cùng phần vinh danh 14 bạn trẻ đạt giải vẽ tranh áp phích tuyên truyền về căn bệnh Tan máu bẩm sinh.
Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh thiếu máu do tan máu, di truyền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Thalassemia là bệnh máu di truyền có ở cả nam và nữ. Đây là căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới.
Viện Huyết học – Truyền máu TƯ để theo dõi chương trình. (Ảnh: Vũ Thái)
Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị suốt đời. Ước tính, khoảng 7% dân số thế giới mang gen bệnh Thalassemia.
Theo kết quả bước đầu khảo sát tình trạng mang gen bệnh Thalassemia trên toàn quốc năm 2017, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh, khoảng hơn 20.000 bệnh nhân cần điều trị, và mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị căn bệnh này
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Phó chủ tịch thường trực Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam phát biểu tại chương trình, cho biết: "Đây là căn bệnh khó chữa nhưng phòng bệnh hoàn toàn không khó. Điều đó cần sự chung tay của cộng đồng, tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội. Nếu chúng ta làm tốt công việc truyền thông, lan tỏa thông tin về căn bệnh tan máu bẩm sinh, những vấn đề liên quan đến phòng bệnh thì sẽ đẩy lùi được tỉ lệ sinh ra các cháu bé bị bệnh tan máu bẩm sinh”.
Có mặt tại chương trình, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam – top 5 Hoa hậu Thế giới 2018 H'Hen Niê đã chia sẻ về mong ước tất cả các bạn trẻ đều chủ động tham gia xét nghiệm máu trước khi kết hôn, để hiểu được về sức khỏe của mình, phát hiện kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ di truyền bệnh cho thế hệ sau.
Phần đặc biệt nhất của chương trình là câu chuyện của cô gái sinh năm 1990 Thái Thị Hương đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống để đối diện với căn bệnh Tan máu bẩm sinh. Và động lực để cô vượt qua được những sự kỳ thị, lo sợ là bệnh truyền nhiễm mà xa lánh của những người xung quanh chính là sự động viên, tình yêu thương của chàng trai dân tộc Mường mang tên Bùi Văn Tấn.
Sau lá thư đầy tình cảm viết riêng cho cô gái, thể hiện khao khát được gắn bó, chia sẻ mọi niềm vui và khó khăn trong cuộc sống, Ban tổ chức đã tạo cơ hội để chàng trai tỏ tình, trao nhẫn cầu hôn cô gái trên sân khấu được trang trí với 10.000 bông hoa loa kèn.
Tại chương trình, 33 chiếc xe đạp dành cho các bệnh nhi Thalassemia, 2 chiếc xe máy dành tặng cho những bạn trẻ đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống đã được trao tặng đến 35 bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Viện.
Chương trình do Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức, hướng tới kỷ niệm 33 năm ngày Thalassemia thế giới 8/5/2019.
Một vài hình ảnh ấn tượng của chương trình: