Sự kiện & Bình luận

Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Đề án 06 Chính phủ

Quỳnh Chi 29/06/2024 08:23

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, đánh giá, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Đề án 06 Chính phủ, qua đó đem lại lợi ích, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, đáng sống.

Thành quả có được đến từ nỗ lực cao độ của toàn hệ thống chính trị

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, Thành phố Hà Nội là một trong các địa phương được Chính phủ lựa chọn, tổ chức triển khai thí điểm Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) ngay từ những ngày đầu năm 2022. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ đánh giá rất cao về phương pháp triển khai Đề án 06 của Thành phố Hà Nội, trong đó thể hiện rõ “quyết tâm chính trị” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

bo-truong-quang.jpg
Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, đánh giá, Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Đề án 06 Chính phủ.

Thành phố Hà Nội đã cùng Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ nhận diện ra các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, điển hình như: vướng mắc quy định pháp luật trong vấn đề đầu tư công nghệ phục vụ chuyển đổi số và đã chủ động quyết định thực hiện phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đảm bảo được hiệu quả khả thi khi hoàn toàn có thể sử dụng ngay, đây cũng là điểm đột phá của Thành phố và đã được Chính phủ xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi các quy định còn chồng lấn, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện (như sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước).

“Đồng thời, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo” - Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, cho biết. Thượng tướng Lương Tam Quang dẫn chứng, Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội quy định khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đối với 82 thủ tục hành chính sẽ có mức thu bằng “không” đến hết ngày 31/12/2025. Dự kiến Ngân sách không thu sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện, miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân cho người dân...

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (C06) để đăng ký, triển khai 19 mô hình điểm, đạt kết quả tích cực: thí điểm sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch Tư pháp trên VneID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh (tăng thu thuế 3.274 tỷ/1 tháng); phối hợp với C06 triển khai giải pháp thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố (có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng)....

Khẳng định các kết quả nêu trên của Đề án 06 đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt đời sống xã hội của Thành phố Hà Nội, các giá trị hiệu quả Đề án mang lại cho công tác quản lý nhà nước, thay đổi thói quen tư duy và lề lối làm việc của đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố.

“Có được kết quả đó bởi có sự chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao độ của toàn hệ thống chính trị, từ các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố, đến lãnh đạo đơn vị, sở, ngành, địa phương tại 4 cấp, nhất là các lực lượng thường trực, trực tiếp tham gia thực hiện các nội dung của Đề án”, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, khẳng định.

Từ thành công của Hà Nội, ngành y tế sẽ triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết, thấy rõ vai trò, lợi ích của Sổ sức khỏe điện tử đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Công an, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID thí điểm tại Hà Nội.

bo-truong-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Trong đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ việc thiết lập hồ sơ sức khỏe thông qua ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh chuyển dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ dữ liệu cho Thành phố Hà Nội.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố. Kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân Thành phố với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố với 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố. Hà Nội tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe Thành phố từ các nguồn dữ liệu. Đã đồng bộ được 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của BHXH Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên VNeID của Bộ Công an.

Tư lệnh ngành Y tế cho biết thêm, sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng 10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, gồm 48 trường thông tin; đồng thời tích cực phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở đánh giá thành công của Thành phố Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/05/2024, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID tại Quyết định số 1332/QĐ-BYT. Văn bản này tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể các các địa phương triển khai Sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên VneID, trong đó có quy định 46 trường thông tin và nội dung thông tin hiển thị trên sổ.

“Đến nay, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý Hồ sơ sức khỏe, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi,..; tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, UBND Thành phố Hà Nội, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Đề án 06 Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO