Xác định phòng ngừa là chính và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trong năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Từ đó, đã tạo chuyển biến trong phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực.
Đồng bộ các giải pháp
Việc công khai, minh bạch được TP xác định là một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Trong đó, công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn… Đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... TP cũng tăng công khai, minh bạch trong thông tin đấu giá quyền sử dụng đất; các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát việc thực hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
TP đã triển khai kiểm tra 292 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Cùng với đó, Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường để kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Trong kỳ báo cáo có 198 cán bộ, công chức được chuyển đổi vị trí công tác, trong đó tập trung nhiều ở khối quận, huyện.
Trong năm 2020, TP cũng đặc biệt chú trọng phòng, chống tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó với mục tiêu phòng ngừa là chính, TP đã tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động điều hành…
Xóa bỏ tình trạng “xin - cho”
Để phòng ngừa sai phạm, TP đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra nội bộ. Cùng với đó, TP cũng tập trung thanh tra, kiểm ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Qua đó, cũng đã phát hiện các vi phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ vi phạm. Tuy đạt kết quả tích cực, song TP cũng nhận định, tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, lĩnh vực rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm công… Tại một số đơn vị, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ còn ít.
Để khắc phục các hạn chế, trong thời gian tới, TP xác định tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, chỉ ra những khâu yếu, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, khiếu kiện, để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Xác định những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, nhất là những lĩnh vực: Công tác cán bộ, quản lý đất đai, xây dựng, tài chính. Triển khai Chương trình công tác số 10 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…
Đặc biệt, TP sẽ tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Xóa bỏ tình trạng “xin - cho”, tập trung trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, tài chính, quản lý tài sản công… Đồng thời, tăng kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng…
Thống kê về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, vi phạm năm 2020 cho thấy, Công an TP đã thụ lý điều tra 48 vụ - 88 bị can (trong đó kỳ trước chuyển sang 21 vụ - 9 bị can, khởi tố mới trong kỳ gồm 25 vụ - 21 bị can, án điều tra bổ sung 2 vụ - 9 bị can). Đã có kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát các cấp đề nghị truy tố 16 vụ - 38 bị can; đang điều tra 23 vụ - 37 bị can... Tổng số thiệt hại là trên 238 tỷ đồng, tổng số thu hồi là hơn 40 tỷ đồng. |