Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần đáng kể vào quá trình đổi mới chung của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức trên 7,4% từ năm 2011- 2018, Hà Nội được xác định là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là đầu tàu kinh tế của khu vực miền Bắc.
Năm 2018, Hà Nội đóng góp 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước. Hà Nội đã xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045...
Về mối quan hệ hợp tác với Italy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết, Italy hiện có 26 dự án đầu tư hoạt động tại Hà Nội với tổng vốn đăng ký trên 39 triệu USD trong các lĩnh vực nổi bật gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; thương mại bán buôn, bán lẻ; dịch vụ chuyên môn, công nghệ thông tin và xây dựng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Italy cũng đã tham gia góp vốn, mua cổ phần trong 7 DN Việt Nam với giá trị trên 3,2 triệu USD. Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất nhập giữa Hà Nội và Italy năm 2018 đạt 387 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu gồm: giày dép, cặp túi, máy móc thiết bị phụ tùng, sản phẩm dệt may, nông sản các loại...
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, kết quả trên còn khá khiêm tốn so với bề dầy quan hệ chính trị giữa 2 nước. Tuy nhiên, hiện đang có bước phát triển tích cực đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực từ năm 2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có thể sẽ được ký kết trong thời gian tới. EVFTA là Hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh Châu Âu với một quốc gia đang phát triển của Châu Á, sẽ là bước quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành, lĩnh vực; cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh, cũng như thể chế giúp Việt Nam cơ cấu lại xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU, trong đó, có Italy, được dự báo tăng trưởng nhanh hơn do việc thực hiện EVFTA sẽ khắc phục được một số quan ngại của các nhà đầu tư EU như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, môi trường và tăng trưởng bền vững góp phần thực hiện định hướng, chính sách thu hút FDI chất lượng và hiệu quả hơn, phù hợp với trình độ phát triển của nước ta và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực ngân sách, huy động nguồn lực xã hội đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị như: trồng 1,6 triệu cây xanh; 100% dân số sử dụng nước sạch vào năm 2020; chiếu sáng đô thị bằng đèn Led; hạ ngầm cáp điện, truyền thông trên các tuyến phố; cơ giới hóa thu gom rác thải, xử lý rác thu hồi năng lượng theo công nghệ mới…
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; TP thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường… Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, với tiềm năng và thế mạnh là Thủ đô của đất nước, trong bối cảnh của một thị trường năng động bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành một Thủ đô “xanh, vắn hiến, văn minh, hiện đại” với các giá trị hướng tới là một đô thị thông minh. Điều này hứa hẹn Hà Nội sẽ là một TP đáng sống và là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các DN trong và ngoài nước.