Người dân ở đây, được đào tạo huấn luyện về sản xuất trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap… Còn tại các vùng sản xuất tập trung, người dân được thử nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất RAT…
Người dân đang thu hoạch rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap
Chính vì vậy, từ một vùng rau sản xuất tự phát, đến nay toàn xã đã có hơn 600 hộ dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap.
Nhờ cách làm này mà người dân nơi đây biết bảo vệ môi trường, làm hố rác để thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật làm sạch môi trường.
Cũng từ khi áp dụng rau theo tiêu chuẩn, nông dân ở địa phương không còn phải lo lắng về đầu ra. Các doanh nghiệp thu mua rau sạch tại ruộng. Rau sạch, có giá bán hợp lý nên người dân ngày càng tin tưởng vào quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap.
Trao đổi với Phóng viên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tiền Yên ông Nguyễn Văn Hào cho biết, hợp tác xã có truyền thống sản xuất rau lâu đời. Cả thôn có 600 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33,5ha đất trồng các loại rau: Cải canh, cải ngọt, cải chíp, rau dền, rau muống... Từ năm 2007, địa phương đã được huyện Hoài Đức và ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với hơn 2,5ha; đồng thời, có kỹ sư về tận địa phương hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Tất cả các hộ tham gia đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch sản phẩm đúng cách.
Để sản xuất được rau sạch, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Yên luôn tuân thủ theo quy định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội: Sử dụng các loại phân bón trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc các loại phân hữu cơ đã ủ hoại mục; sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng các nguồn nước ô nhiễm (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi gia súc, nước ao tù...). Nông dân tích cực áp dụng triệt để chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nông dân có trách nhiệm thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định (để vào thùng, bể chứa vỏ bao bì); tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch cũng được thu gom sạch sẽ.
Quy trình từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ ở mô hình rau sach xã Tiền Yên luôn đạt chất lượng và được các chuyên gia đánh giá rất cao
Đối với khâu tiêu thụ, hiện số doanh nghiệp và lượng rau tiêu thụ vẫn còn rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch rau hằng ngày của nông dân trong vùng (trung bình mới đạt 3 tấn/ngày). Do đó, để vùng rau an toàn xã Tiền Yên phát triển hơn nữa, rất cần ngành Nông nghiệp, trực tiếp là đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, trồng trọt tại địa phương tiếp tục duy trì mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi PGS. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần quan tâm đến khâu tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho nông sản nhằm kích cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Để có thể cung cấp tới người dân trong nội đô những thực phẩm an toàn và đảm bảo chất lượng nhất, trong tương lai, Hợp tác xã Tiền Yên sẽ mở rộng vùng sản xuất rau sạchtừ 33,5 ha như hiện nay lên 35 ha - Chủ tịch Hợp tác xã ông Nguyễn Văn Hào nhấn mạnh.