Gợi mở giải pháp định hình bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc xác lập vị thế văn hóa trong không gian số đã trở thành vấn đề cấp thiết và mang tầm chiến lược. Tại Việt Nam, nơi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trong môi trường số không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cuốn sách "Nhận diện văn hóa trong không gian số" do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên, NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, là công trình đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc kiến tạo văn hóa trong thời đại số.
Cuốn sách gồm 4 chương, được biên soạn công phu, đi từ khái quát lý luận đến những phân tích cụ thể về thực trạng phát triển văn hóa số tại Việt Nam. Ngay từ chương mở đầu, các tác giả đã đưa ra định nghĩa văn hóa số một cách toàn diện: đó là toàn bộ phương thức sáng tạo, lưu giữ, truyền bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa thông qua nền tảng công nghệ kỹ thuật số; đồng thời là tập hợp những quy tắc, chuẩn mực đạo đức và pháp luật điều chỉnh hành vi con người trong môi trường số. Văn hóa không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là dòng chảy sống động trong đời sống hiện tại, đặc biệt khi con người ngày càng hiện diện và tương tác qua các nền tảng số. Vì vậy, xây dựng văn hóa và môi trường văn hóa số là yêu cầu cấp thiết mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được triển khai đồng bộ nhằm định vị và tăng cường sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Đáng chú ý, các tác giả không dừng lại ở lý luận trừu tượng mà gắn chặt với bối cảnh thực tiễn. Các chương tiếp theo phân tích các dạng văn hóa đang hình thành và biến đổi trong không gian số như văn hóa tiêu dùng, văn hóa tương tác, văn hóa đạo đức trên nền tảng công nghệ. Đồng thời làm nổi bật mối quan hệ giữa sự phát triển công nghệ với những nguy cơ xã hội như khủng hoảng giá trị, lệch chuẩn hành vi, lan truyền thông tin sai lệch hay xâm hại quyền riêng tư. Những hiện tượng này được phân tích bằng các dẫn chứng cụ thể từ đời sống số tại Việt Nam, cho thấy tính thời sự và chiều sâu của cuốn sách.
Một điểm nhấn quan trọng là cách nhóm tác giả tiếp cận đối sánh, liên hệ với một số quốc gia trên thế giới. Nhóm tác giả đi sâu nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển văn hóa số tại các quốc gia đi đầu như Liên minh châu Âu, Anh, Tây Ban Nha, và một số nước khác. Thông qua các phân tích cụ thể về nền tảng pháp lý, cơ chế hỗ trợ sáng tạo nội dung, quản lý bản quyền và bảo vệ đạo đức số, người đọc có thể thấy được cách mà các quốc gia phát triển đang kiến tạo không gian văn hóa mới gắn với công nghệ số.
Đặc biệt, chương cuối của cuốn sách dành trọn vẹn cho việc phân tích thực trạng văn hóa số ở Việt Nam và đề xuất hệ thống giải pháp toàn diện. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương lớn của Đảng, cuốn sách khẳng định vai trò then chốt của văn hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững. Các tác giả cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng như số hóa di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia, ứng dụng công nghệ trong giáo dục nghệ thuật... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như sự thiếu đồng bộ về thể chế, kết cấu hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực sáng tạo số còn mỏng và yếu, và đặc biệt là khoảng cách về nhận thức văn hóa giữa các nhóm dân cư trong xã hội.
Để tháo gỡ những vấn đề đó, cuốn sách đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa, xây dựng hệ giá trị ứng xử trong không gian mạng, đến phát triển các nền tảng nội địa phục vụ lưu giữ và quảng bá văn hóa Việt. Một nội dung đáng chú ý là vai trò của công dân số, những người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là lực lượng tiêu dùng nội dung văn hóa số, cần được trang bị nhận thức và kỹ năng để góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.
"Nhận diện văn hóa trong không gian số" là công trình khoa học sâu sắc, kết tinh giữa lý luận và thực tiễn, khai phá một lĩnh vực còn mới ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức lý luận mà còn góp phần định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ và phát triển văn hóa Việt trong không gian mạng. Đây là tài liệu tham khảo có giá trị đối với giới nghiên cứu, nhà quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và những ai đang quan tâm đến hành trình khẳng định bản sắc Việt trong thời đại số./.