Hình phạt & bất tử

Phùng Văn Khai| 23/08/2020 11:13

Hình phạt & bất tử
Minh họa của Lê Huy Quang

Ký ức về những cuộc bắn giết luôn dội lên trong cựu binh A.R.M từ sâu thẳm, từ những bất an đâu đó gọi về, gọi về những cánh rừng nhiệt đới ngày ông cùng các chiến hữu nhảy dù xuống. Ký ức khó tan nhất là nòng những khẩu súng hướng vào căn hầm và trút lửa lên nó khi ông rời khỏi đó với một trò bẩn thỉu - dùng người phụ nữ tay không tấc sắt làm lá chắn.

Với hỏa lực như thế, người lính đội mũ cối phía bên kia và mẹ con thằng bé chắc chắn đã thành mây khói, một giết chóc không chủ định đã được khởi lên một cách hồ đồ không giống với bản tính thận trọng của ông. Khi chiến đấu, A.R.M luôn là một người thận trọng. Sau này cũng vậy, khi nhìn hình hài đứa bé con mình chỉ là một cục thịt với thiên thần tóc vàng ông đã hiểu ngay ra sự thể và trong đầu óc luôn hiện ra hình ảnh những thùng hóa chất được ném bừa từ chính các chiến hữu của ông, như những hố đen trùm xuống những cánh rừng bất luận ai đang ẩn nấp ở dưới ấy.

Đã có lúc, các chiến hữu còn sống sót từ cuộc chiến liên kết lại, chất vấn những âm mưu man rợ nhưng tất cả được dìm đi bằng tiền bạc. Những gã lính già quá mệt mỏi mau chóng biến đi cùng những đồng tiền không rõ xuất xứ và những liên kết thường nhanh chóng tan vèo như bọt xà phòng. A.R.M ngồi im, các đêm bây giờ với ông đều tĩnh lặng như nhau. Sau khi mất đứa con, một biến chuyển lớn đã diễn ra ở trong ông. Ông hiểu mình không còn nhiều thời gian, cái cơ thể cường tráng đang bắt đầu ọc ạch, chúng bắt đầu tố cáo sự già nua, một sự già nua đang nảy mầm, thứ mầm chậm chạp nhưng chắc chắn đẩy ông từ từ đến sự kết thúc. Tuổi tác là một cái gì luôn quá sức chịu đựng của con người, khi gánh nặng tuổi tác ập đến, con người mới thấy mình bé nhỏ, và ngoan ngoãn khuất phục, phục tùng chúng vô điều kiện? Nhiều lúc tự vấn, A.R.M luôn thấy mình liên tiếp mắc những sai lầm bất khả kháng, sai lầm từ cái ngày rời trường đại học nhảy dù xuống những cánh rừng, ông bàng hoàng nhận ra, khi nhẩm tính số lượng những thùng hóa chất được ném một cách có kế hoạch xuống mảnh đất ấy, ở dưới là những sinh linh. Nó cũng là một góc quả địa cầu mà thời sinh viên ông yêu chúng biết mấy, những bắn giết vô cớ nhưng đầy toan tính của người khác ngay từ đầu đã không hấp dẫn ông, sự dối lừa không đến với riêng ông mà đến với hàng vạn, hàng triệu người trong vòng cuốn xoáy của nó.

Ông rùng mình khi nghĩ đến con số triệu, hàng triệu đứa bé sẽ như con ông, thằng nhỏ chính tay ông chôn nó và trồng một cây thông trên đó. Hàng triệu cây thông liệu có mọc lên và sum xuê trên mặt đất không, những cây thông với miên man rễ cắm xuống lòng đất bao bọc và khắc lại một ước mơ, một thân phận, một niềm đau chôn kín. Ông rùng mình khi nghĩ tới con số triệu, không thể như thế, không thể nào, có những sự thật không ai dám thừa nhận vì chúng quá khủng khiếp. Ông như thấy tiếng lá reo của hàng triệu cây thông đang chõ vào ông, khoan vào trí não những âm sắc lạnh buốt. Bọn chúng có bao giờ nghĩ đến điều đó không, ngay trong cuộc chiến đã liên tiếp có những vụ tự vẫn của binh sĩ, cả những tướng tá ngông cuồng và hiếu chiến. Chúng tự vẫn vì cái gì nhỉ? Vì danh dự, sự đổ vỡ niềm tin, kể cả niềm tin nơi Chúa, kể cả niềm tin nơi nước Mẹ, kể cả niềm tin từ sự thù hận truyền kiếp? Những câu hỏi luôn vang lên đòi được trả lời, nhưng ở ông, không hiểu sao, mỗi ngày câu trả lời diễn ra mỗi khác, khác nhau nhưng đều chung một tiếng vang, một thôi thúc tìm về một đáp án khác ổn hơn nhưng ngày càng tuyệt vọng hơn. Không ít lần A.R.M đã định kết thúc mình bằng một vụ tương tự, một phát súng định mệnh vang lên đi thôi, ta còn chần chừ gì nữa, còn chờ đợi gì trong cái thế giới đầy bất trắc này, nhất là khi tuổi tác đang ập đến, một tuổi già cô đơn tàn lạnh đang tràn về, một tuổi già công nhiên dọa dẫm, chúng thở sát ở bên cạnh, chúng đã cất lời nói của chúng, chúng là mối đe dọa bền bỉ xiết bao với con người.

Đã nhiều khi A.R.M viện dẫn vào tình yêu và tình dục để chống lại tuổi già nhưng điều đó đều mau chóng tan vỡ, tan từ lâu, từ khi thiên thần tóc vàng quẳng thằng bé cho ông không một giải đáp. Kể từ ấy, niềm tin về tình yêu trong ông hoàn toàn mất hết, điều thiêng liêng từng xúi bẩy ông trong một phút ngông cuồng rời trường đại học sang những cánh rừng. Ông không xóa được khuôn mặt này, cả cái cách cuồng nhiệt của nàng luôn không chịu rời khỏi đầu óc ông sau bao nhiêu năm điều đó vẫn in hằn trong trí não đã tưởng mờ đi vì rượu, vì những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng liên miên. Nàng ở đâu? Liệu có đang rơi vào một bi kịch khác, con người vĩnh viễn không thể trốn khỏi các bi kịch đâu, đừng mơ hồ em ơi, nhưng cái cách nàng quẳng lại đứa bé thì chính ông mới là một kẻ hồ đồ, một gã thiểu năng, một tên xuẩn ngốc. Ai lại đi than vãn những mối tình đã chết, những mối tình được gắn vào một cơn gió thoảng, một cánh bướm mỏng, một biến chuyển thời tiết của đàn bà.

Điều này ông đã từng nghĩ đến nhưng như những cám dỗ khác không sao rũ được, những suy nghĩ xuẩn ngốc luôn là những suy nghĩ bám dai dẳng nhất. Nàng có biết thằng bé đã yên nghỉ và cây thông ông trồng để đánh dấu không, đã biết bao nhiêu lần ông ngồi rình những người đến bên cây thông nhưng tuyệt nhiên không có một người đàn bà. Họ đã chết, nàng đã chết hay suy nghĩ của ông đã chết, những người đến bên cây thông thường là những ông già, rất già. Họ mân mê từng nhánh lá, ngước nhìn và lầm rầm điều gì đó, thảng hoặc cũng có những cô bé cậu bé, chúng nô đùa với người bạn nhỏ dưới lòng đất, chúng thậm chí vặt những nhánh lá rượt đuổi nhau. Những lúc ấy, lòng ông bỗng trỗi lên một cảm xúc khó tả, một cảm xúc như một niềm ân hận và hình ảnh những khẩu súng đồng loạt chĩa về phía căn hầm nơi có mẹ con cậu bé và người lính đội mũ cối cùng tiếng vang lên của đạn AK yếu ớt, rời rạc. Ông như thấy cậu bé ở trong hầm vụt sáng như một quầng lửa lao thốc ra khỏi căn hầm và người lính phía bên kia rực lên một cái nhìn uất nghẹn về phía tên phản trắc như một kết án vĩnh viễn. Thằng bé ấy bây giờ đang nô đùa đấy ư? Chúa đã phạt ông dẫn đến cây thông kia ư? Mọi lẽ công bằng được thể hiện ngay trong mình, ông đã từng tin nhưng cũng đã từng mất lòng tin ở Chúa.

Lòng tin là một cái gì quá đỗi chập chờn đối với một con người như ông. Những thằng bé nô đùa chán rồi cũng bỏ đi, những ông già bần thần ngơ ngác mãi rồi cũng bỏ đi. Chỉ cây thông mãi định vị ở nơi ấy, nó rì rào, xào xạc chuyện trò với thằng bé. Nó kiên nhẫn hơn ông, đức tính của cái cây hơn hẳn đức tính của con người, trước sau như một, không suy suyển, không thay đổi. Chúng sống hòa bình với nhau một cách đầy tự nhiên mà con người không sao học được. Chúng che chở, thậm chí đứng ra bảo vệ những linh hồn, điều mà con người vĩnh viễn không làm được. Những điều ấy, than ôi, sao vẫn dày vò ông dai dẳng. Hay kiếp trước ta đã mắc nợ điều gì? Kiếp trước hẳn tổ tông ta đã gây ra những lỗi lầm không thể dung tha? Và kiếp này, sao lại vẫn là ta, sao lại vẫn là tội tình tiền kiếp?

***

Người lính mũ cối phía bên kia không chết, anh đã trở thành bất tử kể từ lúc vẫy thằng bé lại, gỡ chiếc bi đông nước, khẩu phần sống quý giá trao cho nó trong khoảnh khắc A.R.M rút dao găm khống chế người đàn bà làm lá chắn cho mình. Về tính mạng phải bình đẳng chứ, làm gì có sinh mạng lớn bé hơn kém nhau, trước cái chết mọi người đều bình đẳng, điều này anh hiểu quá rõ, hiểu từ tấm bé khi còn lẫm chẫm ở các triền sông đội mũ rơm nghe tiếng bom đi học. Người lính thuở nhỏ rất thích đánh kẻng là một quả bom câm đã được cưa đôi. Tiếng vang của kẻng gọi học sinh đến trường hòa trong tiếng bom là một âm thanh quen thuộc với người lính. Khi anh trao bi đông nước cho cậu bé, cậu bé nở một nụ cười tin cậy với anh, chỉ chừng ấy thôi, chỉ chừng ấy anh đã thành bất tử. Chiến tranh mà, chiến tranh bao giờ cũng có lý lẽ riêng, nhưng lý lẽ của mỗi người lính khác chiến tuyến khác xa nhau, điều đó thuộc về các dòng sông, thuộc về các nền văn minh và các nền văn hóa. Tổ tiên anh khác xa tổ tiên người phía đối phương, không phải là ngôn ngữ mà là những tầng cội rễ cấu tạo nên mỗi con người. Chắc hẳn sau lúc rời khỏi căn hầm, người thiếu phụ đã xóa hết mặc cảm với người lính đã bắt mẹ con chị làm tù binh, một cái gì đã và đang nhen lên trong chị. Chị nhìn người lính sạm thuốc súng như một thỏi thép với cái nhìn khác hẳn. Đứa bé, (sao lại là đứa bé) chạy đến nâng chiếc bi đông, rồi bất ngờ, nó trao lại cho người lính.

Người lính mỉm cười, một giọt nước mắt rơi xuống bàn tay cậu, giọt nước mắt hiếm hoi thấm vào bàn tay nhỏ xíu nhưng tất cả nhanh chóng tan vỡ trong khoảnh khắc. Khi ấy, A.R.M đã rút được ra ngoài, đã trở thành một chỉ huy với chức năng bắn giết và hạ mệnh lệnh trút tiếng nổ về nơi người ta vừa tha mạng sống cho mình (chiến tranh mà). Quái quỷ, tại sao mọi thứ lại được giải quyết một cách quái quỷ như thế. Người lính đội mũ cối trầm tư. Anh đã bất tử ư? Điều không mong muốn ấy đối với anh so thế nào được tiếng thì thầm của dòng sông thơ ấu? Ai mà không muốn trở thành bất tử? Còn ai không mong muốn điều đó? Anh chỉ suy nghĩ về những điều này khi anh bỗng nhiên hóa thành bất tử. Khi điều đó chưa xảy ra. Khi anh cùng đồng đội ở trong những cánh rừng. Đói. Khát. Hy vọng. Tuyệt vọng.

Nhưng tuyệt nhiên không có cái cảm giác tham vọng trở thành bất tử. Tại sao thế? Điều này liệu có cần phải giải thích không? Đất nước anh đã âm thầm dạy anh điều đó. Điều đó đã được truyền đi, thì thầm trong từng thớ đất dưới chân, từng hạt máu trong người. Con gái con trai ở đất nước anh nó thế. Cứ như là khờ khạo, nhút nhát vậy thôi, mà làm nên những tượng đài, mà làm nên sự bất tử. Điều này đã được chứng minh từ hàng ngàn năm nay rồi. Không chỉ bằng sử sách, mà còn bằng cả sự khiếp sợ của những kẻ xâm lăng khi chúng đến đất nước này. Bất chợt, Người bất tử mỉm cười. Anh bỗng nhớ về mẹ. Anh bỗng nhớ về người con gái quê anh, nơi dòng sông ấy, nơi cánh đồng ấy, họ đang úp mặt xuống đất, úp mặt xuống những dòng sông và úp mặt vào nhau, sinh sôi, bời bời, đơn giản, khờ khạo, nông nổi và sẵn sàng đi vào bất tử.
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Hình phạt & bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO