Ông Fujihara Tadahiko cho biết, thời gian qua, làng Kawakami tiếp nhận rất nhiều người lao động Việt Nam và đội ngũ này đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của làng. Quá trình hợp tác giữa làng Kawakami với Thủ đô Hà Nội về nông nghiệp, nhân lực và chuyển giao công nghệ cũng góp phần hướng tới một mối quan hệ bền chặt, thân thiết và tốt đẹp hơn nữa giữa hai nước.
Ông Fujihara Tadahiko mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội có dịp sớm thăm lại làng Kawakami để hai bên có những trao đổi cụ thể hơn nhằm phát huy tiềm năng hợp tác.
Nhân dịp này, lãnh đạo công ty Koganei Seiki (doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất linh kiện cho nhiều loại động cơ như máy bay, tên lửa, xe đua F1…) có mặt trong đoàn công tác cũng mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cơ khí công nghệ cao tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, với nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu về văn hóa, du lịch, đầu tư, giáo dục, các sản phẩm của Nhật Bản luôn được người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đón nhận và ưa chuộng.
Nhắc lại chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản vào tháng 6-2018, trong đó có chuyến tham quan và làm việc tại làng Kawakami, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, làng Kawakami và công ty Koganei Seiki là những mô hình tiêu biểu của Nhật Bản và thế giới trong việc hướng tới những sản phẩm có giá trị tốt nhất.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội rất mong muốn học hỏi và phát triển mô hình của làng Kawakami tại một số khu vực có khí hậu tương đồng ở Thủ đô, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về đào tạo nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao cũng như nhiều lĩnh vực quan trọng khác như giao lưu doanh nghiệp, đoàn thể, trao đổi học thuật…
Thành phố Hà Nội cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực, nhà ở cho công nhân…
Làng Kawakami có dân số ước tính hơn 4.000 người, được mệnh danh là làng Thần kỳ của Nhật Bản với thành tựu vượt bậc về phát triển nông nghiệp, từ vùng đất cằn cỗi trở thành nơi chuyên canh rau quả giá trị cao hàng đầu của Nhật Bản. Năm 2017, làng Kawakami đạt doanh thu khoảng 170.000 triệu USD từ sản xuất rau (dù chỉ sản xuất trong 4 tháng/năm).