Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát dự kiến sản xuất đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến… tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sở sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất…; chú trọng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Chia sẻ về tình hình chuẩn bị hàng hóa dịp Tết 2018, ông Vũ Thanh Sơn, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2018, doanh nghiệp đã chủ động dự trữ một lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu để đưa ra kinh doanh trong dịp Tết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng bảo đảm hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng Công ty sẽ phục vụ người dân đến sát giao thừa và một số cửa hàng sẽ mở trong dịp Tết tại một số điểm du lịch quanh Hồ Gươm.
Đánh giá cao công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và các sở, ngành, doanh nghiệp, trong việc chủ động nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán những năm qua không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá hay tăng giá bất thường, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý các sở, ngành và doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về bảo đảm cân đối cung cầu bình ổn thị trường; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận nhằm tạo nguồn hàng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ, hoặc găm hàng chờ tăng giá, tạo ra sự đa dạng hàng hóa. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giám sát nguồn hàng, từng bước thực hiện chuỗi liên kết để truy xuất hàng hóa, nguồn gốc và chất lượng…; cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu hàng hóa trên địa bàn báo cáo kịp thời với Bộ liên quan, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ Tết hoạt động 24/24h. Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, kiểm tra, kiểm soát các kho tàng, bến bãi có khả năng cất chứa hàng lậu. Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Đối với các doanh nghiệp bán hàng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản đề nghị bán hàng đúng giá niêm yết, thực hiện nghiêm túc việc bán hàng bình ổn giá; các sở, ngành chức năng phối hợp kiểm tra việc bán hàng của các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp bán hàng đến 30 Tết và thực hiện bán hàng trở lại càng sớm càng tốt.