Hào hứng trải nghiệm rối nước

Miên Thảo| 05/04/2018 09:00

Theo khung chương trình, khán giả sẽ được trải nghiệm rối nước cùng các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long chừng 15 phút. Thế nhưng, buổi trải nghiệm này đã kéo dài đến hơn nửa tiếng...

Hào hứng trải nghiệm rối nước
Cô bé Honey Htun đến từ Myanmar thích thú trải nghiệm điều khiển con rối. Ảnh: HT
Đón tiếp đoàn thí sinh quốc tế về tham dự Kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng 2018 (HOMC 2018) vào ngày cuối tháng 3, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã “đãi” các em những trò múa rối nước cổ truyền đặc sắc như màn: Tễu giáo đầu, long ly quy phượng, vợ chồng thuyền chài, ngày mùa, múa tiên, đấu võ, cáo bắt vịt... Các em học sinh đến từ Ba Lan, Ghana, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Hungari... đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cũng bởi lẽ, gần như đây là lần đầu các em được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước độc đáo mà trước đó mới chỉ nghe kể. Trong làn nước xanh ngắt của thủy đình nho nhỏ, những con rối được làm bằng gỗ sung rất khô cứng vậy mà qua bàn tay người nghệ sĩ lại biết kể những câu chuyện dí dỏm, hài hước về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, ước mơ... của người nông dân Việt Nam. Nào là chuyện cấy cày siêng năng của nhà nông, chuyện hội làng bơi chải, đấu vật rộn rã, nào là chuyện vinh quy bái tổ, chuyện Lê Lợi trả gươm thần... Có học sinh đã bật cười khi thấy rối bơi sải, bơi ngửa, trồng cây chuối... Có học sinh ngơ ngác không hiểu sao rồng lại phun được nước, được lửa... Thêm vào đó không gian biểu diễn luôn rộn ràng tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn bầu... cùng tiếng hát chèo. Và, những chiếc smartphone giơ lên ghi trọn trò diễn.

Các em học sinh say sưa cùng các trò diễn bao nhiêu thì lại say sưa với những trải nghiệm cùng rối nước bấy nhiêu. Sau những giây phút ban đầu còn ngại ngần, các thầy cô giáo cùng học sinh ai ai cũng muốn được xuống nước điều khiển rối. Lùng thùng trong bộ quần áo cao su, cô bé Honey Htun đến từ Myanma hăm hở xuống thủy đình. Nhận điều khiển con cá chép, Htun cố gắng đẩy cây sào ngang dọc mà cá chép vẫn nằm im chứ chẳng thể quăng mình nhảy vọt lên khỏi mặt nước. Người nghệ sĩ đứng kế bên liền cầm tay Htun hướng dẫn. Cô bé cười sung sướng, liền miệng cảm ơn... “Lần đầu tiên em được xem múa rối nước. Không có từ nào để diễn tả sự thích thú đặc biệt này đối với em. Nhất là khi được trực tiếp trải nghiệm, em lại càng khâm phục hơn tài nghệ của những người nghệ sĩ. Thật không dễ chút nào để những con rối ấy cử động một cách uyển chuyển như vậy...” – Htun nói.

Đấy cũng là những cảm nhận mà thầy Hafiz đến từ Malaysia bày tỏ. Dù ở Malaysia cũng có múa rối nhưng là múa rối cạn còn đây là lần đầu tiên thầy Hafiz được thưởng thức và trải nghiệm cùng nghệ thuật múa rối nước. Được trải nghiệm điểu khiển con rồng, với thầy sự ngạc nhiên còn ở chỗ: “Sao lúc xem trò diễn, con rối chuyển động như không thật dễ dàng mà khi được thử sức lại khó đến vậy?. Đã thế người nghệ sĩ còn đứng nấp sau bức mành để điều khiển chúng một cách thuần thục nữa chứ?” – Thầy Hafiz bày tỏ sự tò mò.

Rất nhiều lần Ban tổ chức thông báo đã đến giờ ra xe nhưng những khán giả đặc biệt ấy vẫn nì nèo xin nán lại đôi chút. Các nghệ sĩ cũng nhiệt tình hướng dẫn, trò chuyện. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc –Trưởng phòng tổ chức biểu diễn Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Như bạn vẫn biết, Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn đỏ đèn suốt 365 ngày nhưng vẫn dành thời gian để tổ chức những chương trình biểu diễn và trải nghiệm cùng nghệ thuật múa rối nước theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Mỗi show diễn này thường mất nhiều thời gian và công sức của nghệ sĩ nhưng luôn đem lại hứng thú cho người xem. Vì thế, bên cạnh lịch biểu diễn thường xuyên, nhà hát sẽ tiếp tục đem đến cho khán giả nhiều trải nghiệm hơn nữa với múa rối nước, không chỉ là du khách quốc tế mà cả với khán giả Việt Nam.” 
(0) Bình luận
  • Thưởng lãm 70 tác phẩm mỹ thuật về chiến thắng Điện Biên
    Sáng ngày 3/5/2024 tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức.
  • Ấn tượng triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”
    Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 10/2024.
  • Trưng bày “Khoảng trời mới”: Tri ân thế hệ cha anh, lan tỏa truyền thống nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc
    Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trưng bày chuyên đề “Khoảng trời mới” vừa được khai mạc và diễn ra đến hết ngày 30/9/2024.
  • Trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”
    Ngày 25/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ Khai mạc Trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) và ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954-21/7/2024).
  • Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”
    Với hình thức trực tuyến, triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên nhằm phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố. Triển lãm “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” sẽ diễn ra vào ngày 26/4.
  • Triển lãm ''Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam''
    Tối 20/4, Triển lãm "Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam" chính thức khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ. Đây là một trong chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên năm 2024, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024 - 7/5/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hào hứng trải nghiệm rối nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO